Kinh tế số báo chí bắt đầu từ tư duy của lãnh đạo tòa soạn
(KDPT) - Người lãnh đạo không nhận ra và nắm được xu thế mới, tổ chức đó sẽ lỡ cơ hội phát triển. Kinh tế số trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, con người là quan trọng nhất. Trong đó, nhận thức của lãnh đạo góp phần lớn vào thành công.
Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định số 348/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên nền tảng số (ưu tiên nền tảng số trong nước). Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Như vậy, có thể thấy Chính phủ đã đặt ra vấn đề kinh tế báo chí như là một động lực quan trọng để phát triển báo chí trong thời đại kinh tế số. Đồng thời, Nhà nước cũng đã tạo đường băng báo chí chuyển đổi số. Chuyển đổi số báo chí theo đó mở ra cơ hội để phát triển kinh tế số báo chí.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên nền tảng số (ưu tiên nền tảng số trong nước). Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
kinhdoanhvaphattrien.vn
Chuyển đổi số đã tạo ra những cơ hội mới cho các tòa soạn, giúp các cơ quan báo chí đa dạng hóa mô hình kinh doanh. Chuyển đổi số cũng đem lại sự đa dạng về nguồn thu, khi nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện.
Vai trò tư duy kinh tế số của người lãnh đạo toà soạn
Kinh tế số không phải bắt đầu từ tiền đầu tư, công nghệ, mà là chuyển đổi tư duy, xu hướng của tòa soạn và điều quan trọng là tư duy của lãnh đạo cơ quan báo chí.
Ở đâu, lĩnh vực nào, vai trò lãnh đạo cũng quan trọng. Người lãnh đạo không nhận ra và nắm được xu thế mới, tổ chức đó sẽ lỡ cơ hội phát triển. Kinh tế số trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, con người là quan trọng nhất. Trong đó, nhận thức của lãnh đạo góp phần lớn vào thành công.
Khi nhận thức đúng vấn đề, người đứng đầu cơ quan báo chí sẽ có định hướng cho cả hệ thống tòa soạn phù hợp điều kiện của cơ quan mình: Ưu tiên nguồn lực nào để bắt kịp xu hướng thời cuộc? Đầu tư mạnh vào đâu nhằm tạo đột phá?...
Khi nhận thức đúng vấn đề, người đứng đầu cơ quan báo chí sẽ có định hướng cho cả hệ thống tòa soạn phù hợp điều kiện của cơ quan mình: Ưu tiên nguồn lực nào để bắt kịp xu hướng thời cuộc? Đầu tư mạnh vào đâu nhằm tạo đột phá?...
kinhdoanhvaphattrien.vn
Bên cạnh đó, người đứng đầu sẽ truyền cảm hứng, thúc đẩy đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. “Thủ trưởng nào, phong trào đấy”. Tư duy lãnh đạo là công nghệ số, khai thác lợi ích kinh tế từ công nghệ số, nhân viên sẽ phải tìm cách giỏi công nghệ, tư duy số, vì nằm trong dòng chảy chuyên môn của tòa soạn.
Vai trò quan trọng của lãnh đạo ở đây chính là thể hiện trong mối quan hệ biện chứng với tổ chức, đội ngũ cán bộ, nhân viên. Do đó, phải chú ý cả 2 yếu tố mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Một tòa soạn chuyển đổi số toàn diện có tỷ lệ thuận với việc chuyển đổi mô hình doanh thu. Thực tế hiện nay cho thấy, để tồn tại và phát triển, đa số cơ quan báo chí vẫn gặp khó về cơ chế tự chủ, cơ chế tài chính về đặt hàng cơ quan báo chí từ nguồn ngân sách Nhà nước, vẫn loay hoay, lúng túng giải quyết bài toán kinh tế báo chí.
Báo chí đang trong giai đoạn rất khó khăn khi quảng cáo truyền thống di chuyển sang nền tảng trực tuyến xuyên biên giới như Facebook, Tiktok… Phần còn lại cho báo chí chính thống rất ít.
Bên cạnh đó, bản quyền cũng là vấn đề cần nhắc tới. Sau khi được tòa soạn đăng tải, nội dung báo chí lập tức bị các mạng xã hội khai thác miễn phí. Vì vậy, báo chí gặp khó khăn trong việc tăng doanh thu từ chính sản phẩm của mình. Nếu có nguồn này, họ hoàn toàn có thể quay vòng đầu tư cho chuyển đổi số.
Một nguyên nhân khác là tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, các doanh nghiệp khó khăn, nên cơ quan báo chí cũng khó khăn, bởi nguồn quảng cáo, tài trợ bị ảnh hưởng. Thực tế hiện tại duy trì được hoạt động như trước cũng là cố gắng rất lớn của nhiều cơ quan báo chí.
Trong bối cảnh ấy, đầu tư chuyển đổi số, khai thác kinh tế số là câu chuyện không dễ dàng, nhất là với những đơn vị tự chủ 100% tài chính. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), “Tòa soạn tự chủ khoảng 30% tài chính sẽ hợp lý, giúp báo chí yên tâm hoạt động, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ chính trị. Chúng ta hiểu kinh tế báo chí không phải là làm báo để kinh doanh đơn thuần, mà có thu nhập để phục vụ nhiệm vụ chính được Đảng, Nhà nước giao phó.
