ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ ba, 06h00 11/03/2025

Lĩnh vực công nghệ thông tin: Kiến tạo tương lai thịnh vượng

(KDPT) - Lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) vẫn được xem là "vua của mọi nghề" trong nền kinh tế số. Ngành nghề này đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự đổi mới trong mọi lĩnh vực, định hình lại các mô hình kinh doanh toàn cầu.

Công nghệ thông tin là đòn bẩy trong phát triển kinh tế - xã hội

Công nghệ tiếp tục là yếu tố dẫn dắt mạnh mẽ trong việc định hình lại các mô hình kinh doanh toàn cầu. Trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa đã và đang thay đổi cách thức hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ khách hàng.

Các AI mô phỏng quá trình tư duy của con người thông qua các thuật toán và mô hình học máy. AI có khả năng phân tích dữ liệu, học hỏi từ kinh nghiệm, đưa ra quyết định và thực hiện các nhiệm vụ một cách tự động mà không cần sự can thiệp của con người. Công nghệ AI hiện được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, tài chính, y tế đến thương mại điện tử và logistics.

Theo Ths. Đoàn Đức Thuận, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), các hệ thống AI ngày càng trở nên thông minh hơn, không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình mà còn có khả năng tạo ra các giải pháp sáng tạo mới. AI siêu thông minh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo xu hướng thị trường và nhu cầu của khách hàng, từ đó giúp các doanh nghiệp cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của từng khách hàng.

Ths. Đoàn Đức Thuận, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI). (Ảnh:FPT)
Ths. Đoàn Đức Thuận, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI). (Ảnh:FPT)

Quá trình chuyển đổi từ mô hình Human-First (ưu tiên con người) sang AI-First (ưu tiên trí tuệ nhân tạo) đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với các dự đoán truyền thống. Giai đoạn hiện tại được xác định là AI-Assisted (trí tuệ nhân tạo hỗ trợ), nơi AI đóng vai trò hỗ trợ con người trong các quyết định và hoạt động kinh doanh, kéo dài trong khoảng 2-5 năm.

Tuy nhiên, trong 5-10 năm tới, AI sẽ phát triển theo hướng AI-First (Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò trung tâm), trong đó phần mềm và robot có thể hoạt động độc lập, tiến tới AGI (Trí tuệ nhân tạo tổng quát - Artificial General Intelligence) vào năm 2045.

Trong lĩnh vực sản xuất, AI giúp tự động hóa dây chuyền sản xuất bằng cách sử dụng robot thông minh, giảm thiểu sai sót, tăng năng suất và giảm chi phí nhân công. Các hệ thống AI có thể giám sát hoạt động sản xuất theo thời gian thực, phát hiện lỗi kỹ thuật và đưa ra đề xuất điều chỉnh để tối ưu hiệu suất.

Trong ngành tài chính - ngân hàng, AI được ứng dụng để phát hiện gian lận, dự báo rủi ro tín dụng và hỗ trợ khách hàng thông qua chatbot tự động. Nhờ khả năng phân tích dữ liệu nhanh chóng, AI có thể xác định các giao dịch đáng ngờ và giảm thiểu nguy cơ gian lận tài chính. Ngoài ra, các ngân hàng còn sử dụng AI để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, đề xuất các sản phẩm tài chính phù hợp với từng cá nhân.

Trong y tế, AI đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh, phân tích hình ảnh y khoa và đề xuất phác đồ điều trị. Các hệ thống AI có thể xử lý hàng triệu dữ liệu y tế để nhận diện sớm các dấu hiệu bệnh lý, hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định chính xác hơn. Một số ứng dụng AI nổi bật trong y tế bao gồm phân tích ảnh X-quang, dự đoán nguy cơ mắc bệnh và phát triển thuốc mới.

Trong lĩnh vực marketing, AI giúp cá nhân hóa quảng cáo, phân tích hành vi khách hàng và tối ưu chiến lược tiếp thị. Các thuật toán AI có thể phân tích dữ liệu từ mạng xã hội, trang web và lịch sử mua hàng để đưa ra gợi ý sản phẩm phù hợp với từng khách hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu, nâng cao hiệu quả chiến dịch quảng cáo và cải thiện trải nghiệm người dùng.

Trong logistics, AI giúp tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển, dự báo nhu cầu hàng hóa và nâng cao hiệu suất chuỗi cung ứng. Các hệ thống AI có thể phân tích dữ liệu thời gian thực để xác định tuyến đường nhanh nhất, giảm chi phí vận chuyển và tối ưu hóa kho bãi. Bên cạnh đó, AI cũng được sử dụng trong các kho hàng thông minh, giúp tự động hóa quá trình lưu trữ và phân phối hàng hóa.

