Cần xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng và vững chắc cho phát triển điện gió ngoài khơi
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển điện gió ngoài khơi
Năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng phát triển như một giải pháp thay thế nhiệt điện bởi nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển điện gió ngoài khơi. Với đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km và tốc độ gió trung bình cao liên tục, Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng công suất điện gió lắp đặt.
Với độ sâu nước biển, khoảng cách tới bờ phù hợp và tài nguyên gió ngoài khơi tốt, diện tích lãnh hải rộng lớn của Việt Nam rất thích hợp cho việc phát triển điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, Việt Nam tự hào có sẵn chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp tương đương, có sự tương thích với năng lượng gió ngoài khơi, bao gồm dầu khí và điện gió trên đất liền. Điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng tận dụng kinh nghiệm hiện có trong các ngành công nghiệp tương đương để cung cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.
Xét đến vị trí thuận lợi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giao thông hàng hải và cơ sở hạ tầng cảng, Việt Nam cũng có tiềm năng trở thành trung tâm chuỗi cung ứng các bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi, đặc biệt trong các lĩnh vực như: Gia công móng jacket; Sản xuất trụ; Lắp ráp vỏ bọc tuabin.
Các thành phần của điện gió ngoài khơi, tuabin gió ngoài khơi thu năng lượng gió của đại dương để biến thành điện tái tạo. Các tuabin gió ngoài khơi tạo ra điện và truyền tải điện đến trạm biến áp ngoài khơi thông qua các tuyến cáp ngầm liên chuỗi. Sau đó, điện được truyền từ trạm biến áp ngoài khơi đến trạm biến áp trên bờ thông qua cáp ngầm xuất điện, nơi điện được chuyển đến mạng lưới điện hiện có.
Vào ngày 15/5/2023, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được ban hành. Đây là kết quả của nhiều dự thảo, bản sửa đổi và trì hoãn kéo dài gần ba năm. Việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII càng nhấn mạnh sự cam kết của Việt Nam đối với năng lượng tái tạo và phát triển điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bước đi quan trọng này dự kiến sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư và tăng trưởng mới trong thị trường điện trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Đặc biệt, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về công suất điện gió ngoài khơi, nhắm tới đạt 6 GW vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đạt từ 70-90,5 GW, nhận thấy tiềm năng của điện gió sẽ góp phần to lớn vào các nỗ lực giảm thiểu sự biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Đó là một trong những lý do khiến thị trường này hiện đang bùng nổ các hoạt động phát triển với nhiều dự án đang diễn tiến ở giai đoạn phát triển ban đầu, ví dụ như đánh giá địa điểm và lập kế hoạch giai đoạn đầu.
Theo Quy hoạch điện VIII, khu vực Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ nổi bật là những khu vực có tiềm năng lớn trong phát triển điện gió ngoài khơi. Đặc điểm tự nhiên - kinh tế - xã hội của các vùng này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển trung tâm năng lượng tái tạo trong giai đoạn trước mắt tới năm 2030. Vào tháng 9/2021, Đại sứ quán Na Uy và Equinor đã công bố một nghiên cứu về chuỗi cung ứng hiện thời và tiềm năng trong tương lai ở Việt Nam, trong đó đánh giá các cảng và cơ sở hạ tầng khác về khả năng đóng góp vào sự phát triển xa hơn của chuỗi cung ứng hiện thời.
Lộ trình đưa các dự án điện gió ngoài khơi vào vận hành
Trên cơ sở Quy hoạch điện VIII được phê duyệt gần đây và nhằm hiểu rõ hơn về năng lực hiện tại của chuỗi cung ứng trong nước tại Việt Nam, dựa trên nghiên cứu đã tiến hành trước đó, Thương vụ Na Uy và Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội đã ủy quyền OWC điều tra thêm về mức độ sẵn sàng của các cảng và các nhà cung cấp nội địa trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi mới nổi. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là thiết lập các dự án điện gió ngoài khơi giả định, mỗi dự án có công suất 1 GW, để hiểu được yêu cầu về chuỗi cung ứng, cũng như những hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng của chuỗi cung ứng hiện nay mà có thể tồn tại trong các dự án này.
Vì mục đích của nghiên cứu này, đã có hai dự án được giả định, một dự án 1 GW nằm ở phía Bắc (do có vị trí gần nơi có nhu cầu năng lượng lớn) và một dự án khác ở phía Nam (do có tốc độ gió thuận lợi). Phạm vi của nghiên cứu được giới hạn ở 2 GW và có sự phân định Bắc - Nam chung chung, nhằm mang lại nhận định khái quát về các hạn chế và yêu cầu đối với cơ sở hạ tầng trong nước và chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Theo lộ trình kịch bản 1, để đạt được COD vào năm 2030, nghiên cứu đã giả định như sau: Chính phủ chủ động đẩy nhanh quá trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi; Các cảng và nhà cung cấp sẽ không có nhiều thời gian để thực hiện bất kỳ công tác nâng cấp nào; Cơ sở hạ tầng hiện tại sẽ phải nhập khẩu thiết bị/vật liệu và thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp có kinh nghiệm để có thể chia sẻ kiến thức; Các nhà phát triển trang trại điện gió ngoài khơi có thể phải thuê ngoài các thành phần chính vì cơ sở hạ tầng hiện tại chưa sẵn sàng 100% để hỗ trợ công suất 2 GW.
Còn theo lộ trình kịch bản 2, để đạt được COD vào năm 2035, nghiên cứu đã giả định như sau: Các cảng và nhà cung cấp sẽ có đủ thời gian để nâng cấp cơ sở vật chất; Các cơ sở sản xuất trong chuỗi cung ứng đã được thành lập, cho phép các nhà phát triển có thể mua tất cả các thành phần chính cần thiết ngay trong nước; Các cơ sở cảng đã đủ điều kiện cho công tác dàn dựng, lắp ráp và xây dựng các bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi; Chuỗi cung ứng sẽ sẵn sàng vào cuối năm 2031, tạo điều kiện cho việc xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi trong khoảng 2032-2033.
Để đáp ứng nhu cầu của các kịch bản giả định, trong các kịch bản thời gian vận hành thương mại vào năm 2030 và 2035, nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy khuyến nghị cần xem xét các hành động sau đây: Tăng cường cơ sở hạ tầng lưới điện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các nguồn tái tạo không liên tục như năng lượng gió ngoài khơi, cần thực hiện các bước quan trọng bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện và áp dụng các giải pháp dự trữ năng lượng; Chính phủ nên đưa ra các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy phát triển các cảng biển nước sâu phù hợp với năng lượng gió ngoài khơi.
Nghiên cứu còn nhấn mạnh rằng: “Sự tham gia của giới học thuật và ngành công nghiệp là rất quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của bản thân ngành và chuỗi cung ứng của ngành điện gió ngoài khơi”. Đây là những khoản đầu tư dài hạn nhằm cung cấp kỹ năng và nhân sự để duy trì sự phát triển của năng lượng tái tạo trên quy mô rộng hơn. Chính phủ sẽ cần đầu tư vào các khóa học đại học chuyên môn và các chương trình có liên kết với ngành điện gió ngoài khơi để phát triển các kỹ năng liên quan./.
- Lấy ý kiến về Thông tư giá điện gió và mặt trời cho các nhà máy mới
- Quảng Trị: Dự án điện gió Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 ba lần điều chỉnh thời gian phát điện
- Đánh giá thực tiễn và nghiên cứu khoa học cho tiềm năng điện gió ngoài khơi