“Mưu cao chẳng bằng chí dày”

Sinh trưởng trong một gia đình thuần nông khó khăn, bảy “miệng ăn” trong gia đình đều trông cả vào gánh hàng rong của người mẹ. Tuổi thơ gắn liền với ngày theo mẹ bán cơm, bán bánh mà không thể nhớ hết mình và mẹ đã đi những đâu, cái nghèo cứ thế dai dẳng mãi trong những năm tháng tuổi thơ của Tạ Văn Cường. Đứng trước một cái ngách quá hẹp mà cuộc đời trao cho, Cường chưa từng nghĩ sẽ chấp nhận sự nghèo khó như một định mệnh. Chính nhờ ý chí thoát nghèo luôn thường trực trong suy nghĩ khiến ông có đủ “tâm” và “tầm” để gây dựng được một chỗ đứng khá vững vàng như hiện nay. Cuộc sống mưu sinh cuốn ông vào đủ nghề để kiếm tiền học, nhưng cũng đủ để tích luỹ vốn sống. Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân chuyên ngành Hoá chất, trở thành công nhân trong nhà máy xi măng, thu nhập hàng tháng tuy cũng tạm ổn, nhưng sau khi trả tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, tiền gửi về phụ giúp cho gia đình thì số dư còn lại cũng chẳng thấy đâu. Thời điểm đó, tấm bằng cử nhân chưa bao giờ trở nên nặng nề với ông đến vậy.

Ông Tạ Văn Cường – CEO Công ty Cổ phần THE MOHODO. (Ảnh: NVCC)

Đánh liều một chuyến, ông bỏ việc về Hà Nội để tìm việc khác, học thêm ngành lập trình máy tính và thiết kế đồ họa, lúc bấy giờ, đang là một trong những ngành “hot”. Vừa đi học, vừa xin đi làm thêm tại một công ty về công nghệ, kết thúc khóa học, ông xin vào làm tại một công ty chuyên thiết kế website, với mong muốn được thử sức và tạo ra một … “bước ngoặt” nào đó.

Trải qua nhiều kiểu công việc cũng như các vị trí làm việc, từ làm thợ, làm văn phòng, làm quản lý…, với “máu” kinh doanh sẵn có trong đầu, ông đã có một suy nghĩ táo bạo về ngành công nghiệp đồ uống. “Cho đến giờ, khi nghĩ lại, thì đó là cơ hội duy nhất để tôi thoát cái nghèo và “bén duyên” tạo dựng thương hiệu KHORUOU và THE MOHODO như bây giờ”, ông nói.

Từ năm 2008-2009, ngày mới hình thành ý tưởng kinh doanh đồ uống, ông bắt đầu nhập những sản phẩm như: trà, rượu,… về để tự bán online. Liên tục thất bại, nhưng chưa bao giờ nản chí, ông nói so với những khổ cực tuổi thơ thì chưa thấm vào đâu cả, dường như việc “chấp nhận” thất bại đã có trong công thức khởi nghiệp của ông. Năm 2010, ông quyết định dồn tất cả tiền tiết kiệm và vay mượn khắp nơi để thành lập doanh nghiệp đầu tiên là VINACOM sau này là KHORUOU, chuyên nhập khẩu và phân phối các loại đồ uống cao cấp, từ có cồn đến không cồn, từ sản phẩm nhập ngoại đến sản phẩm trong nước. Với khao khát tạo dựng nên bản sắc riêng cho thị trường đồ uống cao cấp được sản xuất tại Việt Nam, đến đầu năm 2019, ông đã dồn toàn bộ trí lực để nghiên cứu, sản xuất ra một loại đồ uống có cồn đầu tiên, lấy cảm hứng từ Umeshu (một loại rượu mơ) của Nhật Bản, đặt tên là MOHODO. Đó dường như là điểm “khởi thủy” cho các sản phẩm mang thương hiệu THE MOHODO của ông.

Ông Cường chia sẻ: “Tỷ lệ nhập khẩu đồ uống cao cấp ở Việt Nam còn cao quá, trong khi nguyên liệu thô để sản xuất thì nước mình không hề thiếu. Tôi không mơ gì hão huyền hết, tôi chỉ thấy thật thiếu sót nếu không bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, như là quả mơ. Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một thức uống cao cấp giống như Umeshu của Nhật Bản!”.

Tỷ lệ nhập khẩu đồ uống cao cấp ở Việt Nam còn cao quá, trong khi nguyên liệu thô để sản xuất thì nước mình không hề thiếu. Tôi không mơ gì hão huyền hết, tôi chỉ thấy thật thiếu sót nếu không bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, như là quả mơ. Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một thức uống cao cấp giống như Umeshu của Nhật Bản!”.

CEO Tạ Văn Cường

Được biết, các sản phẩm của THE MOHODO được sản xuất theo phương pháp truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn ISO 22000: 2005 đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng của thị trường quốc tế, loại bỏ đầy đủ các độc tố có trong các sản phẩm đồ uống có cồn, vừa giữ được độ ngon vừa đảm bảo độ an toàn cho bất kỳ khách hàng nào khi sử dụng. Ông Cường khẳng định: “Việc nhập ngoại là tất yếu, nhưng tôi đang hướng THE MOHODO phát triển thành một doanh nghiệp “thuần Việt”, nghĩa là chỉ sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm “made in Viet Nam” đảm bảo cả về mẫu mã và chất lượng chuẩn quốc tế”.