Đến thời điểm nào đó, phải có cơ chế để các hãng viễn thông chia sẻ doanh thu hoặc hỗ trợ báo chí. Các tờ, trang báo sản xuất nội dung, nhà mạng sử dụng dữ liệu đó cung cấp cho công chúng nhưng không có phần chia sẻ cho tòa soạn. Để làm được việc này, tất nhiên phải có sự can thiệp ở tầm chính sách vĩ mô và hệ thống quản trị”.
Tòa soạn tự chủ khoảng 30% tài chính sẽ hợp lý, giúp báo chí yên tâm hoạt động, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ chính trị
Ông Phạm Mạnh Hùng
Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)
kinhdoanhvaphattrien.vn
Chính phủ đã có một hội nghị rất quan trọng về truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực" cuối tháng 11/2022, trong đó đề ra những giải pháp khả thi, cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách. Báo chí sẽ có cơ chế đặt hàng từ đơn vị chủ quản và cơ quan Nhà nước để truyền thông chính sách, qua đó vừa có nguồn thu chính đáng, vừa thực hiện tốt hơn vai trò tuyên truyền của mình.
Tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam năm 2023, Thủ tướng chỉ đạo giải quyết những bất cập về cơ chế, chính sách, về định mức kinh tế kỹ thuật, cho các loại hình báo chí. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, tổ chức đặt hàng báo chí, giúp các tòa soạn khắc phục khó khăn và phát triển.
Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy báo chí, trong đó có lĩnh vực tài chính. Vai trò của chủ quản rất quan trọng, vừa giúp báo chí tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vừa định hướng hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phát triển lành mạnh.
Về kinh tế báo chí, như nói ở trên, là vấn đề không dễ. Mỗi báo sẽ có hướng đi phù hợp cho mình. Muốn giải được bài toán này trong điều kiện hiện nay, phải áp dụng tổng thể nhiều giải pháp, trong đó có sự nỗ lực của từng cơ quan báo chí và cả cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước.
Kinh tế báo chí là vấn đề không dễ. Mỗi báo sẽ có hướng đi phù hợp cho mình. Muốn giải được bài toán này trong điều kiện hiện nay, phải áp dụng tổng thể nhiều giải pháp, trong đó có sự nỗ lực của từng cơ quan báo chí và cả cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước.
kinhdoanhvaphattrien.vn
Cho đến nay, theo quy định của Luật Báo chí 2016 thì các cơ quan báo chí Việt Nam hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Nguồn thu chủ yếu của báo chí truyền thống dựa vào quảng cáo và tiền phát hành báo. Tuy nhiên, những năm vừa qua, đại dịch Covid-19 cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng truyền thông đã tác động nặng nề đến báo chí, lượng báo in phát hành và các hợp đồng quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm mạnh; 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới... Nguồn thu trở thành nỗi lo lớn của các tòa soạn.
Để đảm bảo sự tồn tại, báo chí cần khai thác nhiều nguồn lực khác nhau, và chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết giúp báo chí tăng nguồn thu. Song phát triển kinh tế báo chí cũng là vấn đề khá phức tạp, bởi nó liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, mô hình hoạt động của báo chí. Nếu chỉ tập trung nhiệm vụ chính trị, có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội huy động được các nguồn lực kinh tế. Ngược lại khi mải mê chạy doanh số, nhiều tòa soạn “thả” cho phóng viên làm kinh tế, khoán view, hợp đồng truyền thông… dẫn đến không ít tiêu cực. Tạo nên bức tranh xám về kinh tế báo chí.
PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), nêu quan điểm: Cần nhận thức, kinh tế báo chí là một trong những động lực cơ bản và quan trọng nhất để phát triển báo chí. Một mặt, báo chí là sản phẩm văn hóa, cũng là sản phẩm chính trị, không thể bằng mọi giá để có nguồn thu, nhưng mặt khác để báo chí phát triển cần xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại.
Trong sự bùng nổ truyền thông số, báo chí truyền thông đang có những cơ hội phát triển mới, đồng thời cũng có những thách thức mới. Để làm mới chính mình, việc hướng ra Internet, phát triển các mô hình sản phẩm mới là điều tất yếu. Việc xác lập mô hình kinh doanh, tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới là nhiệm vụ quan trọng của báo chí truyền thông trong kỷ nguyên số./.
(KDPT) - Mấy năm gần đây, các cụm từ “số hóa”, “chuyển đổi số”, “kinh tế số”, “kinh doanh số”, “xã hội số”… ngày càng như cùng ăn cùng ngủ với nhiều người, ở nhiều lĩnh vực mà báo chí cũng không ngoại lệ.
(KDPT) - Đất nước đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh của thời đại toàn cầu, liên thông và kinh tế số. Những nhân tố tạo nên phẩm chất cốt lõi của chủ thể dẫn dắt công cuộc phát triển hiện nay là tổng thể hài hòa giữa con người kinh tế và con người văn hóa.
(KDPT) - Trong bối cảnh truyền thông đổi mới mạnh mẽ, vai trò của người làm báo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trò chuyện với nhà báo, nhà thơ Lữ Mai - người đã theo dõi sát sao biến động báo chí Việt Nam, chị mang đến góc nhìn sâu sắc về những thách thức và cơ hội trong nghề báo cũng như trong môi trường truyền thông số.