ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ tư, 10h17 03/07/2024

Các tòa soạn nỗ lực chuyển mình trong xu thế chung

(KDPT) - Báo chí đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như sự cạnh tranh từ các nền tảng truyền thông xuyên biên giới và sự suy giảm doanh thu sau đại dịch Covid-19. Các tòa soạn cần nỗ lực đổi mới phương thức vận hành, nắm bắt nhanh nhạy xu thế của thời đại thì mới có thể hòa nhập vào bối cảnh kinh tế chung.

Độc giả vẫn là yếu tố quan trọng 

Theo một khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông với 159 cơ quan báo chí, trong vòng 2 năm qua, doanh thu của các cơ quan này đều giảm, doanh thu của các đài phát thanh và truyền hình giảm 10% so với năm 2020. Mặc dù có nhiều kỳ vọng về thu nhập từ việc thu phí nội dung báo điện tử, nhưng việc này vẫn cần thời gian để đảm bảo nguồn thu này được bền vững.

Theo các chuyên gia, mạng xã hội phát triển, báo chí chính thống sụt giảm. Báo chí Việt Nam đang bị ảnh hưởng từ những thách thức về thiếu hụt niềm tin và quan tâm từ độc giả và cần thích ứng nhanh với xu thế báo chí mới cùng nền tảng công nghệ hiện đại.

Các tòa soạn báo cần nỗ lực thu hút và tăng số lượng độc giả qua nhiều nền tảng truyền thông hiện nay.
Các tòa soạn báo cần nỗ lực thu hút và tăng số lượng độc giả qua nhiều nền tảng truyền thông hiện nay.

Trước đây, người đọc tiếp cận trực tiếp các trang báo thì nay hầu hết chuyển sang cập nhật thông tin qua mạng xã hội, nhờ sự tiện dụng và khả năng tương tác với “cư dân” mạng. Hệ quả là các tờ báo in sụt giảm cả về số lượng phát hành và doanh thu quảng cáo,lượng view trực tiếp trên các trang báo điện tử cũng giảm đáng kể. Trong khi đó, những tài khoản mới trên các mạng xã hội vẫn tiếp tục tăng không ngừng.Với việc miễn phí và cung cấp một số tiện ích cho người sử dụng, các trang mạng xã hội như: Facebook,Youtube, Instagram, Twitter… tràn ngập quảng cáo và kết quả là họ đã thu về nguồn tài chính khổng lồ.

Đối với một tờ báo, một trong những nguồn thu chính là từ các hoạt động quảng cáo và họ nỗ lực tìm cách tăng lượng độc giả qua nhiều kênh, trong đó có kết nối qua mạng xã hội. Vì vậy, níu giữ và tăng số lượng độc giả chính là nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ quan báo chí.

Theo các chuyên gia, một cách thức mới đang được một số tờ báo áp dụng hiệu quả là tìm nguồn thu từ chính độc giả. Công chúng báo chí sẽ là những người trả tiền trực tiếp cho những thông tin có giá trị mà báo cung cấp. Để làm được điều đó, các báo phải xây dựng được hệ thống dữ liệu có giá trị và được kiểm chứng để tạo niềm tin với độc giả. Đây là thế mạnh của tờ báo và là yếu tố vô cùng quan trọng để “giữ chân” độc giả.

Tìm lối mở cho kinh tế báo chí 

Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy kinh tế hiện nay tạicác cơ quan báo chí, ông Lê Thọ Bình - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Phó Tổng Biên tập phụ trách tạp chí Điện tử Viettimes cho biết, trước khi nói đến lối ra, cần nhìn “sâu” hơn về thách thức kinh doanh của báo chí. Khủng hoảng của báo chí đến từ 2 vấn đề chính: Mất đi vị thế “độc quyền” tin tức; và “sụp đổ kênh bán báo”. Trước khi có mạng xã hội; báo chí là “nguồn” phát thông tin độc quyền - không có ai cạnh tranh. Khi có mạng xã hội - vị thế độc quyền đó sụp đổ. Một chính trị gia (như ông Donald Trump chẳng hạn), một nghệ sỹ (như Đen Vâu) - không còn cần đến báo chí để tiếp cận độc giả của mình. Mạng xã hội cho họ một con đường khác để làm điều đó.

