ISSN-2815-5823
Báo chí chuyển mình cùng kinh tế số  - Vận hội và thách thức

Báo chí chuyển mình cùng kinh tế số - Vận hội và thách thức

(KDPT) - Ngày nay, chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số... đã không còn xa lạ bởi nó không chỉ là xu hướng mà còn là bắt buộc, tất yếu. Trong xu thế chung ấy, báo chí cũng không phải là ngoại lệ.
Thứ sáu, 06h00 21/06/2024
Nhà báo Bùi Văn Doanh
(thực hiện)

Thực tế, đây là thời đại mà báo chí đang chuyển mình cùng kinh tế số. Chuyển đổi số trong báo chí vừa là thách thức, nhưng cũng là vận hội cho những ai biết nắm bắt thời cơ và có ý tưởng, tư duy sáng tạo. Nếu người nào biết thay đổi tư duy để mở ra hướng mới tạo sự đột phá, người đó sẽ vượt lên phía trước. Điều đặc biệt là trong thời đại chuyển đổi số, điểm xuất phát của các cơ quan báo chí gần như bằng nhau, vì vậy cơ hội chia đều cho tất cả.

icon Quote

Thắng hay bại là ở đây. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số đã hơn chục năm. Bây giờ không chỉ là lên không gian mạng mà còn là giành lại không gian mạng, tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng. Nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ không gian mạng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024
---
kinhdoanhvaphattrien.vn

Nhưng đầu tiên ta hãy tìm hiểu kinh tế số là gì?

Kinh tế số

Kinh tế số tiếng anh là digital economy, theo nhóm cộng tác kinh tế số Oxford thì kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Interet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế mà công nghệ số được áp dụng. Hay nói cách khác, kinh tế số là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số, liên quan đến sự chuyển đổi và tích hợp các công nghệ số và dữ liệu số vào hoạt động kinh tế, sản xuất, giao dịch, và quản lý doanh nghiệp.

icon Quote

Đây là thời đại mà báo chí đang chuyển mình cùng kinh tế số. Chuyển đổi số trong báo chí vừa là thách thức, nhưng cũng là vận hội cho những ai biết nắm bắt thời cơ và có ý tưởng, tư duy sáng tạo. Nếu người nào biết thay đổi tư duy để mở ra hướng mới tạo sự đột phá, người đó sẽ vượt lên phía trước. Điều đặc biệt là trong thời đại chuyển đổi số, điểm xuất phát của các cơ quan báo chí gần như bằng nhau, vì vậy cơ hội chia đều cho tất cả.

kinhdoanhvaphattrien.vn

Người ta thường nói đến nền tảng công nghệ số bao gồm: Trí tuệ nhân tạo - AI; Chuỗi khối - Blockchain; Dữ liệu lớn - Big data; Kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT; Điện toán đám mây - Cloud Computing. Tuy nhiên, có thể khái quát đặc điểm của kinh tế số là: (i) Sử dụng công nghệ số; (ii) Dữ liệu số là yếu tố quan trọng; (iii) Kết nối và mạng lưới; (iv) Quy trình tự động hóa. Có người cho rằng, trong kinh tế số hay công nghệ số thì xử lý thông tin là quan trọng nhất.

So với nền công nghiệp truyền thống, kinh tế số có những đặc trưng khác biệt gần như hoàn toàn. Đó là: Dữ liệu (Data) đã trở thành yếu tố sản xuất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cơ sở hạ tầng số trở thành nền tảng hạ tầng mới; kiến thức số trở thành yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực. Do đó, các chuyên gia đã tổng kết và rút ra kết luận, muốn kinh tế số thành công phải thiết lập ba trụ cột cơ bản gồm: (i) Thiết lập trụ cột thể chế kinh tế số; (ii) Xây dựng trụ cột hạ tầng số; (iii) Phát triển trụ cột nhân lực số.

Từ những tổng kết này về về kinh tế số, ta đã hoàn toàn có thể hình dung về chuyển đổi số trong báo chí.

“Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đã nêu rõ quan điểm: “Thể chế kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo đảm trách nhiệm tuân thủ pháp luật như nhau giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”. Đồng thời xác định “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp”. Chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP và đến năm 2030 đạt 30% GDP.