Hỏi ông rằng có chuyện gì đã xảy ra khiến ông thấy tiếc nuối không, ông lắc đầu và khẳng định những chuyện có thể làm ông thấy tiếc nuối chỉ có thể là những chuyện ông chưa làm mà thôi, chứ “tôi tin mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó”.

Giống như việc ông theo học ngành lập trình và thiết kế đồ họa tại FPT, khi công ty còn ở những ngày đầu ít nhân sự, chính ông Cường là người tự thiết kế website, bao bì sản phẩm. “Hoặc kể cả sau này, khi đã chuyên môn hóa các phòng ban, tôi vẫn có thể sử dụng tư duy thẩm mỹ của mình để quyết định những mẫu mã mới sao cho phù hợp với thị hiếu khách hàng nhất hoặc tránh những rủi ro tranh chấp trong việc định vị thương hiệu của THE MOHODO”, ông nói.

Dường như chính tuổi thơ gian khó và nghèo đói khiến khát vọng thoát nghèo làm giàu của vị giám đốc doanh nghiệp đồ uống này càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhắc đến Tạ Văn Cường, giới doanh nhân trong ngành có khen, có chê, nhưng ai nhắc đến ông đều có sự tôn trọng nhất định. Mọi người cảm phục ông không chỉ ở cái tài, cái bản lĩnh dám nghĩ, dám làm của một doanh nhân, mà còn bởi ông là một người sống rất chân tình với bạn bè, đối tác, khách hàng, nhân viên và cả… những người chưa quen biết.

Khi niềm tin của khách hàng trở thành lẽ sống

Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng. Ông Cường có chia sẻ, hiện người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển sang tiêu thụ đồ uống có giá trị cao hơn, điều này tạo ra những khoảng trống để thâm nhập vào các phân khúc đồ uống cao cấp. Chính điều này đã thúc đẩy ông hướng đến một mô hình kinh doanh đồ uống cao cấp mà ở đó, người tiêu dùng được làm chủ, được lựa chọn những sản phẩm “hoàn hảo nhất” dành cho họ.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ông Cường cho biết, THE MOHODO cũng đang ở trước một “thế khó” khi mà sản phẩm sản xuất xong không thể xuất khẩu được, doanh thu chủ yếu vẫn trông chờ vào trong nước. Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, có gần 30% trong tổng số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động không quá 3 tháng; 50% chỉ trụ được 6 tháng, hệ lụy là hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm.

Ông Tạ Văn Cường (thứ 2 từ trái sang) chụp hình lưu niệm cùng các chuyên gia, đối tác Đài Loan sang thăm và làm việc tại nhà máy sản xuất đồ uống của THE MOHODO.

Khi được hỏi về những thách thức mà công ty phải đối mặt trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu này, ông bình tĩnh chia sẻ: “Lo thì ai cũng lo, nhưng vẫn phải bình tĩnh. Doanh nghiệp nào rồi cũng phải đối mặt với khó khăn cả thôi, “thuận buồm xuôi gió” quá lại không quen. Tôi vẫn tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, đồng thời cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời điểm này, bảo vệ người lao động cũng là giải pháp bảo vệ sản xuất, kinh doanh và thể hiện trách nhiệm của người làm chủ.”

Ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, ông Cường luôn quan niệm, thiết lập sự tin tưởng giữa thương hiệu và khách hàng chính là chìa khóa tạo nên thành công của doanh nghiệp. Theo ông, kinh doanh phải đặt chữ “tín” lên hàng đầu, điều này không phải tự dưng mà có, phải qua thời gian và được đối tác, khách hàng đánh giá. Đúng hẹn và giữ lời hứa có lẽ là điều mà mỗi người khi tiếp xúc, làm việc đều dễ nhận thấy ở vị giám đốc này.

Khi đối mặt với những vấn đề khó, ông luôn dành nhiều thời gian để suy nghĩ và phản biện với chính mình trước khi đưa ra quyết định chính thức. Song ông Cường nghĩ, làm chủ không có nghĩa là phải hoàn hảo ở mọi lĩnh vực. Đó là lý do ông trân trọng từng nhân viên đến với mình, luôn cho họ cơ hội để phát triển năng lực, ghi nhận những đóng góp và cống hiến của họ dành cho công ty. Trong chuyện nuôi dạy con cái, quan điểm của ông Cường là dù các con làm gì, trở thành ai sau này, các con cũng cần phải học cách sống có đạo đức và sự tử tế. Đó là giá trị cốt lõi của một con người cũng như của một doanh nghiệp.

Một điều dễ nhận thấy, ông Tạ Văn Cường được nhân viên và giới doanh nhân khâm phục không chỉ bởi độ bền bỉ trong công việc mà còn ở khả năng đối mặt với nghịch cảnh với câu nói tâm đắc: “Đứng yên một chỗ mới là thất bại”.

“Tôi hy vọng tất cả những gì tôi tâm huyết gây dựng nên không chỉ có giá trị cho một mình tôi, mà còn đem lại những giá trị về kinh tế, tinh thần, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người đang cần. Hơn tất cả, tôi muốn khi nhắc đến các sản phẩm đồ uống trên trường quốc tế, người ta sẽ không bỏ lỡ cái tên Việt Nam” – ông chia sẻ.

MINH HẠ