BHXH tỉnh Vĩnh Phúc quyết liệt thu và xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 7.400 đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với tổng số người tham gia là 1.145 ngàn người, trong đó số lao động tham gia BHXH bắt buộc khoảng 226 ngàn người.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Duy Phương trực tiếp đối thoại với người lao động về các chế độ bảo hiểm |
Đại đa số các đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện theo đúng quy định của Luật BHXH, Luật BHYT... Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng chậm đóng, nợ đọng ở một số doanh nghiệp làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và gây khó khăn cho cơ quan BHXH khi thực hiện nhiệm vụ.
Để giảm thiểu tình trạng này, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, như: giao dự toán thu BHXH, BHYT, BHTN và tỷ lệ nợ từng tháng, quý và cả năm cho BHXH các huyện, thành phố; thường xuyên chỉ đạo các đơn vị bám sát chỉ tiêu, kế hoạch được giao và đề ra các giải pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo từng tháng, quý, năm; thực hiện phân tích đơn vị nợ, phân loại nợ hàng tháng.
Phân công cán bộ theo dõi, bám sát đôn đốc thu, thực hiện trích nộp tiền đúng đủ, kịp thời; đồng thời thường xuyên nắm bắt tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có số thu lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn các bước cần thiết nhằm giảm tình trạng nợ thấp nhất.
Hằng tháng Ban lãnh đạo BHXH tỉnh Vĩnh Phúc giao ban với BHXH các huyện, thành phố, các phòng nghiệp vụ nghe báo cáo về tình hình nợ đọng, những vướng mắc khó khăn từ đó xây dựng các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện cho tháng sau với mục tiêu số nợ đọng giảm dần hằng tháng. Đồng thời, BHXH tỉnh đã chủ động báo cáo và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai đến các cấp ủy, chính quyền các cấp, để đôn đốc đơn vị sử dụng lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; tham mưu kiện toàn BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN các cấp (tỉnh –huyện- xã) theo hướng tinh, gon, mạnh bổ sung Phó Ban chỉ đạo là cơ quan Bảo vệ pháp luật (cơ quan Công an), sửa đổi Quy chế hoạt động Ban chỉ đạo theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm và trách nhiệm phối hợp giữa các thành viên (Sở, ngành, phòng, ban) để tăng hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo.
Bên cạnh đó, chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin với Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình hoạt động đối với đơn vị mới thành lập, qua đó, rà soát các đơn vị chưa đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội; phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Công an tỉnh nắm bắt tình hình hoạt động của đơn vị sử dụng lao động. Tăng cường thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất các đơn vị nợ; phối hợp với Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan tư pháp tiếp tục thanh tra liên ngành, xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN.
Hàng trăm công nhân, người lao động được giải đáp thắc mắc về các chế độ bảo hiểm, an sinh xã hội. |
Tính đến hết tháng 8/2023, BHXH tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 171 đơn vị, trong đó thanh tra đột xuất 28 đơn vị; kiến nghị truy thu, thu hồi hơn 1,8 tỷ đồng; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và kiến nghị xử phạt 3 đơn vị với số tiền 75,3 triệu đồng; thu hồi hơn 11 tỷ đồng nợ đọng tại các đơn vị được thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH đến các đơn vị, người lao động; tổ chức các cuộc làm việc với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN lớn và hội nghị đối thoại với đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để đôn đốc thu; tiếp tục đăng tải công khai danh sách đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin – giao tiếp điện tử tỉnh; Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh, Đài phát thanh cấp huyện, xã,... gửi Công văn đến tất cả các đơn vị sử dụng lao động để hướng dẫn thực hiện chính sách mới về BHXH, BHYT như hướng dẫn mức đóng nộp BHXH cho người nước ngoài, giảm mức đóng vào quỹ BHTN cho doanh nghiệp,...
Nhờ những giải pháp quyết liệt trên, đến nay, số nợ BHXH toàn tỉnh còn khoảng 91 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,83%, mức thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung toàn quốc. Đây là kết quả từ sự vào cuộc quyết liệt của BHXH tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói chung và công tác thu, thu hồi nợ BHXH nói riêng, nhất là trong bối cảnh tỉnh hình kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc và “sức khỏe” doanh nghiệp vẫn đang bị ảnh hưởng bởi hậu Covid - 19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong thời gian tới, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất và phối hợp với các cơ quan liên quan để thanh tra liên ngành, xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc của người lao động và chủ sử dụng lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, duy trì số điện thoại tư vấn, hỗ trợ trực tiếp trong giờ hành chính; công khai các đơn vị có số nợ lớn; phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động để khởi kiện, phối hợp với cơ quan công kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật; quyết tâm giảm nợ BHXH để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động./.