Kinh tế số là trọng tâm phát triển kinh tế. (Ảnh minh họa)
Kinh tế số là trọng tâm phát triển kinh tế. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 14,26% GDP; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt khoảng 7,5%. Về công nghiệp công nghệ số, Việt Nam có khoảng 70.000 doanh nghiệp CNTT với tổng doanh thu ước tính 148 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 20 thế giới về ứng dụng phần mềm nguồn mở và xếp ở vị trí thứ 3 tại khu vực ASEAN, sau Singapore và Indonesia. Đặc biệt về hạ tầng số, Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia toàn cầu về sử dụng IPv6 và được đánh giá là 1/20 nước có tỷ lệ sử dụng internet nhiều nhất thế giới, đạt 70,3% dân số; 75,8% dân số có điện thoại thông minh, tăng 1,4%. Tỷ lệ phủ sóng di động tại các thôn, bản đạt 99,73%, tăng 1,9% so với năm 2021.

Đến năm 2023 thì kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP, với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm. Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023). Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022.

Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế số, theo chiến lược đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Cũng là nền tảng quan trọng để báo chí chuyển mình cùng kinh tế số thuận lợi và hiệu quả.

Báo chí và kinh tế số

Nhà báo Nguyễn Quốc Uy - Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN đánh giá, một trong những chức năng quan trọng nhất của báo chí là chức năng tư tưởng. Thông tin từ báo chí tác động vào tư tưởng, tình cảm của quần chúng, góp phần làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành động của họ. Thực tế cho thấy, trong mọi cuộc cạnh tranh, hiểu theo nghĩa rộng của từ này, ai nắm được thông tin trước, chính xác và đầy đủ hơn, làm chủ được thông tin, nhất là giữ vai trò chi phối thông tin, người ấy thường giành phần thắng. (Sức mạnh của báo chí, VnEconomy, ngày 20/6/2023).

Tuy nhiên, trong hoạt động của báo chí có khía cạnh kinh tế, nhất là những tòa soạn tự chủ một phần hoặc hoàn toàn về tài chính. Theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại khuyến khích các tòa soạn tự chủ về tài chính. Vì vậy, yếu tố kinh tế trong hoạt động của báo chí ngày càng đậm nét.

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện. (Ảnh: Lê Bảo)
Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện. (Ảnh: Lê Bảo)

Tính chất này thể hiện ở các khía cạnh sau: Như bất cứ một tổ chức nào khác, báo chí hoạt động cũng phải dựa trên nền tảng cơ sở vật chất là tài chính. Báo chí cũng tạo ra sản phẩm và bán sản phẩm tạo ra nguồn thu; chỉ có điều, sản phẩm đó là hàng hóa đặc biệt. Đồng thời, báo chí cũng thực hiện nộp thuế khi có doanh thu, vì vậy ở khía cạnh này, báo chí cũng gần giống như doanh nghiệp. Điều đó dẫn đến hệ quả, báo chí muốn tồn tại và phát triển cũng phải hạch toán kinh tế; và đây là yếu tố có thể nói là phản ánh tính chất kinh tế của báo chí rõ nhất.

Nhìn từ góc độ nào đó, báo chí cũng hoạt động như một doanh nghiệp, chính xác hơn là một loại doanh nghiệp đặc biệt. Từ đó suy ra, báo chí không thể và cũng không nên đứng ngoài nền kinh tế số, mà phải chuyển mình cùng kinh tế số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí có đặc thù riêng. Có thể nhìn nhận tính chất chuyển đổi số của báo chí dưới các góc nhìn sau:

Kinh tế nói chung và hoạt động kinh tế, doanh nghiệp nói riêng là một trong những đối tượng phản ánh của báo chí. Vì vậy, nền kinh tế, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thì báo chí cũng phải chuyển mình theo xu hướng chung của thời đại. Tức là báo chí phải tiếp cận chuyển đổi số, kinh tế số để ít nhất hiểu được đối tượng và phản ánh, nhận định, đánh giá, dự báo khách quan, trung thực, chính xác, đáp ứng nhu cầu của độc giả và xã hội.

Mặt khác, trong hoạt động của báo chí có khía cạnh kinh tế, nên báo chí muốn hoạt động hiệu quả thì phải vận dụng, áp dụng kinh tế số, ít nhất ở khía cạnh kinh tế trong hoạt động của mình. Tức là cũng phải chuyển mình cùng kinh tế số và trong dòng chảy của công cuộc chuyển đổi số nói chung.

Hơn nữa, môi trường hoạt động của báo chí là xã hội số, đối tượng phục vụ của báo chí là bạn đọc nằm trong xã hội đó, nên báo chí cũng phải chuyển đổi số thì mới có thể phục vụ bạn đọc, phục vụ xã hội một cách hiệu quả. Do đó, nói cách khác, chỉ có chuyển đổi số thì báo chí mới có thể thực hiện được chức năng của mình, đồng thời mới có thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, như bất cứ một cuộc cách mạng nào, báo chí bước vào cuộc cách mạng số... cũng đứng trước những thách thức không nhỏ.

