Chơi điện tử chuyên nghiệp – nghề mới kiếm bộn tiền?
Suốt bao năm, bà mẹ Dorothy Schmale luôn coi trò chơi điện tử chỉ là một thứ sở thích của cậu con trai – Michael. Thậm chí, đôi lần cô còn lo lắng vì cậu bé quá mải mê với màn hình điện tử. Tuy vậy, gần 10 năm sau đó, cậu bé Michael Schmale ngày nào đã chính thức đặt bút ký bản hợp đồng trở thành gương mặt đại diện cho tổ chức eSport Ghost Gaming, và trở thành một tuyển thủ chuyên nghiệp với mức lương 4.000 USD mỗi tháng. Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng với Ghost Gaming cũng mang lại cho Michael (giờ còn được cộng đồng CoD biết đến với cái tên SpaceLy) khoản tiền thưởng lên tới 50.000 USD. Chưa hết, Michael cùng các đồng đội của mình sẽ sinh hoạt tại một căn hộ 10 phòng ngủ nhìn xuống Hollywood, căn hộ mà trước đây đã từng thuộc về Justin Bieber.
Quan điểm của Ghost Gaming, cũng giống như rất nhiều tổ chức eSport chuyên nghiệp khác ở thời điểm hiện tại, đó là coi những tuyển thủ chuyên nghiệp của mình như những vận động viên thể thao đích thực: những người cần có chế độ ăn uống, luyện tập, sinh hoạt một cách vô cùng hợp lý và khắt khe.
Việc một công ty đầu tư rất nhiều tiền của cho các cô cậu thanh thiếu niên để họ sống trong một căn biệt thự xa hoa và chơi điện tử, có lẽ đã phần nào cho thấy thể thao điện tử giờ đây đã tiến xa tới mức nào. Năm 2017, riêng mảng eSport đã mang tới doanh thu 1,5 tỉ USD trên toàn thế giới, và được kì vọng sẽ đạt mức 2,3 tỉ USD vào năm 2022, theo như số liệu đã được SuperData thống kê. Và đương nhiên, những khoản tiền khổng lồ kể trên cũng đã góp phần biến tuyển thủ eSport chuyên nghiệp trở thành một loại nghề nghiệp mới được rất nhiều người trên thế giới theo đuổi, thậm chí còn trở thành một nghề được rất nhiều người trẻ mơ ước.
Minh Hải