Cơn sốt vàng ảnh hưởng thế nào đến tâm lý người dân và nền kinh tế?
Chỉ trong vài ngày, thị trường vàng trong nước đã chứng kiến biến động với biên độ rất mạnh, tăng - giảm 5-7 triệu đồng mỗi lượng. Người dân đổ xô đi mua bán vàng khiến thị trường càng trở nên bất ổn. Các chuyên gia nhận định, dù vàng không còn là phương tiện thanh toán, nhưng nếu tình trạng này kéo dài vẫn sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến nền kinh tế.
“Không lẽ cứ để giá vàng nhảy múa mãi như vậy?”, đây có lẽ cũng là câu hỏi của nhiều người trong những ngày gần đây khi giá vàng biến động không ngừng, có phiên điều chỉnh giảm chỉ được vài giờ đồng hồ rồi lại đảo chiều tăng “phi mã”.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, chưa bao giờ giá vàng cao như thời điểm này và chênh lệch với giá vàng thế giới cũng quá cao. Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo với ngành Ngân hàng để quản lý thị trường vàng, nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay, giá vàng ngày càng tăng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện đấu thầu được vài phiên nhưng giá vàng vẫn liên tục lập đỉnh. Do đó, bà Nga cho rằng cần phải quản lý thị trường vàng chặt chẽ, phải có bàn tay của Nhà nước để can thiệp.
Phân tích về việc giá vàng tăng cao có thể tác động đến nền kinh tế, các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, dù vàng không còn là phương tiện thanh toán nên giá vàng biến động không tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu kéo dài vẫn gây ra nhiều hệ lụy.
Nhiều người dân cũng có tâm lý lo lắng khi thấy giá vàng liên tục tăng, bất chấp cả trời mưa vẫn đến xếp hàng tại các cửa hàng để mua.
Theo Tiến sĩ Bùi Trinh - Viện nghiên cứu Phát triển Việt Nam, việc giá vàng tăng cao là do nguồn cầu lớn, chứng tỏ kim loại quý này đang thu hút một lượng lớn tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa trong dân. Mà đây chính là dòng tiền có thể sử dụng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Vị chuyên gia phân tích thêm, nếu lấy tổng thu nhập trừ đi tiêu dùng thì còn lại tiền tiết kiệm. Đây chính là nguồn lực để đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau. Nhưng dòng tiền này lại đổ vào vàng sẽ làm cho nền kinh tế hụt đi một nguồn lực phát triển. Người dân hiện đang có tâm lý chạy theo giá vàng do giá không ngừng tăng. Họ kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa và thường sốt sắng trước hiệu ứng đám đông nên không có hứng thú với việc tích tiền để sản xuất nữa mà đi mua vàng.
Một chuyên gia khác cũng nhận định, việc giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các loại hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Từ đó, các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản... bị lu mờ, thậm chí thua lỗ.
Điều này có thể gây tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên. Theo đó khiến lạm phát tăng trong dài hạn và tác động đến nền kinh tế. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng cần nhanh chóng đưa ra biện pháp ngăn chặn giá vàng tăng điên cuồng như hiện nay để giảm thiểu những tác động đến nền kinh tế.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng đã chỉ ra 3 yếu tố tác động cùng lúc khiến giá vàng trong nước tăng như hiện nay. Thứ nhất là giá vàng trên thị trường thế giới tăng do bất ổn của kinh tế, chính trị.
Thứ hai, nhiều năm nay không có khung vàng miếng ở thị trường nội địa, trong khi nhu cầu mỗi năm đều có, đặc biệt là nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022 và 2023 - đây là những năm thị trường bất động sản suy thoái, dòng tiền “chảy” nhiều vào kênh đầu tư vàng.
Thứ ba là lãi suất tiết kiệm giảm, đây là nguyên nhân gián tiếp khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh, qua đó đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh và tăng cao hơn cả giá vàng thế giới.
Vị chuyên gia cho rằng, dù mục tiêu của đấu thầu vàng vẫn là để hạ nhiệt giá vàng, giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, nhưng việc đấu thầu chưa diễn ra thành công cũng như chưa có lượng cung vàng trên thị trường để hạ nhiệt nhu cầu. Do đó, giá vàng vẫn tăng, đặc biệt là khi nguồn cung vẫn còn khan hiếm.
Tuy nhiên, ông Hiển phân tích thêm rằng, vàng tăng giá do chịu ảnh hưởng của vàng thế giới, lãi suất tiết kiệm giảm, những kênh đầu tư khác như bất động sản, hay chứng khoán suy yếu... khiến nguồn cung không đủ cầu. Vì thế, chỉ cần lượng vàng được tung ra một cách có kế hoạch, sẽ dần dần đáp ứng được nhu cầu nhất định cho người dân và làm hạ nhiệt giá vàng trên thị trường
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, rõ ràng việc đấu thầu không phải là giải pháp phù hợp cho quản lý thị trường vàng, cụ thể ở đây là giảm giá vàng trong nước xuống một mức hợp lý so với giá vàng thế giới. Việc đấu thầu vàng về bản chất không giải quyết được yếu tố chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới mà chỉ đưa được giá vàng ra ở mức sát nhất với thị trường.
Điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là xu hướng giá vàng thế giới trong thời gian tới sẽ diễn biến ra sao? Bởi những biến động của giá vàng thế giới được xem là yếu tố chính tác động đến giá vàng miếng SJC khi mà mức chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới chưa thể kéo xuống thấp.
Đến nay, hầu hết các tổ chức vẫn giữ nguyên dự báo giá vàng quanh mức 2.400-2.500 USD/ounce trong năm nay, trong điều kiện không xảy ra xung đột bất thường trên thế giới. Tuy nhiên, giá vàng thế giới được cho là sẽ chững lại trong mùa hè này, khoảng từ tháng 5 - tháng 6 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây liên tục trì hoãn việc giảm lãi suất, từ đó khiến đồng USD treo cao và tác động tiêu cực đến giá vàng./.
- Giá vàng thường diễn biến ra sao sau khi lập đỉnh mới?
- Cơn sốt vàng bao phủ khắp thế giới bất chấp mức giá cao kỷ lục
- Vợ chồng trẻ tiết kiệm tiền để đầu tư vàng và đất như thế nào?