Cần cơ chế đặt hàng nghiên cứu khoa học - Ảnh minh họa.

Phát triển KHCN là khâu đột phá chiến lược quan trọng

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá, trải qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhiều nội dung được triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, tiềm lực khoa học công nghệ (KHCN) được nâng lên. Quản lý nhà nước về KHCN từng bước được đổi mới. Hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ được chú trọng hoàn thiện. Cùng với đó, thị trường KHCN đã được hình thành và phát triển, gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, công tác phát triển khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều kết quả cực như: Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường; Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy, lan tỏa trong xã hội; Thị trường khoa học và công nghệ bước đầu phát triển; Hợp tác quốc tế có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Khoa học và công nghệ đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, so với mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra, kết quả đạt được còn hạn chế. Nhiều nội dung của Nghị quyết chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế quản lý tài chính đối với khoa học và công nghệ tuy đã có đổi mới, song còn bất cập, chưa đồng bộ; phân bổ ngân sách chưa hợp lý. Hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa cao.

Phát biểu Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, KHCN có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

"Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại...; coi KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong các khâu đột phá chiến lược quan trọng, nhất là tiến tới phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời yêu cầu có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế...; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, sau hội thảo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các cơ quan liên quan chắt lọc kết quả nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp phù hợp để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được nêu trong Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, vấn đề hiện nay là cần tìm các giải pháp để nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học liên ngành đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Đặc biệt là cần phát huy vai trò của các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới, chủ trì triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế.

Nguồn nhân lực có vai trò quyết định trong phát triển KHCN

Theo TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, dù có nhiều khó khăn khiến việc triển khai thực hiện các chủ trương quyết sách lớn của Đảng về đào tạo về khoa học công nghệ chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đơn cử như là nhận thức và thực thi tự chủ đại học; Tự chủ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Quy trình cấp kinh phí, thực hiện và nghiệm thu đề tài khoa học như hiện nay liệu có còn phù hợp không? Có thể có cơ chế khoán, cơ chế đặt hàng cho các đại học, cho các thầy cô thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học được không? Dẫn ví dụ cụ thể, TS. Vũ Hải Quân cho biết, tại Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, tính bình quân, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ đạt 10 triệu/năm, một con số rất khiêm tốn.

Chính vì vậy, TS. Vũ Hải Quân cho rằng, trong thời gian tới, nên quan tâm đến đầu tư cho con người nhiều hơn thay vì chỉ ưu tiên đầu tư hạ tầng máy móc thiết bị; có cơ chế đột phá về đặt hàng nghiên cứu khoa học; có cơ chế phối hợp thực hiện các công trình nghiên cứu lưỡng dụng: vừa đảm bảo an ninh quốc phòng vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng ta đã sớm có các định hướng và chỉ đạo về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH). Đồng thời, luôn coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi để khoa học và công nghệ phát triển.

Quan điểm coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa được khẳng định và quán triệt trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng như: Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (năm 1996); Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 hướng vào tháo gỡ các điểm nghẽn, dành ưu tiên và tập trung nguồn lực để phát huy và phát triển khoa học và công nghệ nhằm phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cũng theo ông Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc tổng kết, đánh giá toàn diện Nghị quyết 20 nhằm chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân của hạn chế và bài học kinh nghiệm là những cơ sở thực tiễn quan trọng để định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Những ý kiến trao đổi, thảo luận sẽ là những gợi ý quan trọng để ngành KH&CN nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.