ISSN-2815-5823
Thứ năm, 08h51 05/04/2018

Cần kiểm soát chặt việc tăng đàn lợn

(KDPT) – Hiện nay nguồn cung thịt lợn vẫn đang vượt so với nhu cầu và giá lợn chỉ thấp xung quanh khoảng 29.000-32.000 đồng/kg. Trong khi đó thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc thì đang tăng mạnh nguồn cung nội địa.

Cần kiểm soát tăng đàn lợn để hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thời điềm này năm trước, nguồn cung lợn dư thừa, kéo giá thịt lợn giảm kỷ lục trên phạm vi toàn quốc, đẩy ngành chăn nuôi vào tình trạng khủng hoảng. Bộ NN&PTNT cũng như các đoàn thể từ Trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp (DN) đã đồng loạt tham gia chiến dịch “giải cứu” thịt lợn. Hiện tại, sau một năm giải cứu, dù không còn khủng hoảng, song thoát khỏi khủng hoảng nhưng người chăn nuôi vẫn phải ngậm ngùi bán lợn hơi với giá thấp.
Thống kê mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tháng 3, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước có xu hướng giảm. Cụ thể, giá lợn tại miền Bắc giảm khoảng 1.000-3.000 đồng/kg, dao động phổ biến từ 30.000-35.000 đồng/kg, sức mua khá chậm. Tại Sơn La, giá lợn hơi giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 33.000 đồng/kg. Tại các tỉnh chăn nuôi nhiều như Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định…, giá lợn hơi cũng giảm 2.000 đồng/kg, dao động quanh mức 32.000-33.000 đồng/kg. Ở tỉnh miền Trung như Khánh Hoà, giá giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 31.000 đồng/kg. Riêng tại miền Nam, giá lợn hơi toàn khu vực được thu mua trong khoảng 27.000-32.000 đồng/kg.
Nhìn nhận về kết quả sau một năm “giải cứu” lợn, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết: Thịt lợn được tiến hành “giải cứu” với nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là nhằm kiểm soát việc tăng đàn, tìm đầu ra cho thịt lợn. Kết quả, đến nay đàn lợn nái đã giảm 500 nghìn con, tương đương giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc giảm đàn lợn nái phải có thời gian mới ảnh hưởng đến lợn thịt.
“Lợn thịt chưa giảm ngay nên cung của mặt hàng này vẫn tương đối lớn so với nhu cầu thị trường. Đáng chú ý, ngoài tỷ lệ lợn sữa xuất được đi các nước thì thịt lợn là mặt hàng tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước, xuất khẩu lợn thịt không đáng kể. Giá thịt lợn tháng Tết tăng lên 35.000-36.000 đồng/kg ở miền Bắc, miền Nam tăng lên 32.000-34.000 đồng/kg thì nay lại giảm xuống còn khoảng 31.000-32.000/kg ở miền Bắc và 29.000-30.000 đồng/kg ở miền Nam. Có thể vài tháng nữa, nguồn cung giảm đi, giá thịt lợn sẽ khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, không thể kỳ vọng giá lợn tăng cao lên 35.000-36.000 đồng/kg”, ông Dương nói.
Liên hệ với nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, ông Dương thông tin thêm: Hiện nay, thị trường Trung Quốc giá lợn cũng chỉ ở mức 39.000-40.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá ở mức 55.000-56.000 đồng/kg. Ở Thái Lan, giá lợn cũng chỉ nhích hơn so với Việt Nam một chút, đang ở mức 32.000-33.000 đồng/kg. Tình hình giá lợn như trên là vấn đề phải cảnh báo để các địa phương cần phải kiểm soát chặt việc tăng đàn.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thì đàn lợn của Trung Quốc sẽ tăng hơn 27 triệu con trong năm 2018. Một trong những động lực thúc đẩy Trung Quốc có thể tăng đàn trong năm 2018 là giá lợn hơi đang ở mức cao. Cũng theo dự báo của USDA, sản lượng thịt lợn đã tăng mạnh ngay từ đầu năm 2018, vì lợn đến lứa xuất chuồng. Đây là một tín hiệu không hề tốt đối với các nước vốn là nguồn cung thịt lợn cho Trung Quốc. USDA dự đoán, nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc giảm 27% xuống còn 1,6 triệu tấn, so với mức nhập khẩu cao kỷ lục (2,18 triệu tấn) được ghi nhận vào năm 2016.

Theo: chinhphu.vn



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/11/2024