Bỏ sổ hộ khẩu theo Luật Cư trú sửa đổi: Khó khăn bước đầu, thuận lợi về sau
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành cao với việc đổi mới hình thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu giấy sang hình thức quản lý dưới dạng điện tử, thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân phù hợp với xu thế hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan đã thể hiện quyết tâm rất cao, có nhiều văn bản chỉ đạo và hành động quyết liệt, phấn đấu hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú để có thể vận hành chính thức từ ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, bà Trần Thị Dung cho rằng đó mới chỉ là hoàn thiện về giai đoạn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, còn giai đoạn kết nối của các cơ quan, tổ chức có liên quan để có thể khai thác được các cơ sở dữ liệu này phục vụ việc bỏ sổ hộ khẩu chưa được đánh giá cụ thể.
“Như vậy, sẽ có rất nhiều thủ tục hành chính giao dịch không chỉ các cơ quan nhà nước và của người dân như đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế, đăng ký sử dụng các dịch vụ điện, nước, viễn thông… sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu khi việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn đang trong quá trình triển khai hoàn thiện”, bà Trần Thị Dung nêu ý kiến.
Theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025 mới chỉ có 60% các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã được đưa vào vận hành, khai thác được kết nối liên thông, 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương cũng xác định thời hạn đến tháng 9/2022 các bộ, ngành, địa phương mới hoàn thành việc nâng cấp, chỉnh sửa các hệ thống thông tin để bảo đảm tuân thủ các quy định về mã định danh điện tử phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu. Như vậy, theo kế hoạch của Chính phủ, đến hết năm 2025 vẫn chưa hoàn thành việc kết nối, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu với tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đây chưa kể đến những địa phương khó khăn, vùng núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ nguồn lực kinh phí để hoạt động.
Dưới góc độ quản lý, ngành công an cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay. Việc chuyển đổi này vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền tự do cư trú, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu là vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân và phương thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Luật Cư trú (sửa đổi) lần này có tính cải cách lớn. Ngay trong nội bộ ngành công an cũng đang nỗ lực triển khai nhiệm vụ trong công tác quản lý cư trú nói riêng và quản lý dân cư nói chung, để thực hiện Luật từ ngày 1/7/2021 thể hiện tính định hướng rõ rệt trong ứng dụng công nghệ thông tin của hoạt động quản lý nhà nước, phát triển được kinh tế – xã hội.
“Chúng ta quản lý được cư dân tốt, quản lý được cư trú tốt sẽ không phải tổng điều tra dân số, vì tất cả đã được quản lý theo hệ thống. Khi thực hiện quản lý cư trú bằng phương thức mới sẽ góp phần giảm được rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến các cơ chế hành chính”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Theo V.TÔN/ Báo Tin tức