ISSN-2815-5823

Cần thống nhất khung pháp lý cho tài chính vi mô

(KDPT) - Theo chuyên gia pháp lý, hiện trạng cho thấy các tổ chức tài chính vi mô hoạt động tại Việt Nam đang gặp phải không ít vướng mắc. Trong đó, khung pháp lý là một trong những rào cản lớn nhất.

Nên tạo "sân chơi chung" tổ chức tài chính vi mô

Luật sư Vũ Quốc Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ VietED - Chương trình Tài chính vi mô VietED nhận định, về tài chính vi mô, mọi vướng mắc đều xuất phát từ việc chưa có hành lang pháp lý để tạo ra một “sân chơi” chung cho các tổ chức, dự án, chương trình.

“Chúng ta đã nghe nhiều về các kết quả đạt được từ chiều tổ chức khác nhau, nhưng chưa hề có kết luận về những thành tựu chung mà tài chính vi mô ở nước ta đã đạt được. Về pháp lý, tôi cho rằng cần nhất thể hóa, bắt đầu từ việc định nghĩa về tài chính vi mô là gì, sau đó là xây dựng hành lang pháp lý cho những đối tượng tham gia… Hiện nay chúng ta tạo ra những tổ chức tài chính vi mô, nhưng những tổ chức này lại chịu áp lực từ cái áo quá lớn với vai trò như một tổ chức tín dụng. Điều này vô hình trung làm khó các tổ chức tài chính vi mô, do các tổ chức này còn hạn chế về nguồn vốn, nhân lực”, ông Bình nói.

Luật sư Vũ Quốc Bình (ngoài cùng bên trái) chia sẻ quan điểm về tài chính vi mô tại tọa đàm
Luật sư Vũ Quốc Bình (ngoài cùng bên trái) chia sẻ quan điểm về tài chính vi mô tại tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ" được tổ chức ngày 29/11.

Viện dẫn thực tiễn, vị chuyên gia pháp lý cho hay, hiện trạng của tài chính vi mô tại Việt Nam được chia thành 3 mô hình chính.

Thứ nhất là, các công ty tài chính vi mô được hợp thức hóa về mặt pháp lý với 4 doanh nghiệp đang hoạt động. Song, mô hình này đang phải gánh chi phí quản lý lớn để vận hành, chưa tương xứng với quy mô và tính chất của tài chính vi mô.

Thứ hai là, những chương trình tài chính vi mô được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước. Hiện có 79 chương trình hoạt động dưới hình thức phi lợi nhuận, dựa trên vốn tự có hoặc quỹ xã hội. Do không có tư cách pháp nhân, các chương trình này khó mở rộng đối tượng thụ hưởng và duy trì mức dư nợ thường dưới 100 tỷ đồng mỗi chương trình.

Thứ ba là, là các chương trình tài chính vi mô khác, hoạt động theo quy định của Bộ Luật Dân sự, nhưng thiếu sự điều chỉnh cụ thể, dẫn đến khó khăn trong phát triển và tồn tại nhiều vướng mắc pháp lý.

Qua đó, theo luật sư Vũ Quốc Bình, ngoài việc cần có khung pháp lý chung cho mọi tổ chức, Chính phủ cần có thêm chính sách ưu đãi dành riêng cho các tổ chức tài chính vi mô để khuyến khích mở rộng. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép và tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô độc lập được thành lập và vận hành hiệu quả. Ngoài ra, có thể thiết lập Quỹ tài chính vi mô, hoặc yêu cầu các ngân hàng thương mại phân bổ một phần tín dụng cho tài chính vi mô với lãi suất ưu đãi, nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.

"Cần đánh giá những thành tựu mà tài chính vi mô mang lại một cách toàn diện, không chỉ dừng ở các chỉ số như tổng giá trị cho vay hay số lượng khoản vay, mà phải nhìn nhận sâu hơn về những tác động xã hội mà tài chính vi mô đã tạo ra, đặc biệt đối với các nhóm yếu thế trong xã hội", ông Bình nói.

Cấp vốn phải đi đôi với giáo dục tài chính

Một trong những thành tựu nổi bật của tài chính vi mô chính là sự kết hợp giữa cung cấp tín dụng và giáo dục tài chính cá nhân, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Những chương trình giáo dục tài chính được triển khai rộng rãi, như việc hướng dẫn tiết kiệm, quản lý tài chính và lập kế hoạch kinh doanh đơn giản. Đây là những nội dung được Hội Phụ nữ địa phương phổ biến hiệu quả thông qua các chương trình thực tế. Thống kê cho thấy, so với 5 năm trước, tỷ lệ khách hàng được tiếp cận giáo dục tài chính đã đạt 80-90%.

Một buổi giáo dục tài chính được VietED thực hiện tháng 11/2024 tại tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Ngọc Thiện)
Một buổi giáo dục tài chính được VietED thực hiện tháng 11/2024 tại tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Ngọc Thiện)

Theo luật sư Vũ Quốc Bình, tài chính vi mô không chỉ là việc cấp vốn cho người dân để phát triển kinh tế, mà còn là quá trình giáo dục tài chính cho họ. Hai nhiệm vụ này không thể tách rời, luôn phải song hành. Giáo dục tài chính cá nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với người nghèo và người có thu nhập thấp tại các khu vực nông thôn.

"Ví dụ, trong một chuyến khảo sát tại một xã miền núi ở tỉnh Lào Cai, chúng tôi nhận thấy rằng người dân đã có thu nhập ổn định từ việc tham gia chuỗi sản xuất chè. Tuy nhiên, việc quản lý thu nhập của họ vẫn chưa hiệu quả. Với mức thu nhập trung bình từ 200-300 triệu đồng mỗi hộ mỗi năm, đa phần số tiền kiếm được chỉ tập trung vào việc xây nhà kiên cố. Họ xây dựng từng phần khi có tiền và thường coi việc xây nhà như một biểu tượng cạnh tranh trong cộng đồng. Điều này cho thấy rằng giáo dục tài chính không chỉ giúp người dân quản lý tốt hơn nguồn thu nhập mà còn thay đổi nhận thức của họ, đóng vai trò không kém phần quan trọng so với việc hỗ trợ vốn sản xuất", Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ VietED đánh giá. 

Vị chuyên gia cho biết thêm, người dân ở nông thôn thường vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp, các công ty tài chính vi mô và các chương trình tài chính vi mô khác. Điều này chứng tỏ tài chính vi mô đã đóng góp quan trọng trong việc cung cấp tín dụng cho các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, đồng thời góp phần hạn chế sự phát triển của tín dụng đen./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/12/2024