Cải thiện điều kiện vệ sinh thực phẩm tại các khu chợ truyền thống
Những nguy cơ tiềm tàng rủi ro về sức khỏe
Chợ truyền thống chủ yếu kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản, rau, quả và kinh doanh đồ ăn chín, dịch vụ ăn uống. Các chợ truyền thống phát triển tự phát, cơ sở hạ tầng kém, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường.
Bất chấp sự xuất hiện hàng loạt của siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống vẫn chiếm khoảng 90% tổng doanh số bán rau tại Hà Nội, đóng vai trò là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, việc thiếu hệ thống truy xuất nguồn gốc và đăng ký bán hàng khiến cho nhà quản lý khó theo dõi quy trình nuôi trồng, vận chuyển của các loại thực phẩm.
Tại một số chợ truyền thống hiện nay, hàng hóa được bán rất đa dạng nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn. Các cửa hàng bán rau, củ, quả không có kệ, tiểu thương bày hàng xuống dưới đất lót bằng tấm ni lông, gây mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn không có tủ kính che đậy, khiến bụi bặm, ruồi nhặng mang theo vi khuẩn có thể xâm nhập diễn ra khá phổ biến.
Chợ truyền thống vẫn được đa số người dân lựa chọn. (Ảnh minh họa) |
Trong đó, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt, tại nhiều chợ, cạnh các ki-ốt bán đồ ăn như bún, cháo, chè... là hàng loạt lồng đựng gia cầm sống trên nền đất đọng nước, bốc mùi khó chịu. Nguyên nhân của tình trạng này là do các gian hàng chật hẹp, thiết bị, dụng cụ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Về nguyên nhân của tình trạng trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, sự hiểu biết các quy định về an toàn thực phẩm của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh hàng thực phẩm trong chợ còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, người tiêu dùng dễ chấp nhận việc dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra liên ngành và kiểm nghiệm vệ sinh, an toàn thực phẩm của các chợ chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ...
Đề xuất các biện pháp cải thiện chất lượng an toàn thực phẩm
Trước tình trạng trên, các nhà nghiên cứu cũng đề xuất Chính phủ nên có biện pháp cải thiện điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm các khu chợ truyền thống cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất liên quan. Điều này sẽ giúp thay đổi nhận thức tiêu cực của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm ở chợ truyền thống bởi người dân ngày càng có nhu cầu cao hơn về tiêu chuẩn vệ sinh.
Ông Lê Trung Hiếu - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác thu thập dữ liệu đã mang lại những công nghệ tích cực, giúp rút ngắn thời gian khảo sát, thống kê. “Kết quả của dự án là nguồn thông tin quan trọng giúp cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn hoạt động của những người tham gia vào thị trường, từ đó tìm ra giải pháp tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm”.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm tới các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đối với đơn vị quản lý chợ, cần tập huấn, tuyên truyền về cơ chế chính sách phát triển, quản lý chợ; Rà soát lại hệ thống chợ, từ đó đề xuất đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa và có cơ sở xây dựng tiêu chí chợ đầu mối an toàn thực phẩm...
Với mục tiêu 100% số đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm; 100% số chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% số chợ xây mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.
Mặt khác, các địa phương phối hợp với Ban Quản lý chợ nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đối với chợ đã xuống cấp như: Cải tạo, nâng cấp về hệ thống điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt từ nguồn nước máy và giếng khoan, bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh, phục vụ tốt cho các hộ kinh doanh.
Các hộ kinh doanh phải được khám sức khỏe, tập huấn và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; có sổ sách, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quầy sạp phải bảo đảm vệ sinh..., nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống./.