Báo chí trong nền kinh tế số - Những thách thức

Thách thức đầu tiên là tài chính. Trong mấy năm qua từ đại dịch Covid-19, kinh tế trì trệ, doanh nghiệp khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của báo chí. Trong khi đó, chuyển đổi số trong báo chí là một cuộc cách mạng toàn diện, từ phương thức hoạt động, nền tảng số để vận hành, sản xuất và tiếp cận bạn đọc.

Việt Nam có thể học tập mô hình toà soạn số của nhiều tờ báo lớn trên thế giới. (Ảnh minh họa)
Việt Nam có thể học tập mô hình toà soạn số của nhiều tờ báo lớn trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Nói một cách khái quát, chuyển đổi số báo chí là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ; bao gồm việc sử dụng công nghệ số để sản xuất nội dung, phân phối trên các nền tảng như website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại, tạo ra các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số. (Học viện quản lý PACE). Như vậy, cuộc chuyển đổi này đòi hỏi nguồn tài chính không nhỏ.

Tuy nhiên, thách thức không phải là không thể vượt qua. Nhưng vấn đề ở đây là nếu nguồn tài chính không đủ lớn, cuộc chuyển đổi số vẫn có thể diễn ra, nhưng chất lượng không cao và chuyển đổi không triệt để. Nó gần như là cuộc cách mạng nửa vời và như thế sẽ không chiếm được ưu thế trong cạnh tranh, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bị bỏ lại phía sau và trước sau gì cũng sẽ bị gạt bỏ khỏi cuộc đua sống còn.

Thách thức thứ hai là về công nghệ. Thực ra, cơ quan báo chí nhìn chung không phải là người sáng tạo ra công nghệ số cho hoạt động của mình, mà mọi công nghệ đều được các tổ chức cung cấp. Nhưng thách thức ở đây là ở việc lựa chọn công nghệ, khai thác công nghệ đó sao cho hiệu quả, và nhất là phải tạo được nền móng cho sự phát triển trong tương lai.

Với cuộc Cách mạng 4.0, mọi công nghệ sẽ thay đổi rất nhanh. Vì vậy, lựa chọn nền tảng chỉ là bước khởi đầu, điều quan trọng là phải bắt kịp với sự phát triển của công nghệ và liên tục cập nhật, điều chỉnh mới có thể bắt kịp xu hướng của thời đại và thế giới. Bởi có những điều ngày hôm nay có thể là “điên rồ”, nhưng năm sau, tháng sau, thậm chí có thể là tuần sau nó đã là xu hướng của xã hội.

Điều đó cũng có nghĩa, chúng ta luôn làm việc trong môi trường động, nên cũng phải luôn tự thay đổi để thích nghi. Không chỉ thích nghi mà còn kiểm soát được môi trường và thậm chí, vượt lên trước dòng chảy để định hướng dòng chảy.

Thách thức thứ ba là về nhân lực. Sự thách thức của công nghệ đặt ra thách thức về nguồn nhân lực. Công nghệ luôn thay đổi đòi hỏi con người cũng phải thay đổi, thậm chí vượt lên để tạo ra sự thay đổi về công nghệ. Điều này đối với người đứng đầu đã khó, đối với cả hệ thống còn khó gấp bội. Tổ chức càng lớn thì khó khăn càng nhân lên. Nguồn nhân lực gần như phải đào tạo từ đầu về công nghệ. Nhưng sau đó lại phải luôn cập nhật, đào tạo và đào tạo liên tục. Trong quá trình này, vấn đề tự đào tạo của từng thành viên là rất quan trọng.

Thách thức thứ tư là về thể chế. Bất cứ cuộc cách mạng công nghiệp nào cũng là sự thay đổi. Công nghệ mới xuất hiện đòi hỏi sự thay đổi về thể chế cho phù hợp, từ hệ thống pháp luật đến tổ chức thực thi. Để xây dựng hệ thống  vận hành trong một môi trường xuất hiện nhiều yếu tố mới chưa từng có trong quá khứ là điều không dễ. Nhưng điều quan trọng hơn còn là xây dựng hệ thống ấy không phải với tư duy quản lý mà phải với tư duy kiến tạo. Có như thế mới có thể tạo môi trường, thậm chí là định hướng cho cái mới phát triển mạnh mẽ và đúng hướng. 

