Boeing có thể mất 5 tỷ USD khi toàn bộ 737 MAX bị cấm bay
Hôm qua, đại gia sản xuất máy bay Mỹ – Boeing cho biết đã đề xuất Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh đình chỉ tạm thời tất cả 737 MAX trên toàn cầu. Nhiều ngày qua, Boeing đã bị chỉ trích vì trì hoãn quyết định này, kể cả khi giới chức hàng không thế giới đồng loạt cấm dòng máy bay này hoạt động sau hai tai nạn chết người liên quan đến máy bay này trong chưa đầy 5 tháng.
Đây là vấn đề rất quan trọng với họ. Vì 737 rất được các hãng bay toàn cầu ưa chuộng và 737 MAX thân hẹp là máy bay bán chạy nhất của Boeing đến nay. Đến cuối tháng 1, Boeing đã giao hơn 350 chiếc và còn hơn 5.000 chiếc đang sản xuất theo đơn đặt hàng. Giá niêm yết mỗi máy bay vào khoảng 120 triệu USD. Dòng máy bay này mới được đưa vào hoạt động năm 2017.
Theo ước tính của Melius Research và Jefferies, nếu toàn bộ dòng này bị cấm bay trong 3 tháng, Boeing có thể tốn khoản phí lên tới 1–5 tỷ USD. Boeing có đủ khả năng chi trả số này. Năm ngoái, doanh thu của họ lên kỷ lục 101 tỷ USD, với lợi nhuận 10,6 tỷ USD. Năm nay, họ từng dự báo kết quả còn tốt hơn nữa.
Một trong những chi phí lớn với Boeing có thể là tiền đền bù cho các hãng bay, hiện sở hữu tới 370 chiếc 737 MAX. Hôm qua, CEO Norwegian Airlines cho biết đã gửi hóa đơn tới Boeing, liệt kê phần doanh thu bị mất khi phải đình chỉ 18 chiếc MAX trong đội bay.
Thông báo của Boeing hôm qua không nói rõ việc đình chỉ hoạt động này có tác động thế nào đến kế hoạch sản xuất hiện tại. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo họ có thể vẫn sản xuất máy bay như dự định. Chi phí cấm bay toàn bộ dòng máy bay này và ngừng giao hàng đến hết tháng 4 có thể biến thành rất nhỏ với một công ty quy mô lớn như Boeing, đặc biệt nếu họ vẫn tiếp tục bán được sản phẩm trong dài hạn.
Đây không phải lần đầu tiên Boeing phải ngừng hoạt động toàn bộ một dòng máy bay. Năm 2013, họ có động thái tương tự với 787 Dreamliner, do lỗi pin. Boeing vẫn tiếp tục sản xuất 787, song song với việc tìm cách sửa lỗi. Khi đó, toàn cầu chỉ có 50 chiếc Dreamliner hoạt động, nên chi phí với Boeing khá nhỏ.
Cổ phiếu Boeing đã mất hơn 12% tuần này, khiến vốn hóa công ty bốc hơi hơn 30 tỷ USD chỉ trong 3 ngày. CEO Dennis Muilenburg hôm qua cho biết: “An toàn luôn là giá trị cốt lõi với Boeing, miễn là chúng tôi còn tiếp tục sản xuất máy bay. Chúng tôi đang làm mọi việc có thể để tìm ra nguyên nhân các vụ tai nạn, hợp tác với nhà điều tra, thực hiện các cải tiến về an toàn và đảm bảo việc này không lặp lại”.
FAA và Boeing đều cho biết việc nâng cấp phần mềm sẽ giúp phi công có quyền điều khiển lớn hơn trong trường hợp hệ thống an toàn của máy bay có vấn đề. Sự nâng cấp này sẽ được thực hiện trong tháng 4.
Theo VNE