Chân dung Bamboo Capital: Thế lực BĐS mới nổi, muốn lấn sân sang cả lĩnh vực tài chính, bảo hiểm
Đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ của mảng bất động sản trong năm 2022
Vẫn luôn được biết đến là một ‘đại gia’ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi đã ký kết với các đối tác quốc tế trong mảng năng lượng như Leader Energy, SP Group hay Sembcorp Utilities, Bamboo Capital được thành lập từ năm 2011. Doanh nghiệp khởi đầu với hai lĩnh vực chính là dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn M&A, huy động vốn và cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin, phát triển dự án.
Đến năm 2012, công ty mở rộng kinh doanh với việc bổ sung các mảng hoạt động gồm thương mại, nông nghiệp và đầu tư M&A. Năm 2019, công ty trải qua một đợt tái cấu trúc và tập trung vào 4 mảng hoạt động chính, bao gồm sản xuất và nông nghiệp; phát triển hạ tầng và bất động sản, xây dựng và thương mại; năng lượng tái tạo.
Về lĩnh vực năng lượng tái tạo công ty con trong mảng năng lượng của BCG là BCG Energy đã hoàn thành hai dự án năng lượng mặt trời lớn là VNECO Vĩnh Long 49,3 MW và Phù Mỹ 330 MW (giai đoạn 1, công suất 216 MW). Ngoài ra còn có các dự án khác như BCG Sóc Trăng (công suất 50MW), dự án Cà Mau 1,2&3 với công suất 300MW (dự án này vẫn đang được thi công. Trong đó, giai đoạn 1 được thi công vào năm 2020 còn giai đoạn 2 & 3 được thi công vào năm 2021) cùng hàng loạt dự án điện mặt trời áp mái khác.
Phía Bamboo Capital cho biết, mục tiêu đến năm 2025, BCG sẽ đưa vào khai thác thương mại các dự án có tổng sản lượng điện lên đến 2,5 GW.
Ở mảng bất động sản, do công ty con là CTCP BCG Land nắm chính và đang triển khai 11 dự án bất động sản tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Đăk Nông và TP Hồ Chí Minh.
Hiện tại, BCG Land đang tập trung đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, tiêu biểu như Casa Marina Resort (Quy Nhơn, Bình Định) (quy mô 18,3 ha, vốn 160 tỷ đồng), Casa Marina Premium (Quy Nhơn, Bình Định) (quy mô 12 ha, vốn 1.000 tỷ đồng), Malibu Hội An (quy mô 10,3 ha, vốn 2.000 tỷ đồng), Hội An D’or (hay dự án Khu du lịch Cồn Bắp) (quy mô 24,8 ha, vốn 4.000 tỷ đồng),…
Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư vào các dự án nhà ở như King Crown Infinity, King Crown Village Thảo Điền,…dự án thương mại Tòa tháp phức hợp Pegas Nha Trang hay dự án Khu công nghiệp Việt Hàn gồm KCN I và đường tỉnh 816A (quy mô 394ha KCN và 100 hà KĐT) và KCN II (quy mô 338 ha KCN và 100 ha KĐT)…
Theo giới thiệu trên trang chủ của BCG, dự án King Crown Infinity có quy mô 1,26 ha tạo lạc tại 218 Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh với 739 căn hộ, 91 căn hộ dịch vụ, 25 shophouse và khu vực thương mại. Dự án có tổng mức đầu tư 4.717 tỷ đồng, được mở bán vào giai đoạn 2020 – 2021.
Với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa trong mảng bất động sản, vào tháng 1/2022, BCG đã công bố kế hoạch góp vốn thành lập công ty liên kết mới là CTCP Liên danh BTT với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản để đẩy mạnh hoạt động tại thị trường miền Bắc, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của Bamboo Capital là 25 tỷ đồng, tương đương chiếm tỷ lệ sở hữu 25%.
Ngoài ra, mới đây, BCG đã đề xuất tài trợ lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị dịch vụ hậu cần Nam sân bay Chu Lai, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Tại Quảng Ninh, Bamboo Capital cũng vừa đề xuất làm Khu phức hợp đô thị, du lịch nghỉ dưỡng The Coral, với quy mô diện tích 546 ha, quy mô dân số 40.000 người, tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng tại thị xã Quảng Yên.
Ban lãnh đạo BCG cũng cho biết, lợi nhuận trong năm 2022 của doanh nghiệp có thể phụ thuộc lớn vào lĩnh vực bất động sản. Dự kiến doanh thu bất động sản của BCG trong năm 2022 dao động từ 4.800 – 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 1.200 tỷ đồng.
Trước những tham vọng lớn của BCG thì câu hỏi được đặt ra là doanh nghiệp sẽ lấy vốn từ đâu để hiện thực hóa những tham vọng ấy.
Mới đây nhất, Bamboo Capital đã công bố kế hoạch huy động 1.200 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để góp vốn cho đơn vị này nhằm mục đích thực hiện các giao dịch liên quan đến các dự án bất động sản, như M&A, đầu tư, liên doanh, liên kết,…
Cụ thể, BCG sẽ chào bán 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cp, tương đương dự kiến thu về 1.200 tỷ đồng.
Trường hợp, nếu không huy động đủ số tiền 1.200 tỷ đồng nói trên, công ty sẽ sử dụng nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và huy động vốn vay từ các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện.
Động thái mới: lấn sân sang tài chính, bảo hiểm?
Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần 2 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã EIB) đã có nhiều thay đổi mới trong đó đáng chú ý có sự xuất hiện của ‘sếp lớn’Bamboo Capital. Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital sẽ ngồi ghế HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025).
Được biết, hiện tại ông Hùng còn đang đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch điều hành HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI, mã TCD) – một thành viên trong hệ sinh thái BCG. Ngoài ra, vị Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital còn kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất HĐQT CTCP BCG Land và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Liên danh Khai thác và Chế biến vật liệu xây dựng An Giang (Antraco).
Sự xuất hiện của ông Nguyễn Thanh Hùng trên cương vị thành viên HĐQT Eximbank khiến các nhà đầu tư chú ý đến mảng tài chính, bảo hiểm trong hệ sinh thái của Bamboo Capital.
Thời gian gần đây, Bamboo Capital cũng liên tục có động thái mở rộng hoạt động lĩnh vực này với việc thành lập BCG Financial, đầu tư vào CTCP Chứng khoán Thủ đô (CASC), mua lại CTCP Bảo hiểm AAA.
Tuy nhiên đây cũng là một thách thức không hề nhỏ của Bamboo Capital khi BCG vẫn gặp vấn đề lớn với dòng tiền khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 của doanh nghiệp tiếp tục âm nặng 9.315 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Bamboo Capital là 2.589 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020. Công ty cũng ghi nhận 2.299 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 169%, kéo theo lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 265%, đạt 973 tỷ đồng, vượt 21% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ vay tại Nam Á Bank và TPBank là 1.855,7 tỷ đồng, chiếm 43% trong tổng nợ vay tài chính từ ngân hàng và các doanh nghiệp khác của Bamboo Capital (chưa tính nợ vay trái phiếu).
Tổng nợ vay tài chính của công ty ghi nhận 13.171 tỷ đồng, cao gấp 2,9 lần đầu năm và gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, con số này cao hơn nợ vay của nhiều “ông lớn” bất động sản khác như Đất Xanh, Phát Đạt, Khang Điền,…
QUANG ANH