ISSN-2815-5823
Huyền Nguyễn
Thứ tư, 11h36 08/05/2024

Các startup công nghệ “kỳ lân” đang rất bấp bênh

(KDPT) - Kỳ lân công nghệ trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đều đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay, nhất là về vấn đề sức khỏe tài chính.

Liên tục thua lỗ

Theo số liệu từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam đang có khoảng 3.800 startup hoạt động, trong đó có 11 công ty được định giá trên 100 triệu USD (như Tiki, Topica Edtech...), 3 công ty được định giá trên 1 tỷ USD (như VNG, MoMo, VNLife). Hiện nay, Việt Nam thu hút được 208 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư vào các startup, trong đó có khoảng 40 quỹ nội địa. Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực về số lượng thương vụ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (sau Indonesia và Singapore).

Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực về số lượng thương vụ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực về số lượng thương vụ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trước hàng loạt các vấn đề bất ổn về địa chính trị, kinh tế thế giới, “mùa đông công nghệ” hay “cơn bão sa thải”, các kỳ lân công nghệ tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn. Đơn cử như VNG, theo báo cáo tài chính năm 2023, công ty lỗ hơn 756 tỷ đồng, bao gồm 540 tỷ đồng là khoản lỗ của công ty mẹ. Ghi nhận là năm thứ 3 liên tiếp báo lỗ. Dù khoản lỗ này đã giảm đáng kể so với năm 2022, nhưng không đủ để VNG hoàn thành mục tiêu đưa lỗ ròng về mức 378 tỷ đồng.

Đầu năm 2024, kỳ lân này rút hồ sơ IPO tại Mỹ, không tiến hành chào bán cổ phiếu ra công chúng và đã “lên kế hoạch nộp đơn trong tương lai gần”.

CEO VNG Lê Hồng Minh cho biết: “Tôi muốn VNG thực hiện IPO khi đã có vị thế vững chắc, có cơ hội tăng giá tốt sau khi lên sàn. Bất chấp tình hình vĩ mô còn nhiều thách thức của năm 2023, mọi hoạt động kinh doanh đều phát triển tốt, công ty nhìn thấy được những cơ hội lớn trong nỗ lực toàn cầu và AI của mình. Tôi chắc chắn rằng, chúng tôi có thể trở lại thị trường Mỹ trong tương lai gần”.

Tại MoMo, việc được nhận khoản vốn đầu tư 200 triệu USD ở vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) đã gián tiếp xác định giá trị kỳ lân này vượt 2 tỷ USD, công ty liên tục mở rộng thị trường, củng cố niềm tin khách hàng. 

Đồng thời, MoMo còn thâu tóm nhiều starup, công ty chứng khoán. Hiện tại, MoMo đang có 31 triệu người dùng ví điện tử và trở thành siêu ứng dụng cung cấp hơn 200 dịch vụ trên nhiều lĩnh vực như giải trí, thương mại điện tử, tiêu dùng, ăn uống, bảo hiểm… 

MoMo ghi nhận khoản lỗ hơn 880 tỷ đồng sau khi trở thành kỳ lân
MoMo ghi nhận khoản lỗ hơn 880 tỷ đồng sau khi trở thành kỳ lân

Các đối tác ngoại đang nắm giữ 71,214% vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của MoMo vẫn còn là ẩn số sau khi trở thành kỳ lân. Hồi cuối năm 2021, MoMo ghi nhận khoản lỗ hơn 880 tỷ đồng.

Tương tự, sau khi trở thành startup kỳ lân năm 2021, VNPay liên tục mở rộng hoạt động trong mảng fintech. Công ty hợp tác với nhiều ngân hàng nhằm cung cấp dịch vụ taxi trên nền tảng của mình. Đồng thời đầu tư và tham gia vào sân chơi viễn thông. Giữa năm 2023, mạng di động ảo VNSky được ra mắt trong bối cảnh thị trường viễn thông đã bão hòa, doanh thu thấp. Kết quả kinh doanh của VNPay cũng chưa được tiết lộ sau khi trở thành kỳ lân.

