ISSN-2815-5823
Thứ ba, 16h00 21/04/2020

Bộ Công Thương: Cơ chế điều hành FCFS vẫn tốt hơn cơ chế Bộ Tài chính đề xuất

(KDPT) – Ngày 21/4, Bộ Công Thương đã có phản hồi về các ý kiến của Bộ Tài chính liên quan đến phương án điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo Bộ Công Thương, bộ này đã nhận được các văn bản của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, trong đó Bộ Tài chính đã đưa ra một số nhận xét và đánh giá về phương thức điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn. Ngày 21/4, Bộ Công Thương đã có ý kiến phản hồi về các vấn đề mà Bộ Tài chính nêu trong các văn bản trên.

Về đánh giá tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo

Trong các văn bản nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhưng thực tế Bộ Công Thương chỉ họp nửa ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung, tình hình xuất khẩu gạo và như vậy là “chưa nghiêm túc”.

Còn theo Bộ Công Thương, chiều 24/3 vừa qua, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp báo cáo, sau đó có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép rà soát, đánh giá lại nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo, nhằm điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo cho phù hợp tình hình dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 987/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt. Bộ Công Thương cho rằng chỉ với 3 ngày để làm việc, trong bối cảnh dịch bệnh, khiến khâu tổ chức làm việc với từng tỉnh, từng doanh nghiệp chủ chốt để nắm tình hình là không khả thi. Vì vậy, Bộ Công Thương đã mời các bộ, ngành có liên quan, đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)… tham dự buổi làm việc với Đoàn kiểm tra vào ngày 26/3. Cuộc họp này có đầy đủ các thành phần liên quan, và đều có phát biểu, báo cáo về tình hình sản xuất, nguồn cung thóc – gạo, tình hình xuất khẩu và tình hình ký kết hợp đồng xuất khẩu theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.

Kết quả cho thấy, số liệu cơ bản khớp với các đánh giá trước đó của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản xuất, cung – cầu và xuất khẩu gạo, kể cả các dự báo về tiến độ xuất khẩu tới cuối tháng 5 năm 2020.

Đã giải trình việc không tiếp thu các ý kiến của Bộ Tài chính

Theo Bộ Tài chính, Bộ này đã 2 lần góp ý với Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu gạo nhưng không được Bộ Công Thương tiếp thu. Phía Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đã giải trình với Thủ tướng việc không thể tiếp thu các ý kiến của Bộ Tài chính. Lý do được Bộ Công Thương giải thích: Không nên cấm xuất khẩu để buộc người dân và doanh nghiệp bán gạo cho dự trữ quốc gia, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra. Để phù hợp, cần tiếp tục xuất khẩu nhưng phải minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.

Với đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ của Bộ Tài chính, Bộ Công thương cho rằng sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức, là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển.

Bộ Công thương cho rằng không nên cấm xuất khẩu gạo để ép doanh nghiệp bán gạo cho dự trữ quốc gia. Ảnh minh họa

FCFS vẫn tốt hơn đề xuất của Bộ Tài chính

Phương thức điều hành xuất khẩu gạo hiện nay là “đăng ký tờ khai trước được xuất trước” (FCFS) bị Bộ Tài chính cho rằng bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch. Phản hồi lại việc này, Bộ Công Thương cho rằng, Bộ này đã tham khảo ý kiến của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), nhưng trong góp ý của mình, Tổng cục Hải quan không đề cập tới các “bất cập” của phương thức điều hành FCFS.

Bộ Công Thương cũng khẳng định phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các bộ như chỉ đạo của Thủ tướng, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản, như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ.

Còn đối với các cơ chế điều hành hạn ngạch do Bộ Tài chính đề xuất, Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang tìm mọi cách để hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền là việc không nên làm và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phải “giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo”. Hơn nữa, việc đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ, ăn chênh lệch… Cùng với đó, việc phân bổ hạn ngạch cũng không khả thi bởi kinh nghiệm điều hành cho thấy sẽ mất hàng tháng để xây dựng tiêu chí phân bổ sao cho “công bằng” và xin ý kiến các bên liên quan để thống nhất thực thi.

Cuối cùng, theo Bộ Công thương, cơ chế điều hành FCFS, nếu được triển khai một cách có phối hợp, công khai, minh bạch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì dù vẫn có điểm yếu như tất cả các phương thức điều hành khác, vẫn tốt hơn so với các cơ chế mà Bộ Tài chính đề xuất.

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp “bùng” hợp đồng cung ứng gạo vẫn “hoàn thành nghĩa vụ”

Theo Bộ Công Thương, việc giao dịch, tham gia cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia được thực hiện theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Dự trữ Quốc gia năm 2012 và Luật Đấu thầu năm 2013. Trường hợp doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng thì biện pháp chế tài cần được thực hiện theo quy định của pháp luật. Bộ Công Thương được biết các doanh nghiệp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng đã phải chịu trách nhiệm bằng cách mất tiền bảo đảm dự thầu (1%-3% giá trị gói thầu) cho Bộ Tài chính. Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về giao dịch dân sự, doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Việc Bộ Tài chính đề xuất cấm các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu, theo Bộ Công thương là không có cơ sở pháp lý. Xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội nhưng cơ quan nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lý như vậy, Bộ Công thương cho biết.

DUY KHÁNH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024