ISSN-2815-5823
ÁNH DƯƠNG
Thứ ba, 16h03 10/10/2023

Cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị

(KDPT) - Từ năm 2021 - 6/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn (trong đó có 105 dự án được cấp phép xây dựng mới, với quy mô xây dựng khoảng 85.662 căn).

Đó là những thông tin trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về lĩnh vực xây dựng.

Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ Quốc hội giao tại 02 Nghị quyết. Bộ Xây dựng (cơ quan trực tiếp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV) đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15; tổ chức thực hiện nghiêm túc, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách ở các lĩnh vực: quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; quản lý hoạt động xây dựng; quản lý nhà và thị trường bất động sản; công tác thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng. Đến nay, các nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết đã được tập trung thực hiện cơ bản đúng hạn, có chất lượng, còn một số nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch, đã và đang đem lại những chuyển biến tích cực đối với lĩnh vực xây dựng.

Ngày 29/9/2023, Chính phủ có báo cáo số 470/BC-CP gửi Quốc hội về thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát, chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 (lĩnh vực xây dựng).

Trong đó Chính phủ đã báo cáo nhóm nhiệm vụ về hoàn thiện chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất, thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để người dân mua nhà ở xã hội.

Hoàn thiện chính sách, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất, thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện để người dân mua NƠXH

Ưu tiên bố trí quỹ đất, thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện để người dân mua NƠXH

Còn nhiều vướng mắc, hạn chế liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa)

Tình hình thực hiện

Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (sửa đổi, bổ sung một số diều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP), trong đó đã có nhiều nội dung khắc phục những tồn tại, hạn chế liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH);

Các nội dung mới theo hướng tích cực tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP:

(i) Quy định yêu cầu bắt buộc chính quyền các địa phương phải quy hoạch quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị phải dành diện tích đất trong dự án để phát triển nhà ở xã hội;

(ii) Rút ngắn thời gian xét duyệt xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội;

(iii) Sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người dân được tiếp cận với nhà ở xã hội, rút gọn thủ tục hành chính và bổ sung cơ chế ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định, 03 Nghị quyết liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân, 3 Chỉ thị giao các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã làm việc trực tiếp với một số địa phương trọng điểm về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai chính sách nhà ở xã hội, nhà công nhân.

Trong năm 2023, Chỉnh phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Đễ án ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt để triển khai thực hiện nhanh Đề án.

Kết quả đạt được

Nhìn chung các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trách nhiệm của địa phương cũng như doanh nghiệp sử dụng lao động trong khu công nghiệp, cụ thể là:

1, Quy định 10 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở;

2, Quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp;

3; Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thông qua các hình thức dấu thầu hoặc chỉ định;

4, Quy định cụ thể các cơ chế ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp tự lo chỗ ở cho người lao động;

5, Quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Từ năm 2021 - 6/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn (trong đó có 105 dự án được cấp phép xây dựng mới, với quy mô xây dựng khoảng 85.662 căn).

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án, với tổng số hơn 18.700 căn. Trong đó, nhà ở xã hội có 6 dự án quy mô 7.730 căn (Hải Phòng 4 dự án; Hà Nội 1 dự án và Lâm Đồng 1 dự án); nhà ở công nhân có 3 dự án tại Hải Phòng, Bình Định, và Bắc Giang.

Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế - Xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, để giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án dủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và gửi Ngân hàng Nhà nước.

Tổng dự án được công bố là 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.

Khó khăn, vướng mắc

Về quy định pháp luật: mặc dù Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết như:

Ưu tiên bố trí quỹ đất, thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện để người dân mua NƠXH
Ảnh minh họa.

1, Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài.

2, Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội dầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

3, Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành nhưng chưa đủ hấp dẫn, có nội dung chưa thực chất nên không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

4, Quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bản sau 5 năm đưa vào sử dụng; trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn gây lãng phi xã hội và giảm thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội để cho thuê.

5, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu rất lớn của các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của họ thuê lại để ở.

Hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, rất ít bố trí các quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội.

Việc yêu cầu tất cả các dự án phải dành quỹ đất nhà ở xã hội mà không căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương... có thể dẫn đến tình trạng quỹ đất này không được đưa vào đầu tư, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phi nguồn lực đất đai và làm tăng giá nhà ở. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa thực sự quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của minh.

Phương hướng, giải pháp

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở xã hội; hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong đó sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước... đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng chủ trì, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, các Bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Ưu tiên bố trí quỹ đất, thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện để người dân mua NƠXH
Thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. (Ảnh minh họa)

Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để chấp thuận đầu tư.

Tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030)”; thực hiện rà soát các văn bản đã ban hành để tăng cường hiệu quả việc hướng dẫn, tháo gỡ cho địa phương và doanh nghiệp; thường xuyên đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ được giao và báo cáo số liệu đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024