ISSN-2815-5823

Cà Mau: Thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế biển

(KDPT) – Tỉnh cực Nam của tổ quốc đã vạch ra kế hoạch phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, tương xứng với tiềm năng và lợi thế đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045.

Cà Mau có đội tàu đánh bắt lớn. Ảnh Thế Anh.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 7%. Ngành kinh tế biển sẽ đóng góp khoảng 30 – 35% tổng thu ngân sách của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.320 USD trong giai đoạn 2021 – 2025 và khoảng 4.500 – 4.700 USD trong giai đoạn 2026 – 2030. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 1,45 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản trên cơ sở thúc đẩy nuôi tôm công nghệ cao và tập trung phát triển các sản phẩm thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao.

Cà Mau phấn đấu đạt các tiêu chí phát triển kinh tế biển bền vững vào năm 2045. Đến năm 2045, ngành kinh tế biển sẽ phát triển theo hướng hiện đại, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh, ông Phạm Bạch Đằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết.

Mức sống kinh tế và đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân vùng ven biển tiếp tục được cải thiện. Tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác hợp lý, bền vững, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Tỉnh ủy đã xác định một số khâu đột phá quan trọng để thực hiện các mục tiêu cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong thời gian tới, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung phát triển đô thị Sông Đốc và Năm Căn thành đô thị loại III vào năm 2025, trong đó đô thị Sông Đốc trở thành trung tâm kinh tế biển, dịch vụ của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế biển bên cạnh các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thủy sản, dầu khí, năng lượng tái tạo, du lịch biển và công nghiệp cơ khí, trong đó chú trọng đầu tư vào điện gió, điện mặt trời và điện khí cùng với các dự án du lịch sinh thái, du lịch biển. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ hoàn thành dự án đầu tư Khu du lịch Hòn Đá Bạc và quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau và Khu du lịch Vườn quốc gia U Minh Hạ vào năm 2030. Cà Mau cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm điện lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030.

Tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Hòn Khoai và sẽ đề nghị Chính phủ đầu tư nâng cấp cảng Năm Căn, nạo vét cửa biển Bồ Đề để tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa ra vào Khu kinh tế Năm Căn. Cảng Sông Đốc sẽ được quy hoạch trở thành cảng hàng hóa, kết hợp cảng phục vụ khách du lịch.

Được thiên nhiên ban tặng đường bờ biển dài 254 km, Cà Mau có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển rất quan trọng. Đặc biệt, cụm đảo Hòn Khoai gần với các tuyến hàng hải quốc tế, thuận lợi cho phát triển kinh tế hàng hải. Vùng biển Cà Mau còn được mệnh danh là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, với nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao.

ÁNH DUY



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024