ISSN-2815-5823

Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát hành thêm trái phiếu xanh

(KDPT) - Việc Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát hành thêm nhiều trái phiếu xanh sẽ là chìa khóa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Trái phiếu xanh là gì ?

Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.

Trái phiếu xanh (Green Bond Principles – GBP) là một loại trái phiếu được phát hành bởi Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp nhằm huy động vốn cho các dự án mang lại lợi ích cho môi trường. Các dự án này có thể bao gồm phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ rừng, và nhiều hơn nữa.

Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát hành thêm trái phiếu xanh - ảnh 1

Số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu xanh sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh đã được chọn lọc và đánh giá kỹ lưỡng. Việc đầu tư vào trái phiếu xanh là một cách để các nhà đầu tư đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đồng thời nhận được lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ.

Theo ICMA, trên thế giới hiện có 4 loại trái phiếu xanh cơ bản sau: Trái phiếu sử dụng tiền thu được theo tiêu chuẩn xanh, Trái phiếu doanh thu xanh, Trái phiếu dự án và cuối cùng là Trái phiếu xanh có đảm bảo.

Nhìn chung, trái phiếu xanh được xác định bởi hai đặc điểm chính: Nguồn vốn huy động từ việc phát hành trái phiếu được dành riêng cho các dự án có ảnh hưởng tích cực đối với môi trường, thường kết nối với lợi ích xã hội; và Cung cấp sự minh bạch và công khai rõ ràng về việc quản lý nguồn vốn thu được từ việc phát hành trái phiếu.

Trái phiếu xanh có cấu trúc tương tự như trái phiếu thông thường, với rủi ro/lợi ích tương đương và tuân thủ các quy trình phát hành tương tự, nhưng nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu xanh được sử dụng cho nhiều loại dự án về khí hậu và môi trường khác nhau.

Trái phiếu xanh đóng vai trò nguồn lực chính

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, Việt Nam cần khoảng 360 tỷ USD vào năm 2040 để đáp ứng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”. Cụ thể, ngành năng lượng cần hơn 130 tỷ USD đầu tư cho các nhà máy điện mới và cơ sở hạ tầng lưới điện, như đã nêu trong Quy hoạch Phát triển điện VIII.

Điều quan trọng nhất là cần đảm bảo tài chính và trái phiếu xanh có thể phát huy vai trò là nguồn lực chính.

Những số liệu trên nêu bật nhu cầu cấp thiết về phát triển thị trường tài chính bền vững để huy động nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi này, trong đó trái phiếu xanh đóng vai trò chủ chốt.

Kể từ khi xuất hiện vào năm 2007, trái phiếu xanh nổi lên như một công cụ quan trọng để huy động tài chính khí hậu, thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Theo dữ liệu của Bloomberg, vào năm 2023, các đợt phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững (GSS) toàn cầu đã đạt 939 tỷ USD

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cũng vào năm 2023, tại ASEAN, lượng trái phiếu bền vững được phát hành đạt 19,1 tỷ USD. Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan đã ban hành danh mục phân loại xanh và Việt Nam là thị trường mới nhất đang theo sát phía sau.

Trái phiếu xanh có thể cung cấp nguồn vốn cần thiết để giảm thiểu rủi ro khí hậu và hỗ trợ các cam kết của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris. Những đợt phát hành trái phiếu xanh đầu tiên của Việt Nam, như đợt phát hành trị giá 75 triệu USD của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực năm 2022 và đợt phát hành trị giá 100 triệu USD của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam năm 2023, là những tín hiệu đầy hứa hẹn.

Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng. Mặc dù Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lực sản xuất, nhưng quỹ đạo phát triển có thể thay đổi nếu các doanh nghiệp sản xuất toàn cầu ưu tiên các sáng kiến xanh không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ Việt Nam. Ngược lại, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh có thể nâng cao vị thế toàn cầu của Việt Nam, không chỉ dừng lại ở ưu thế về năng lực sản xuất của mình, mà định vị Việt Nam là quốc gia dẫn đầu với tư cách là một cường quốc kinh tế không phát thải.

Tuy nhiên, những nỗ lực trên mới chỉ là bước đầu và chưa đủ đáp ứng nhu cầu của quá trình chuyển đổi xanh. Việc Chính phủ khuyến khích phát hành thêm nhiều trái phiếu xanh sẽ là chìa khóa để đẩy nhanh tốc độ của quá trình chuyển đổi này./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024