ISSN-2815-5823

Báo động tình trạng hàng giả, giả mạo thương hiệu tại Việt Nam Bài 1: “Ma trận” đạo nhái thương hiệu

(KDPT) – Càng gần những ngày cuối năm, tình trạng hàng nhái, giả mạo thương hiệu xuất hiện nhiều hơn. Đây không chỉ là vấn nạn thường gặp đối với các doanh nghiệp nước ngoài mà còn là nỗi nhức nhối đối với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Vấn đề hàng giả nói chung và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nói riêng hiện được xã hội rất quan tâm. Hiện nay, các đối tượng vi phạm chủ yếu tập trung giả mạo những nhãn hiệu nổi tiếng, được nhiều người biết đến và tiêu thụ nhiều trên thị trường. Các đối tượng này đánh vào tâm lý của người tiêu dùng là thích nhãn hàng có thương hiệu, uy tín về chất lượng, nhưng giá rẻ.

Các đối tượng không chỉ làm giả hàng hóa thương hiệu nước ngoài mà còn làm giả rất nhiều nhãn hàng “made in Vietnam” của các doanh nghiệp trong nước có uy tín với quy mô ngày càng lớn và phổ biến. Thậm chí, các tem chống giả, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ… cũng lại bị làm giả. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý.

Ví dụ, ở Việt Nam, Công ty TNHH Quốc tế Hải Long, có địa chỉ tại số 19, lô 12A Trung Yên 10, KĐT Trung Yên, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội là đơn vị phân phối độc quyền các sản phẩm thuộc thương hiệu thời trang thể thao Li-Ning (Trung Quốc) tại Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay chỉ cần gõ trên trang tìm kiếm Google, sẽ xuất hiện hàng chục trang website, fanpage bán các sản phẩm của thương hiệu Li-Ning trên cả nước. Đặc biệt các “ma trận” website, fanpage này có tên và logo giống hoặc gần giống với logo chính hãng của thương hiệu Li-Ning.

Fanpage chính thức của đơn vị phân phối độc quyền các sản phẩm thời trang thể thao Li-Ning tại Việt Nam.

Nhiều fanpage bán các sản phẩm thời trang Li-Ning khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.

Có thể thấy, tình trạng buôn bán hàng nhái, hàng nhái, giả mạo thương hiệu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng diễn ra rất ngang nhiên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, cũng như các thương hiệu chân chính. Bởi ngay cả khi khách hàng mua phải hàng giả, nhưng giá cả vẫn tương đương với hàng thật. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác quản lý thị trường, truy thu thuế khi các cơ sở bán hàng này thường “ẩn danh” hoặc rất kín kẽ. Đáng báo động hơn là hình thức giả mạo thương hiệu trong lĩnh vực y tế, hành vi này không những ảnh hưởng niềm tin mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người sử dụng các sản phẩm giả mạo đó.

Trung tâm VNVC đưa thông tin cảnh báo tình trạng giả mạo nhằm giúp khách hàng phân biệt được thật – giả.

Theo thông tin đăng tải trên website chính thức của Trung tâm tiêm chủng VNVC, một số hành vi các đơn vị giả mạo sử dụng như làm giả sổ tiên chủng với độ tương đồng gần 100% với sổ của VNVC; giả mạo sổ tiêm chủng của Trung tâm tiêm chủng VNVC, thay đổi tên trung tâm; “sao chép” nội dung, “mượn” hình ảnh trái phép từ trang fanpage chính thức của VNVC trên mạng xã hội Facebook.

Hình ảnh phân biệt thông tin của VNVC và thông tin bị sao chép.

Được biết, VNVC đã làm việc trực tiếp với đơn vị giả mạo tại Bắc Ninh. Đại diện cơ sở tiêm chủng này xác nhận tình trạng sao chép sổ tiêm chủng của VNVC, đồng thời cam kết “không sao chép, in ấn và sử dụng mẫu sổ và các thông tin như trong sổ tiêm chủng của VNVC”.

Theo anh Đức Khởi, đại diện Công ty TNHH phát triển thương mại Nikawa Việt Nam cho biết: “Vào năm 2017, nhiều website giả mạo và sử dụng tem giả làm ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu thang nhôm Nikawa, vì vậy khó ước tính được giá trị thiệt hại về mặt kinh tế”.

Mới đây, vào ngày 24/11/2020, một cửa hàng tại số 41, Hàng Bài (Hà Nội) đã bị buộc phải đổi tên, gỡ biển. Nguyên nhân vì cửa hàng này không phải là cửa hàng nằm trong chuỗi Apple Store của Apple nhưng lại sử dụng tên “Apple Center” và gắn logo “táo khuyết” cỡ lớn với phông chữ giống ở các Apple Store ở nước ngoài. Vì vậy, Apple yêu cầu cửa hàng phải gỡ logo, đổi tên công ty trước ngày 27/11/2020.

Có thể thấy, điểm chung của những trường hợp cung cấp hàng giả, giả mạo thương hiệu, các đơn vị chính hãng thường lựa chọn giải pháp làm việc trực tiếp, yêu cầu các đối tượng, tổ chức giả mạo gỡ bỏ hình ảnh, thông tin, cam kết không tái phạm và chưa sử dụng đến các biện pháp xử lý theo pháp luật.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, giả mạo thương hiệu đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay. Mặc dù các cơ quan quản lý đã có những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn tình trạng này, tuy nhiên nỗ lực chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Thiệt hại đối với doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng là rất lớn. Trước vấn đề này, các doanh nghiệp đã có những giải pháp đặc biệt, góp phần giải quyết tình trạng giả mạo, hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, có hiệu quả, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(Còn tiếp)

CÔNG NINH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024