Bản tin kinh tế - tài chính ngày 25/11: ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank từ 75 triệu USD lên 115 triệu USD.
Sự kiện này không những tiếp tục khẳng định uy tín của Eximbank trên thị trường tài chính quốc tế mà còn mở ra cơ hội để ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế.
Việc Eximbank được ADB nâng hạn mức tài trợ thương mại là kết quả của quá trình hoạt động kinh doanh minh bạch, quản trị rủi ro hiệu quả và sự hỗ trợ mạnh mẽ mà Eximbank dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Hạn mức mới của ADB không chỉ giúp Eximbank mở rộng nguồn lực tài chính mà còn củng cố vị thế của ngân hàng trong lĩnh vực tài trợ thương mại - một lĩnh vực chiến lược góp phần thúc đẩy nền kinh tế xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bằng việc tận dụng tối đa nguồn lực tài trợ từ ADB, Eximbank cam kết mang đến các giải pháp tài chính tối ưu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đồng hành cùng nền kinh tế trên hành trình hội nhập và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Cụ thể, tài trợ xuất nhập khẩu: Đảm bảo dòng tiền cho các giao dịch quốc tế.- Thư tín dụng (L/C): Đảm bảo thanh toán an toàn và hiệu quả; Tài trợ thương mại xanh: Hỗ trợ các dự án bền vững và thân thiện với môi trường
Hòa Phát cử người tìm hiểu công nghệ liên quan đến đường sắt cao tốc
Tập đoàn Hòa Phát tự tin về khả năng cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam trị giá 67 tỷ USD.
"Ở thời điểm hiện tại chúng tôi đã bắt đầu nỗ lực nghiên cứu và cho người đi tìm hiểu công nghệ liên quan đến đường sắt ở các nước đã làm tàu cao tốc", bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc tài chính Hòa Phát vừa chia sẻ.
Điểm đáng chú ý là tại dự án Dung Quất 2, Hòa Phát đã chứng minh năng lực kỹ thuật khi sản xuất được thép chất lượng cao dùng trong lốp ô tô - sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật còn cao hơn cả thép đường ray tàu cao tốc. "Khi chúng tôi đã làm được thép chất lượng cao đến vậy thì thép cho đường ray tàu cao tốc cũng chỉ có yêu cầu tương tự, thậm chí ở chuẩn thấp hơn nên Hòa Phát sẽ làm được", bà Kim Oanh khẳng định.
Theo bà Oanh, dự án này cũng có sử dụng tới nhiều loại thép khác mà Hòa Phát đang sản xuất.
"Để sản xuất thép cho đường ray tàu cao tốc cần phải có đế móng đường. Mà đế móng đường này lại cũng cần đến thép xây dựng. Các điểm chờ kết nối, nhà ga cũng cần phải sử dụng đến thép. Vì vậy, song hành với thép đường ray Hòa Phát cũng có thể cung cấp thêm cả thép xây dựng, tôn mạ, ống tôn, HRC cho dự án", bà cho biết.
Trong tổng mức đầu tư 67 tỷ USD của Dự án, chi phí cho cơ sở hạ tầng chiếm 35%-50%, chi phí xây dựng đường ray khoảng 15%-20% và chi phí làm đường vào ga khoảng 10%-15%.
Theo bà Kim Oanh, Việt Nam tự chủ được về thép sẽ có lợi hơn thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu. "Công trình này cũng cần tu bổ, bảo dưỡng cho sau này. Nếu Việt Nam phụ thuộc vào việc nhập khẩu thì có thể ảnh hưởng đến quá trình tu bổ, bảo dưỡng cho dự án", bà nói. Nếu nhập khẩu nhiều, Việt Nam sẽ phải chịu áp lực về tỷ giá vì phải đổi tiền VND sang USD hay các ngoại tệ khác để mua hàng. Việc bảo trì, bảo hành bảo dưỡng cũng cần dùng đến ngoại tệ nếu nhập khẩu. Bà tin rằng Chính phủ Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, Hòa Phát cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào dự án Dung Quất 2 với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn HRC/năm và tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Bà Oanh tiết lộ dự án này sẽ có sản phẩm thương mại từ cuối 2024 và đóng góp đáng kể vào năm 2025. Theo kế hoạch, lò cao số 1 sẽ hoạt động 50-60% công suất trong năm 2025, tăng lên 80% vào năm 2026 và dự kiến đạt công suất tối đa trong giai đoạn 2027-2028.