Báo chí số mang đặc tính của báo chí trên nền tảng số và báo chí đa phương tiện. (Ảnh minh họa)
Báo chí số mang đặc tính của báo chí trên nền tảng số và báo chí đa phương tiện. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thể chế luôn có độ trễ so với thực tiễn. Điều đó tạo ra hệ quả, thể chế chậm sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nhất là môi trường pháp lý. Mà không có môi trường pháp lý hoàn thiện, báo chí số sẽ rất khó sáng tạo và nhất là rất khó mở ra những xu hướng mới, những phương thức mới... theo đà phát triển với hàm số mũ của công nghệ số. Trong tình thế đó, đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan báo chí một mặt phải tuân thủ pháp luật với thể chế hiện hữu, mặt khác phải không ngừng sáng tạo, thậm chí là “đi trước thời đại” để sáng tạo ra cái mới, nhưng đồng thời cần chủ động đề xuất với cơ quan quản lý để từng bước cập nhật thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế.

Bên cạnh những thách thức trên, còn có thách thức không hề nhỏ song hành với hoạt động báo chí, đó là mạng xã hội mà chúng ta sẽ tách riêng đề cập dưới đây.

Báo chí và mạng xã hội - Đối thủ hay song hành?

Thách thức của mạng xã hội đối với báo chí đã hiện hữu từ lâu và được đề cập đến rất nhiều. Nổi lên là từ việc đưa tin nhanh, đa chiều, cách truyền tải thông điệp phù hợp với đại đa số người dùng, nhất là lớp trẻ... nên mạng xã hội đã thu hút được lượng lớn khách hàng - bạn đọc. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm sút bạn đọc của báo chí chính thống. Điều này dẫn đến hậu quả kép: 1/ Việc giảm sút số lượng bạn đọc dẫn đến giảm sức lan tỏa, giảm hiệu quả thông tin, cũng đồng nghĩa với giảm hiệu lực và cả “quyền lực” của báo chí; 2/ Hệ quả là nguồn thu từ quảng cáo của báo chí sụt giảm nghiêm trọng.

Như bất cứ một sự vật, hiện tượng nào, mạng xã hội cũng có mặt tiêu cực và tích cực. Nhưng phải khẳng định rằng, sự xuất hiện, tồn tại, phát triển của mạng xã hội là một thực tế khách quan không thể phủ nhận và cũng không phủ nhận được. Vấn đề ở đây là mỗi bên đều có thế mạnh riêng, có thể bổ sung và hỗ trợ nhau. Có một vấn đề cần nhấn mạnh, đó là khi mạng xã hội càng bộc lộ những khía cạnh tiêu cực, nhất là về độ chính xác của thông tin, tính định hướng thông tin, gây hệ quả tiêu cực cho xã hội..., thì trách nhiệm xã hội của báo chí chính thống lại càng được đề cao và trách nhiệm của báo chí càng nổi lên, nhất là với vai trò định hướng thông tin.

Cách ứng xử đúng đắn và khôn ngoan nhất là báo chí coi mạng xã hội như người bạn song hành, thậm chí tạo thành hệ sinh thái cộng sinh có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Từ đó, cả hai bên có thể chia sẻ tài nguyên, ứng dụng phương cách của nhau, thậm chí hỗ trợ nhau tạo hiệu ứng tốt nhất để nâng cao hiệu quả thông tin.

Nhà báo Bùi Văn Doanh
kinhdoanhvaphattrien.vn

Do đó, cách ứng xử đúng đắn và khôn ngoan nhất là báo chí coi mạng xã hội như người bạn song hành, thậm chí tạo thành hệ sinh thái cộng sinh có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Từ đó, cả hai bên có thể chia sẻ tài nguyên, ứng dụng phương cách của nhau, thậm chí hỗ trợ nhau tạo hiệu ứng tốt nhất để nâng cao hiệu quả thông tin.

Trong thực tế, đến nay đã có sự bắt tay, cả chủ động và bị động, cả tự phát và tự giác giữa báo chí và mạng xã hội. Điều đó phát huy thế mạnh của mỗi bên, mang lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của truyền thông, mang lại lợi ích ngày càng lớn cho người dùng và xã hội. Đây không những là hướng đi đúng mà còn là hướng đi tất yếu. Sự giao thoa giữa báo chí và mạng xã hội cũng sẽ ngày càng nhiều, và biết đâu đến một mức độ phát triển nào đó, sẽ không còn ranh giới.