Lý do chính thứ hai là sụp đổ “kênh phân phối”- tức kênh bán báo truyền thống của các tờ báo in. Khi người đọc đổi thói quen, chuyển sang đọc trên Internet; các báo cũng dần xây dựng báo điện tử. Nếu với kênh phân phối truyền thống - các sạp báo; thì các báo vẫn bán báo và thu tiền phát hành (bên cạnh nguồn thu chính nữa là quảng cáo của doanh nghiệp trên báo).

Theo ông Lê Thọ Bình, với hai căn nguyên như vậy, lối thoát chiến lược của báo chí gồm hai yếu tố chính. Thứ nhất, tìm ra lợi thế cạnh tranh. Không còn độc quyền nữa thì cần cạnh tranh bằng lợi thế riêng: tính tin cậy của thông tin và chiều sâu của góc nhìn là lợi thế. Thứ hai, tìm ra kênh phân phối mới để bán hàng cho “hàng hóa” của mình, “bán hàng” trực tiếp đến từng tài khoản độc giả (thuật ngữ chuyên môn gọi là thu phí từ độc giả). Đó là hai hướng đi căn cốt,tất nhiên, còn những chiến thuật bổ trợ nữa, ví dụ tận dụng nguồn thu quảng cáo từ hợp tác với các nền tảng mạng xã hội; đa dạng hóa kinh doanh sản phẩm…

Các cơ quan báo chí đang phải cạnh tranh trực tiếp với mạng xã hội và các kênh truyền thông khác để tồn tại. Việc cạnh tranh có thắng hay không đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí phải là một doanh nghiệp thực thụ, có các bộ phận như marketing, kinh doanh và có đội ngũ lãnh đạo là những người am hiểu về báo chí và có tư duy và đầu óc kinh doanh.

Theo nhận định của những người đứng đầu các đơn vị báo chí, để thích ứng với các thách thức, các báo hiện nay phải đầu tư tốt nội dung, thỏa mãn nhu cầu thông tin của người đọc.

Ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho rằng, mỗi cơ quan báo chí có thế mạnh riêng, tìm ra hướng đi phù hợp, tất nhiên sẽ có giải pháp riêng để giải quyết từng vấn đề. “Bằng bất cứ giải pháp nào, nội dung báo phải luôn đảm bảo tốt, nhân văn, tin cậy. Điều đó sẽ thu hút bạn đọc, doanh nghiệp đến với báo”, ông Tuân nói.

Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người lao động.
Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người lao động.

Bên cạnh đó, cơ quan báo chí cần tổ chức những sự kiện nhỏ đến lớn, làm nhiều sẽ thành chuyên nghiệp, việc thực hiện sẽ giảm được nhiều chi phí;có thể tạo ra từ nhiều nguồn thu khác.Ông Tuân chia sẻ, Báo Người Lao Động đi đầu trong việc thu phí bạn đọc báo điện tử từ năm 2022. Chủ trương của báo là không bán tin tức mà bán thông tin có hàm lượng chất xám cao hơn. “Hiện,chúng tôi đã có 30.000 tài khoản đăng ký đọc thường xuyên. Tôi mong rằng các cơ quan báo chí khác cùng đồng hành, từng bước thay đổi thói quen của bạn đọc”, ông Tuân mong muốn.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong thời đại công nghệ số, việc tận dụng công nghệ để hiệu quả nguồn chi rất tốt. Các cơ quan báo chí quan tâm đến nguồn thu, nhưng cũng phải quan tâm đến hiệu quả hóa nguồn chi. Liên quan đến vấn đề thu phí bạn đọc, ông Lâm cho rằng, độc giả đóng vai trò quan trọng của báo chí, thu phí báo chí với độc giả báo điện từ là một xu hướng. Ở thời đại thanh toán điện tử, cần hướng đến và triển khai sớm thói quen thanh toán báo chí qua điện tử.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Các chuyên gia cho rằng, khi cơ quan báo chí làmột loại hình doanh nghiệp có điều kiện sẽ phát huysự chủ động và sáng tạo, nhanh nhạy với sự thay đổi của thị trường truyền thông, nếu không, báo chí và công nghiệp báo chí sẽ bị tụt hậu. Các nước trên thế giới coi kinh doanh báo chí là ngành kinh tế quan trọng, có những tập đoàn truyền thông sở hữu nhiều đầu báo lớn, có ảnh hưởng tới một quốc gia và toàn cầu. Để đạt được mô hình đó, họ bắt buộc phải hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, việc cho phép có cơ quan báo chí hoạt động như doanh nghiệp và các sản phẩm báo chí là một loại hàng hóa là cần thiết và cần triển khai nhanh, đây là xu thế tấtyếu của sự phát triển ngành công nghiệp báo chí nói riêng và truyền thông nói chung.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Long - Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Lao Động khu vực Tây Bắc Bộ chia sẻ: Ở thời điểm hiện tại, rất nhiều cơ quan báo chí, đơn vị doanh nghiệp gặp khó khăn, sụt giảm doanh thu. Tuy nhiên vẫn có những đơn vị ăn nên làm ra, bởi bất cứ cơ quan báo chí nào hay doanh nghiệp nào cũng đều có những đối tác truyền thống và đều có khả năng khai thác những đối tác mới.“Những tờ báo ấy họ vượt qua được suy thoái kinh tế, đảm bảo đủ nguồn thu, đảm bảo đời sống cho người làm báo bằng những bài viết có giá trị thật. Tôi cho rằng quan điểm cơ chế “win - win” tức là mình phải mang đến giá trị cốt lõi cho bạn đọc,khách hàng, có sức lan toả mới có thể tự tin thu hút được nguồn thu từ quảng cáo”, nhà báo NguyễnHoàng Long nhấn mạnh.

