ISSN-2815-5823

Cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới

(KDPT) - Tập đoàn Trung Nguyên Legend phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội Cà phê tỉnh Đắk Lắk, hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phát động cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới” từ 23/11/2022 đến 21/2/2023 với tổng giải thưởng lên tới hơn 450 triệu đồng nhằm hưởng ứng Lễ hội Cà phê lần thứ 8 năm 2023.

Cà phê trở thành di sản văn hoá nhân loại

Bảo tàng Thế giới Cà phê tại Buôn Ma Thuột đã trở thành điểm đến của các tín đồ yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu. Ảnh: Jackie Tran
Bảo tàng Thế giới Cà phê tại Buôn Ma Thuột đã trở thành điểm đến của các tín đồ yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu. Ảnh: Jackie Tran

Theo những nghiên cứu lịch sử, cà phê được phát hiện vào khoảng thế kỷ thứ 9 tại Ethiopia và được đế quốc Ottoman lan rộng ra cả vùng Trung Đông bao gồm Tây Á, Bắc Phi... Thế kỷ 17, cà phê du nhập vào châu Âu, tham gia đặt nền móng cho thời kỳ khai sáng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển nhân loại. Với những giá trị to lớn của cà phê đem lại, người phương Tây lại đưa cà phê trở về phương Đông trồng trọt và tạo ra những vùng nguyên liệu rộng lớn ở: Indonesia, Thái Lan, Myanmar... trong đó có Việt Nam trở thành cường quốc cà phê thứ hai toàn cầu, cung ứng cho thế giới một thức uống năng lượng không thể thiếu trong đời sống.

Với lịch sử hàng chục thế kỷ, cà phê đi sâu vào đời sống tạo thành văn hoá của nhiều vùng đất, nhiều quốc gia và trở thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, được UNESCO công nhận như: cà phê Vienna (Áo), Cảnh quan văn hoá cà phê Colombia, Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ (hay còn gọi là cà phê Ottoman), Nghi thức cà phê Ả Rập... Di sản văn hoá cà phê đã góp phần thu hút hàng triệu du khách tới tham quan, trải nghiệm tại các quốc gia này, thúc đẩy du lịch phát triển và tạo giá trị toàn chuỗi ngành cà phê tăng trưởng hàng tỷ đô la mỗi năm. Riêng tại Áo, vào năm 2019 đã đón gần 32 triệu lượt khách quốc tế trong đó di sản phi vật thể “cà phê Vienna” đóng góp một phần quan trọng trong trải nghiệm văn hoá của du khách. Tại Italia, người Ý cũng đang trong tiến trình đưa cà phê Espresso trở thành di sản văn hóa nhân loại. Với vị thế là cường quốc xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, theo tầm nhìn của Trung Nguyên Legend, ngành cà phê Việt Nam có thể đạt 20 tỷ USD trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu nếu có chiến lược đúng cho ngành.

Cà phê Việt Nam và hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới

Ở Việt Nam, nhiều nghiên cứu lịch sử cho thấy, các giáo sĩ châu Âu mang hạt cà phê sang trồng lẻ tẻ từ các thế kỷ 17, 18 nhưng phải đến khi người Pháp chính thức du nhập vào vùng lãnh thổ từ khoảng thế kỷ 19 thì cà phê mới được nhiều người biết tới trong đời sống. Giai đoạn sơ khởi, cà phê được trồng ở vùng Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên…), ở miền Trung (Quảng Trị, Quảng Bình...). Sau những cuộc khảo sát quy mô về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như những suy tính về xã hội, chính trị, người Pháp đã đưa giống cà phê Robusta trồng tại Buôn Ma Thuột vào khoảng năm 1914 và phát triển, mở rộng toàn vùng Tây Nguyên.