Đối với các kỳ lân công nghệ quốc tế đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn. Đơn cử như Grab, Gojek đã giảm thị phần nhanh chóng sau khi Xanh SM xuất hiện. Trong khi đó, Shopee, Lazada cũng dần bị Tiktok Shop vượt mặt. Năm 2023, 3 kỳ lân là Zoomcar, Atome và Beamin phải lần lượt rời khỏi thị trường Việt Nam bởi các lý do khác nhau.

Cần kiên định để sống sót

CEO VNG Lê Hồng Minh đã đặt câu hỏi “Startup cần làm gì để sống sót?” cho nhân viên của mình. Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo vượt qua thách thức chiến lược cho một Việt Nam chuyển đổi, ông Minh chia sẻ: “Mỗi mùa sinh nhật, chúng tôi sẽ nói với nhau rằng thật may mắn khi chúng ta đã sống sót thêm một năm nữa. Vì vậy, theo tôi thành công chính là khả năng sống sót và kiên định với mục tiêu của mình”.

Theo đó, để duy trì hoạt động, bài học đầu tiên của VNG là tìm tòi công nghệ mới, bắt kịp và cố gắng khai thác chúng. Tiếp theo là cách doanh nghiệp này đề ra các mục tiêu đơn giản, dễ thực hiện hóa. Bài học thứ ba là phải biết chấp nhận rủi ro.

Giám đốc điều hành Quỹ VIC Partners - Ông Trần Anh Tùng thì cho rằng, rào cản lớn nhất mà startup Việt phải đối mặt trong năm nay là nguồn tiền. Dù công ty có đội ngũ giỏi, tâm huyết, sản phẩm chất lượng cao, nhưng không có nguồn tiền dồi dào thì vẫn khó để xây dựng doanh nghiệp lớn trăm triệu tới tỷ USD.

Ông Tùng nhận định: “Startup Việt còn phải đối mặt với rào cản tâm lý của nhà đầu tư. Nhà đầu tư ngoại đặt nhiều kỳ vọng vào các thương vụ niêm yết cổ phiếu của những công ty dẫn đầu như VinFast, VNG, MoMo, VNLife, Golden Gate… Tuy nhiên, tới nay, đa số các công ty này chưa đáp ứng được kỳ vọng lớn ấy". 

“Như mới đây, VNG đã rút đơn IPO tại Mỹ. Tới thời điểm hiện tại, thị trường Việt vẫn chưa có thương vụ thoái vốn lớn nào diễn ra với một công ty công nghệ niêm yết trên sàn. Đây cũng là điểm đánh vào tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư lớn” - Vị lãnh đạo nhận định.

Cơ hội sẽ đến với các công ty xuất sắc trong thời kỳ khó khăn
Cơ hội sẽ đến với các công ty xuất sắc trong thời kỳ khó khăn

Theo ông Louis Nguyễn - Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon (SAM), các startup sẽ phải trải qua năm 2024 đầy thách thức, khi dự báo kinh tế toàn cầu chưa phục hồi, định giá cao sẽ khó duy trì. Nhưng, cơ hội sẽ đến với các công ty xuất sắc trong thời kỳ khó khăn, còn những công ty yếu sẽ bị loại bỏ nếu họ không chuẩn bị trước cho “cơn bão”. 

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thông minh vẫn tiếp tục đi săn những thương vụ tốt trong thời kỳ khó khăn vì họ có nhiều đòn bẩy, nhiều tiền mặt và định giá của các startup khởi nghiệp hợp lý hơn.

Ông Louis Nguyễn nhận xét: “Các startup sẽ có cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp để trở nên hiệu quả hơn, xây dựng khả năng và năng lực, phát triển liên minh với đối tác chiến lược, sáp nhập, mua lại… Dù gặp khó khăn, nhưng nếu các doanh nghiệp có công nghệ độc quyền hoặc data khách hàng lớn thì vẫn có sức hấp dẫn với một số nhà đầu tư”./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024