Nguồn nhân lực có chuyên môn đóng vai trò quan trọng

Năm 2025, AI tiếp tục là từ khóa được nhắc đến nhiều. Một số chuyên gia cũng dự đoán trong tương lai sẽ đặt ra bài toán về cách con người làm việc song song với AI. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, đội ngũ giảng viên phục vụ đào tạo AI chưa đáp ứng được như kỳ vọng.

Việt Nam không đứng ngoài cuộc đua toàn cầu về AI. Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đưa vào đào tạo ngành/chuyên ngành liên quan đến AI.

Theo anh Tiến Trung, phụ trách bộ phận nhân sự tại một doanh nghiệp lĩnh vực AI, cho rằng nhu cầu nhân lực giàu kinh nghiệm trong ngành IT chưa bao giờ giảm mà luôn tăng và ngày càng đòi hỏi cao. Các công ty công nghệ liên tục tìm kiếm ứng viên có năng lực thực tế, từ trung cấp đến chuyên gia. Để thu hút nhân sự, thậm chí "giành giật" ứng viên, doanh nghiệp công nghệ sẵn sàng đưa ra chế độ lương, thưởng, phúc lợi đôi khi vượt quy định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, ngành IT đang đối mặt nhiều thách thức trong tuyển dụng, nhất là nguồn cung nhân lực chất lượng cao. Dù số lượng ứng viên dồi dào, hơn 55% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm kiếm nhân sự có kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc. Cạnh tranh nhân sự giữa các công ty cũng ngày càng gay gắt khiến gần một nửa doanh nghiệp phải đưa ra chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút và giữ chân người giỏi.

Ngoài ra, quy trình tuyển dụng trong ngành IT thường phức tạp, gồm nhiều vòng phỏng vấn, bài kiểm tra mã nguồn và thử thách thuật toán. Việc đánh giá năng lực kỹ thuật thông qua bài kiểm tra thực hành và phỏng vấn chuyên sâu cũng kéo dài thời gian tuyển dụng khiến ứng viên dễ nản.

Thách thức lớn nhất khi tuyển dụng nhân sự IT chính là sự chênh lệch giữa trình độ của ứng viên và yêu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết ứng viên thiếu hụt kỹ năng chuyên môn sâu, nhất là trong lĩnh vực lập trình, an ninh mạng và dữ liệu lớn.

Tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực công nghệ thông tin

Thực tiễn cho thấy, việc đào tạo và thu hút nhân tài chất lượng cao, có kinh nghiệm có nhiều hạn chế, khiến các doanh nghiệp công nghệ phát triển chậm, phụ thuộc nhiều vào công nghệ nhập khẩu, thậm chí còn gặp khó khăn trong đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm mang tính đột phá.

Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đối mặt với những thách thức từ các công ty công nghệ lớn như Apple, Google, Microsoft… vốn có lợi thế về tài chính, thương hiệu, công nghệ tiên tiến và hệ sinh thái rộng lớn. Điều này làm cho các sản phẩm công nghệ số Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Mặc dù Việt Nam đã có những cải thiện về hạ tầng viễn thông, mạng 5G, trung tâm dữ liệu, hạ tầng tính toán và lưu trữ nhưng theo các chuyên gia công nghệ, chúng ta vẫn cần đầu tư mạnh hơn để bảo đảm khả năng mở rộng, tối ưu hóa hiệu suất và bảo mật thông tin. Với sự ra đời của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số trong thương mại điện tử, tài chính, giáo dục và y tế, việc tiếp cận nguồn vốn có lúc có nơi là một trở ngại đáng kể. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc gọi vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để mở rộng quy mô và phát triển sản phẩm dài hạn.

Một số giải pháp quan trọng, tập trung giải quyết các thách thức trong phát triển bền vững công nghệ số cần được chú trọng, trong đó có việc tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân để cùng phát triển công nghệ nội địa. Cùng với việc khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và nước ngoài đầu tư vào công nghệ số, trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực ngách, tận dụng lợi thế địa phương để phát triển sản phẩm phù hợp thị trường trong nước và khu vực.

Việt Nam đang ưu tiên phát triển AI như một lĩnh vực chiến lược, tạo điều kiện để các trường đại học nhận được sự hỗ trợ về chính sách, kinh phí và định hướng phát triển trong tương lai. Do đó, sự kết hợp giữa đội ngũ, cơ sở vật chất, mối quan hệ hợp tác và chiến lược của quốc gia là những yếu tố thuận lợi giúp các cơ sở giáo dục đại học, các doanh nghiệp có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chương trình đào tạo AI một cách toàn diện và hiệu quả./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/03/2025