Khi cà phê được biết đến rộng từ khoảng thế kỷ 19, phương thức thưởng lãm cà phê phin có nguồn gốc từ châu Âu cũng trở nên phổ biến, đi vào đời sống, văn hoá người Việt cùng lịch sử hàng trăm năm. Từ cà phê phin truyền thống, người Việt đã biến đổi thành nhiều loại thức uống nổi tiếng với du khách quốc tế như: cà phê sữa đá, cà phê trứng... cùng nhiều phong cách thưởng lãm đặc biệt, khác biệt, duy nhất có trên thế giới như cà phê Thiền... Qua gần hai thế kỷ phát triển, cà phê xuất hiện ở mọi nơi từ vùng nông thôn, thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số có những trang trại trồng cà phê rộng lớn, đến công xưởng chế biến sản xuất cho tới thành thị, và được nhìn thấy từ các quán hàng đến mỗi gia đình, dành cho mọi đối tượng trong đời sống… Vậy nhưng giá trị của chuỗi ngành cà phê Việt Nam mới chỉ đạt xấp xỉ khoảng gần 4 tỷ đô la năm 2022.

Thông tin về cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới”.
Thông tin về cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới”.

Là đơn vị được tham gia trong Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia theo Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trung Nguyên Legend cam kết tiếp tục sáng tạo, đóng góp ý tưởng, hoàn thiện những sản phẩm – dịch vụ – dự án được xây dựng từ giá trị tỉnh thức và sáng tạo có trách nhiệm của cà phê ngay tại vùng đất Buôn Ma Thuột. Theo đó, Trung Nguyên Legend sẽ phối hợp ban tổ chức Lễ hội Cà phê quảng bá, đưa cà phê và văn hóa cà phê Việt Nam với Cà phê sữa đá, Cà phê phin trở thành di sản được UNESCO công nhận.

Tại khuôn khổ Lễ hội cà phê lần 8 năm 2023, Trung Nguyên Legend phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội Cà phê tỉnh Đắk Lắk, hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phát động cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới” với mong muốn tôn vinh ngành cà phê Việt Nam cũng như văn hoá thưởng thức cà phê phin, cà phê sữa đá trong hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới.

Theo mô tả của Bloomberg, cà phê sữa đá là một thức uống tuyệt đỉnh được làm từ cà phê rang xay pha chế bằng dụng cụ truyền thống gọi là phin cà phê. Hầu hết các hàng quán ở Sài Gòn từ sang trọng đến bình dân đều có phục vụ cà phê sữa đá; còn hãng thông tấn CNN gợi ý: bất cứ du khách nào đến Việt Nam cũng nên thưởng thức món cà phê sữa đá một lần. Vào năm 2016, trong chuyến công du Việt Nam, cựu tổng thống Mỹ Obama đã ngỏ lời trong buổi họp báo đã nói về muốn được thưởng thức món cà phê sữa đá của Việt Nam – một thức uống được người Việt sử dụng hàng ngày.

Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới” có giải thưởng tổng trị giá lên tới hơn 450 triệu đồng dành cho các giải thắng cuộc với 04 chủ đề nội dung:

Buôn Ma Thuột – Quê Hương Của Hạt Cà Phê Robusta Ngon Nhất Thế Giới: miêu tả đời sống cây cà phê từ lúc được trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản từ những người nông dân trồng cà phê, các có sở sản xuất cà phê… cũng như quá trình giao thương trao đổi cà phê, văn hóa thưởng thức cà phê của cộng đồng bản địa cũng như du khách khi tới Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Cà phê Việt Nam trên Thế Giới: Hình ảnh sản phẩm cà phê của Việt Nam, phong cách thưởng lãm cà phê phin của người Việt được lan tỏa ở các quốc gia trên thế giới.

Ly cà phê phin/ ly cà phê sữa đá trong đời sống hàng ngày của người Việt: Hình ảnh văn hóa thưởng lãm cà phê phin, cà phê sữa đá trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam trên toàn lãnh thổ.

Cà phê phin Việt Nam - Khơi nguồn sáng tạo: Hình ảnh cà phê phin Việt Nam được ứng dụng trong các sản phẩm nghệ thuật, sáng tạo như: hội họa, âm nhạc, mỹ thuật…

Thời gian nhận ảnh tham dự cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới” bắt đầu từ ngày 23/11/2022 đến hết ngày 21/02/2023. Để xem thông tin chi tiết về thể lệ, cách thức tham gia cũng như giải thưởng cuộc thi và triển lãm này, có thể truy cập tại: https://coffeeheritage.vn/ hoặc fanpage: https://www.facebook.com/Coffeeheritage.vn.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Bảo tàng Thế giới Cà phê

Đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Di động: 093.885.9766
Email: huyenhtt@trungnguyenlegend.com



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/12/2024