ISSN-2815-5823
Thứ tư, 02h20 15/08/2018

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại về vốn ODA từ Trung Quốc

(KDPT) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 đến 2020, tầm nhìn 2025 trình Thủ tướng, trong đó đáng chú ý, Bộ này đề nghị cân nhắc việc vay vốn từ Trung Quốc.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông có vốn đầu tư từ Trung Quốc đã lỗi hẹn 4 lần và đội vốn gấp 2 lần.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tín dụng ưu đãi của Trung Quốc tương tự các khoản tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.

Vốn vay Trung Quốc thường có lãi suất 3% một năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản 0,4-1,2% tùy vào thời hạn vay; Hàn Quốc 0-2% tùy theo điều kiện đấu thầu hay Ấn Độ 1,75% một năm; các nước liên minh châu Âu (EU)…

Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và 5 năm. Các khoản vay tín dụng ưu đãi được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Bộ KH&ĐT khẳng định: “Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ, Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đẩu tư… ảnh hưởng hiệu quả đầu tư”.

Bộ này đề xuất Chính phủ trong định hướng đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc thời gian tới “cần được xem xét và cân nhắc”.

Hiện, Việt Nam đang tiếp cận vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi từ đa phương và song phương. Từ đa phương là vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD).., trong đó vốn WB và ADB chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Tuy nhiên, do đã trở thành nước thu nhập trung bình nên Việt Nam ít tiếp cận vốn ưu đãi từ WB; còn vốn vay ADB, dự kiến đầu năm 2019 Việt Nam sẽ bị hạn chế vay vốn ưu đãi.

Ngoài Trung Quốc, Bộ KH&ĐT đã nêu đặc điểm của luồng vốn ODA và vay ưu đãi từ Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đang cho Việt Nam vay khoản tiền lớn để xây dựng nhiều công trình cầu và đường có vai trò chiến lược tại Việt Nam như: Sân bay T2 và nhà ga quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân (Hà Nội), Cầu Bãi Cháy… Các khoản vay song phương từ các đối tác không được Bộ KH&ĐT ghi chú đề xuất gửi Chính phủ.

Giải pháp trong thu hút, sử dụng vốn vay ODA giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, khẩn trương triển khai các thủ tục điều chuyển kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương từ dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn.

Nghiên cứu rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi; giải pháp xử lý dứt điểm việc thiếu vốn đối ứng của cơ quan chủ quản với các dự án vay vốn ODA. Hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác hệ thống theo dõi, giám sát trực tuyến các chương trình, dự án vay ODA và vốn ưu đãi tại Bộ Kế hoạch & Đầu tư để tăng chủ động, công khai và minh bạch trong quản lý vốn vay nước ngoài.

Trong dài hạn, Việt Nam cần xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn các dự án vay nước ngoài theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế; danh sách các dự án dự kiến sử dụng vốn vay nước ngoài trong trung và dài hạn. Trong đó, vốn vay ODA và ưu đãi chỉ nên chiếm 30-50% tổng mức đầu tư dự án, đóng vai trò là vốn mồi, chất xúc tác cho các nguồn vốn khác.

Nguồn vốn vay ưu đãi chỉ nên ưu tiên sử dụng cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, sản xuất thông minh… Ngược lại, các dự án phục vụ nhu cầu mua sắm nội địa cần hạn chế dùng vốn ODA tài trợ do sẽ làm tăng nợ công.

Cuối cùng, cần chuẩn bị cho chiến lược rút lui.Cơ quan này phân tích, vốn ODA chỉ là một kênh huy động ngoại tệ tạm thời. Lợi ích lớn nhất của vốn vay nước ngoài là có được nguồn ngoại tệ để tiếp cận công nghệ, tài sản đầu tư các các kiến thức chuyên môn tiên tiến.

“Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược tiếp cận tất cả những yếu tố đó mà không cần ODA. Điều đó có nghĩa cần tập trung xây dựng thị trường vốn trong nước, tiếp cận thị trường vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng nhân lực trong nước để tiệm cận với trình độ quốc tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị.

Minh Anh

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024