Để làm được việc đó, ngoài việc trau dồi kỹ năng, báo chí cần những thay đổi lớn về cách làm việc và sản xuất nội dung. Báo chí cần trở thành một nền tảng kết nối và xuất bản nội dung trên nhiều mạng xã hội và nền tảng truyền thông khác nhau.Công nghệ mới cũng được áp dụng để tăng cường trải nghiệm đọc báo, như sử dụng trí tuệ nhân tạo để nắm bắt xu hướng đọc của người dùng, đọc báo bằng giọng nói tự động và sử dụng chatbot để tương tác với bạn đọc. Để đáp ứng yêu cầu này, các cơ quan báo chí cần xây dựng bộ phận và đội ngũ chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo. Thay vì dựa vào nhân viên báo chí để xin quảng cáo, họ cần có những chuyên gia quảng cáo có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực này.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), sự bùng nổ và xâm nhập sâu sắc của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí. Cơ quan báo chí cần chú trọng nguồn thu mới từ độc giả, hiểu nhu cầu của độc giả, từ đó đầu tư những bài viết phân tích chuyên sâu, phù hợp với độc giả nhiều hơn.

Ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, đối với các cơ quan báo chí, nguồn thu từ quảng cáo và phát hành chiếm tới 75% trên tổng doanh thu, nhưng hiện nay ở nhiều đơn vị nguồn thu này đã sụt giảm như “đà không phanh”. Việc sụt giảm khiến các tòa soạn báo phải tìm hướng đi mới cho mình nếu muốn tồn tại, phát triển lâu dài.

Để ứng phó với các khó khăn, sụt giảm doanh thu, ông Toàn chia sẻ đơn vị tập trung vào nhóm giải pháp như: Đầu tư vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo và đa dạng hóa nguồn thu. Từ đó, đơn vị cũng chia khách hàng làm 3 nhóm: Bạn đọc hàng ngày, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Trong đó, ở nhóm bạn đọc hàng ngày, đơn vị chăm sóc,quan tâm, cố gắng chuyển thói quen của bạn đọc từ báo giấy qua báo điện tử. Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, đơn vị chọn giải pháp đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng cáo, giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình tiếp cận đúng với các nhóm khách hàng mà họ mong muốn. Cuối cùng, với nhóm khách hàng là cơ quan quản lý nhà nước, Báo Tuổi Trẻ cố gắng chuyển tải thông tin về các chủ trương,quy định, chính sách để công chúng dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn.

Các cơ quan báo cần đẩy mạnh đa dạng hóa nội dung, hình thức để tiếp cận độc giả bằng cách tiếp cận các nền tảng mạng xã hội ngày nay nhiều hơn.Trong đó, các cơ quan báo chí cần tập trung giải pháp đa dạng các kênh tiếp cận độc giả, bởi có độc giả mới có nguồn thu. Nếu báo chí không hiện diện tốt trên mạng xã hội sẽ không tạo đột phá, sự cạnh tranh về mặt nguồn thu.Cơ hội tăng nguồn thu không đến với tất cả các cơ quan báo chí mà chỉ đến với những bộ óc đã được chuẩn bị, những cơ quan báo chí đã sẵn sàng thay đổi và đã tự tìm những lối ra cho chính mình./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/07/2024