Vì vậy, từ cách nhìn về mạng xã hội này, nếu ta thay đổi cách nghĩ, thì thách thức trong chuyển đổi số đối với báo chí sẽ trở thành vận hội.

Báo chí và thay đổi tư duy - Biến thách thức thành vận hội

Ở phần trên, chúng ta đã đề cập đến những thách thức đối với báo chí khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó có thách thức về tài chính và công nghệ. Nhưng nếu nhìn theo khía cạnh tích cực, thì chính công nghệ - hạt nhân của cuộc Cách mạng 4.0 - lại là nhân tố giúp ta giải quyết được thách thức về tài chính. Bởi công nghệ giúp nâng cao hiệu suất làm việc, thậm chí nó không chỉ thay thế lao động chân tay mà với cuộc cách mạng 4.0 lần này, công nghệ còn thay thế cả lao động trí óc.

icon Quote

Khoa học, công nghệ trong thời đại số hoàn toàn có thể tạo ra những bước ngoặt không thể hình dung trước. Đồng thời nó cũng cho phép con người mặc sức sáng tạo để mở ra chân trời mới, chiếm lĩnh và tạo ra tri thức mới, miễn là không ngừng đổi mới tư duy.

Nhà báo Bùi Văn Doanh
kinhdoanhvaphattrien.vn

Do đó, công nghệ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại kết quả cao nhất với chi phí, cả chi phí vật chất và chi phí thời gian thấp nhất. Công nghệ cũng tạo ra nguồn tài nguyên dùng chung là dữ liệu lớn, mà nguồn tài nguyên này tăng theo cấp hàm số mũ, trong đó có sự đóng góp rất lớn của báo chí, lại giúp thúc đẩy báo chí phát triển với chi phí thấp nhất...

Như vậy, chỉ cần thay đổi góc nhìn, sự vật đã thay đổi, thậm chí có thể biến thách thức thành vận hội. Tuy nhiên, muốn thay đổi được góc nhìn, điều quan trọng hàng đầu là cần thay đổi tư duy.

“Đổi mới tư duy” là cụm từ không hề mới, nhưng nó lại luôn biến đổi theo thời gian và tạo ra nội hàm mới mang những ý nghĩa hoàn toàn mới, thậm chí là mở ra những đột phá mới. Một tư duy mới sẽ nắm bắt được cơ hội mới có thể tạo ra sự phát triển mới làm thay đổi cục diện.

Ví dụ như ở trên đã đề cập, liệu có ai nghĩ rằng, sẽ đến lúc nào đó, báo chí truyền thống và mạng xã hội dung hòa với nhau? Thậm chí, sẽ đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện một hình thái truyền thông mới, thậm chí có khi người ta không còn gọi là truyền thông nữa mà sẽ xuất hiện một khái niệm mới thay thế để hình thành nên một thực thể mới. Khái niệm thay đổi, bởi bản chất sự vật đã thay đổi và thậm chí cả cách thức tiếp cận, nền tảng vận hành cũng đã thay đổi.

Thời đại số là thời đại cả nhân loại dùng chung cơ sở dữ liệu và làm giàu cho cơ sở dữ liệu ấy một cách có ý thức và cả vô thức, tự giác và tự phát. Công nghệ sử dụng điện toán đám mây để lưu trữ. Nhưng người ta đã nghĩ đến việc đến một lúc nào đó sẽ có cả sự kết nối giữa các bộ não người với nguồn dữ liệu như kiểu điện toán đám mây dùng chung, cho phép từng bộ não truy cập vào để sử dụng nguồn dữ liệu đó. Vậy có ai nghĩ rằng, báo chí hay mạng xã hội lúc đó sẽ như thế nào? Đó không phải là câu chuyện khoa học viễn tưởng, mà hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí là xảy ra trong tương lai gần.

Đưa ra vấn đề này, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Khoa học, công nghệ trong thời đại số hoàn toàn có thể tạo ra những bước ngoặt không thể hình dung trước. Đồng thời nó cũng cho phép con người mặc sức sáng tạo để mở ra chân trời mới, chiếm lĩnh và tạo ra tri thức mới, miễn là không ngừng đổi mới tư duy.

Bởi tất cả những thay đổi ấy chỉ dựa trên một sự thay đổi cơ bản nhất, đó là thay đổi cách nghĩ, thay đổi tư duy. Dó đó, nếu biết thay đổi tư duy, đây chính là thời cơ, thậm chí là vận hội để báo chí thay đổi mình, tạo bước ngoặt cho sự phát triển mới./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 02/07/2024