Bỏ qua cơn sốt vàng, giới đầu tư đang “ghim” tiền vào đâu?
Những ngày gần đây, giá vàng miếng SJC liên tục biến động với biên độ rất mạnh, tăng giảm từ 5-7 triệu đồng lượng. Giá vàng miếng tăng bất thường khiến người dân đổ xô đi mua bán, thị trường trở nên bất ổn.
Mặc dù giá vàng tăng sốc, nhưng giới đầu tư đánh giá việc này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản thấp tầng. Ông Đoàn Quốc Duyệt, Giám đốc Công ty Tín Thành từng chia sẻ, việc giá vàng leo thang, bất ngờ không hề làm dịch chuyển dòng tiền đầu tư địa ốc sang vàng.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, có thể các nhà đầu tư tài chính như chứng khoán hay ngoại tệ sẽ cân nhắc chuyển một phần dòng vốn sang vàng nhưng các nhà đầu tư bất động sản vẫn sẽ kiên định ở giai đoạn này.
Đồng quan điểm, các chuyên gia cũng phân tích thêm rằng khi quyết định đổ tiền vào bất động sản và xác định được giá trị sản phẩm ở một khu vực, thì giới đầu tư có thể kiểm soát biên độ lợi nhuận như mong đợi. Trong khi đó, sự biến động của giá vàng lại phụ thuộc phần lớn vào tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, biến động nhanh và khó có thể kiểm soát hơn.
Bên cạnh đó, thói quen tích trữ vàng ngày nay chỉ còn ở một bộ phận người dân, chủ yếu là người lớn tuổi và dân kinh doanh buôn bán. Việc kim loại quý liên tục tăng giá có tác động mạnh đến tâm lý của nhiều người. Theo đó, họ cũng sẽ thận trọng hơn trong việc mua vào tích trữ trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, dù vàng đã tăng “phi mã” suốt thời gian qua nhưng không ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Từ đầu năm 2024 đến nay, phân khúc chung cư cũng hút dòng tiền nhanh chóng bất chấp đà tăng của vàng. Điều này cho thấy, bất động sản vẫn là một kênh đầu tư bền vững.
Sau sóng chung cư, giới đầu tư đang hướng dòng tiền vào sản phẩm nào?
Quan sát thực tế thị trường bất động sản hiện nay có thể thấy, sau cơn sốt chung cư, giới đầu tư đang săn lùng phân khúc bất động sản còn nhiều dư địa sinh lời cũng như là điểm trú ẩn an toàn, bền vững cho dòng vốn.
Bà Nguyễn Thị Dung, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản G.Empire cho biết, sức mua quay trở lại với thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội là điều tất yếu sau khi phân khúc chung cư đã sốt nóng và giá tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Theo vị lãnh đạo G.Empire, sức nóng của thị trường đang lan dần sang phân khúc nhà thấp tầng. Qua nghiên cứu các nhóm khách hàng nhận thấy, giới nhà giàu và siêu giàu đặc biệt yêu thích và thường lựa chọn các sản phẩm đầu tư mang lại dòng tiền như biệt thự, nhà liền kề, được sử dụng đòn bẩy tài chính, có tỷ suất lợi nhuận cao và an toàn.
Ngoài ra, bà Dung chỉ ra một nguyên nhân khác khiến giá biệt thự, liền kề tăng là do chi phí đầu vào đầu tư phát triển dự án tăng mạnh. Trong đó, chi phí tiền sử dụng đất, đầu tư xây dựng, chi phí vốn, lãi suất vay ngân hàng và thời gian chờ thủ tục pháp lý kéo dài khiến giá bán tăng. Đặc biệt, khi Luật Đất đai 2024 dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ tiếp tục đẩy giá bất động sản tăng khi định giá đất sẽ sát hơn với giá thị trường, qua đó đẩy chi phí về tiền sử dụng đất của doanh nghiệp tăng cao.
Ngoài các yếu tố trên, chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản Trần Minh cho biết, giá biệt thự, nhà liền Hà Nội tăng mạnh thời gian gần đây có sự đóng góp lớn của việc một lượng lớn các nhà đầu tư bất động sản đang tập trung tại thị trường này.
Vị chuyên gia đánh giá, nhóm nhà đầu tư tại Hà Nội là số một cả nước, cả về số lượng, độ nhanh nhạy thông tin cũng như độ am hiểu về thị trường. Sau thời gian dài đi đầu tư khắp cả nước, gần đây họ đang rút về Hà Nội để tìm kiếm cơ hội. Việc nhóm các nhà đầu tư mua đi bán lại với một lượng tiền lớn đã khiến thị trường bất động sản tạo lập mặt bằng giá mới. Sau sự sốt nóng của phân khúc căn hộ chung cư, tiếp đến, biệt thự, nhà liền kề sẽ là điểm nóng tiếp theo của thị trường.
Thực tế, phân khúc nhà thấp tầng đang có dấu hiệu phục hồi ấn tượng. Theo đó, nguồn cung, giá bán và lượng giao dịch trong quý I/2024 vừa qua đều tăng trưởng tốt so với quý liền trước.
Theo báo cáo thị trường bất động sản của Savills mới đây cho biết, nguồn cung biệt thự, liền kề tại Hà Nội vẫn thấp, chỉ đạt 93 căn, tăng 7% theo quý và 221% theo năm. Nguồn cung sơ cấp của sản phẩm này đạt 665 căn đến từ 16 dự án, giảm 6% theo quý và 12% theo năm.
Đáng chú ý, lượng giao dịch biệt thự, liền kề Hà Nội trong quý I đã được phục hồi. Số lượng giao dịch trong quý tăng 189% theo quý và 110% theo năm, đạt 185 căn. Riêng trong quý đầu năm 2024, số căn được bán ra đã đạt 52% tổng số giao dịch của cả năm 2023.
Bên cạnh đó, 63% nguồn cung mới đã được hấp thụ trong quý I. Trong đó, 72% tổng số giao dịch trong quý được ghi nhận ở quận Hà Đông, nơi có tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài kết nối 2 quận Nam Từ Liêm và Hà Đông dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 3 tới.
Về giá bán, báo cáo của Savills cho thấy, giá sơ cấp của biệt thự tăng 3% theo quý lên 164 triệu đồng/m2 do nguồn cung mới gia nhập trong quý I vừa qua. Ngoài ra, giá bán thứ cấp biệt thự và shophouse theo m2 đất cũng đã tăng 14% theo năm trong khi nhà liền kề tăng 20% theo năm. Dù ghi nhận mức tăng cao, nhưng giá thứ cấp theo năm vẫn thấp hơn so với giá sơ cấp 11%./.
- Thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
- Vợ chồng trẻ tiết kiệm tiền để đầu tư vàng và đất như thế nào?
- Nhận diện “khẩu vị” mới của giới đầu tư trên thị trường bất động sản