Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó nếu áp dụng ngay hóa đơn điện tử
Theo dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương trình Chính phủ mới đây, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các đô thị phải thực hiện chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử trong 1 năm, còn tại khu vực miền núi, vùng sâu, xa là 2 năm sau khi quy định mới được ban hành.
Quy định này bổ sung vào dự thảo theo đề nghị của Bộ Tài chính, và đây được coi là một trong những điều kiện để cấp giấy chứng nhận kinh doanh với cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Như vậy, khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ sẽ phải thực hiện lộ trình sử dụng và kết nối hóa đơn điện tử với ngành thuế.
Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới đứt nguồn cung, ảnh hưởng thị trường xăng dầu.
Trên thực tế, quy định về hóa đơn, chứng từ đã được đưa ra tại Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022.
Tuy nhiên, chưa có lĩnh vực kinh doanh nào được yêu cầu phải thực hiện hóa đơn điện tử, cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử như là một trong những điều kiện kinh doanh.
Hiện mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng hóa đơn điện tử với hơn 2.700 cây xăng.
Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu như Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) hay Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) vẫn trong quá trình nghiên cứu giải pháp kỹ thuật.
Còn lại các doanh nghiệp khác chưa áp dụng do các chi phí đầu tư có thể lên tới hàng trăm triệu đồng và thời gian thực hiện phải mất từ 01 đến 03 năm.
Thống kê của Sở Công Thương 35 tỉnh, thành trên cả nước, số cửa hàng bán lẻ xăng dầu của các địa phương này là gần 10.000 cửa hàng.
Số cây xăng có giấy chứng nhận đủ điều kiện nhưng sắp hết hiệu lực thi hành và phải xin cấp lại trong vòng một năm tới là 1.894 cửa hàng (chiếm gần 20%).
Như vậy, trong Quý 1-2024 có 752 cửa hàng ở 35 tỉnh thành (ước tính cả nước là 1.500 cửa hàng) phải thực hiện ngay nếu đưa quy định hóa đơn điện tử là một trong những điều kiện với cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi cấp lại.
Do đó, theo Bộ Công Thương việc này có thể dẫn tới số lượng lớn cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải ngưng hoạt động, gây đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Việc áp dụng ngay hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử với các cơ quan thuế có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu. |
Ông Bùi Ngọc Bảo (Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam) cho biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là cần thiết và phù hợp để ngăn chặn xăng dầu lậu, kém chất lượng, trốn thuế với những doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc, giúp cho thị trường lành mạnh hơn và doanh nghiệp cũng có công cụ quản lý hàng hóa hiệu quả hơn.
Tuy nhiên để làm được, doanh nghiệp cần có sự đầu tư, bỏ ra chi phí duy trì thường xuyên nên các khoản chi phí này cần được tính toán, hạch toán vào giá thành ở mức tương ứng, gắn với các hỗ trợ ban đầu, đặc biệt là hệ thống xăng dầu nhỏ lẻ có năng lực tài chính còn hạn chế.
Các doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, để kết nối hóa đơn điện tử thì chi phí của doanh nghiệp bỏ ra là rất lớn. Theo tính toán của một doanh nghiệp, để kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, mỗi trụ bơm cần phải bỏ ra chi phí từ 20-30 triệu đồng. Như vậy, với một doanh nghiệp có tối thiểu một cây xăng thì chi phí kết nối dữ liệu có thể lên tới cả trăm triệu đồng, chưa kể thiết bị khác....
\"Đặt trong bối cảnh thị trường xăng dầu biến động khó lường, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, yêu cầu bắt buộc sử dụng HĐĐT với từng cửa hàng sẽ là áp lực lớn cho doanh nghiệp do phải đầu tư chi phí lớn. Tuy vậy, là doanh nghiệp nhà nước nên nếu quy định được ban hành, chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ dù sẽ gặp khó khăn\", một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng, người mua xăng dầu thường là khách lẻ, người dân mua và thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu, rất ít người có nhu cầu nhận hóa đơn. Nếu có hàng chục khách hàng mua xăng trong một thời điểm thì việc xuất hóa đơn cho từng người sẽ mất thêm thời gian và nhân công.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở miền Bắc, miền Nam, Tây nguyên, đặc biệt vùng sâu, xa... nếu áp dụng hóa đơn điện tử lúc này khiến họ phát sinh quá nhiều chi phí vận hành kết nối.
Từ đó, các nhà bán lẻ xăng dầu đề xuất cơ quan quản lý chỉ cần xây dựng cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn, nền tảng kỹ thuật tốt và kết nối đến từng cửa hàng để thu thập dữ liệu bán hàng tại từng trụ bơm, chứ không nên yêu cầu xuất hóa đơn mỗi lần bán gây lãng phí tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Trong khi chi phí kinh doanh định mức của bán lẻ xăng dầu theo nghị định, thông tư vẫn chưa được phân định rõ ràng cho doanh nghiệp bán lẻ.
Về phía Tổng cục Thuế, cơ quan này đã yêu cầu các cơ quan thuế trực thuộc giám sát chặt chẽ việc phát hành hoá đơn, sử dụng hoá đơn nói chung và hoá đơn đối với xăng dầu nói riêng, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hoá đơn, chứng từ không đúng quy định.
Theo Tổng cục Thuế, trong thời gian qua, vẫn có tình trạng việc quản lý, phát hành, sử dụng hoá đơn đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đúng quy định như: cuối ngày mới xuất hoá đơn tổng đối với các trường hợp bán lẻ trong ngày; định kỳ hàng tuần, hàng tháng xuất 1 hóa đơn cho khách hàng với số lượng lớn; thậm chí có trường hợp bán hàng hoá nhưng không xuất hoá đơn, không kê khai nộp thuế, trốn thuế, gian lận thuế, mua bán hoá đơn thu lợi bất chính, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Do đó, để đảm bảo thực hiện việc chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hoá đơn, đồng thời ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hoá đơn, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5080/TCT-DNL ngày 13/11/2023 yêu cầu cơ quan thuế các cấp khẩn trương nắm bắt thực trạng triển khai hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa phương.