Nhà băng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cuối năm
Nhu cầu mua sắm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối năm, đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán 2025 được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại, trong đó có mảng vay tiêu dùng của các ngân hàng và công ty tài chính. Các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, SHB, VIB... đang đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng.
Phó tổng giám đốc HDBank Trần Hoài Nam cho biết, Công ty Tài chính HD SAISON của HDBank đã xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, với lãi suất tương đối cạnh tranh, cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vay tiêu dùng và kết quả giải ngân khá tích cực.
Tại Hội thảo Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây tại Hà Nội, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động tín dụng tiêu dùng trên cả nước đang trên đà phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ năm 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Hiện có trên 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng được triển khai đến người dân.
Các chuyên gia tài chính dự đoán, nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm 2024 và năm tiếp theo sẽ tăng trở lại nhờ kinh tế tăng trưởng khả quan, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, thị trường bất động sản phục hồi.
Thực tế, sau giai đoạn chững lại và đối mặt với nhiều khó khăn, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang hồi phục. Không chỉ các ngân hàng thương mại, mà nhiều công ty tài chính cũng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, cho vay tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn, tiêu dùng của khách hàng dịp cuối năm.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời
Ngày 23/11, Tập đoàn 911 (NO1) thông báo ông Lưu Đình Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty đã từ trần vào ngày 22/11/2024.
Tập đoàn 911 tiền thân là CTCP Thiết bị nền móng 911, thành lập từ năm 2011, được ông Tuấn xây dựng trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh máy công trình và thiết bị khai thác, hiện đang là nhà phân phối chính thức của XCMG, Zton, Ep Equipment, KCP tại Việt Nam.
Chủ tịch NO1 đột ngột qua đời ngay trước thềm ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của công ty diễn ra vào ngày 23/11/2024. Dẫu vậy, đại hội vẫn được tổ chức thành công.
Đáng chú ý, Ban lãnh đạo và các cổ đông đã đồng thuận việc bầu chọn bà Nguyễn Thị Thơm làm Chủ tịch HĐQT mới của Tập đoàn 911.
NO1 cho biết, bà Thơm đã có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý và sự am hiểu sâu sắc về chiến lược phát triển, cam kết tiếp tục dẫn dắt tập đoàn vững bước trên con đường phát triển, kế thừa và phát huy những giá trị mà ông Lưu Đình Tuấn đã dày công xây dựng.
Trước khi được bổ nhiệm Chủ tịch Tập đoàn 911, bà Thơm từng là Thành viên HĐQT NO1. Tuy nhiên, từ ngày 22/06/2024, bà không còn đảm nhận nữa do có đơn xin từ nhiệm vì không thể sắp xếp được thời gian để đảm nhận công việc đã phân công. Trước đó ngày 12/04, NO1 cũng miễn nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc đối với bà Thơm.
Sau khi có đơn xin từ nhiệm, vào đầu tháng 10, bà Thơm cũng đã thoái sạch hơn 601 ngàn cp NO1, chiếm hơn 2.5% vốn tại Tập đoàn 911 và chính thức không còn là cổ đông tại công ty.
Về mối liên hệ, bà Thơm là em vợ của cố Chủ tịch Lưu Đình Tuấn, bản thân ông Tuấn đang nắm giữ 5 triệu cp, sở hữu 20.83% vốn tại NO1.
Trong giai đoạn từ ngày 15/10-13/11/2024, bà Nguyễn Thị Hải - vợ Chủ tịch Lưu Đình Tuấn (chị ruột bà Thơm) đã mua khớp lệnh 763.5 ngàn cp NO1, nâng tỷ lệ sở hữu lên 7.28% và trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn 911./.
- Bản tin kinh tế - tài chính ngày 24/11: Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN
- 400 doanh nghiệp quốc tế tham gia triển lãm ngũ kim và dụng cụ cầm tay lần thứ 9
- Cần có phương án tối ưu khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường