ISSN-2815-5823

Chùa Bà Thiên Hậu: Di tích kiến trúc tiêu biểu của người Hoa ở Trà Vinh

(KDPT) – Thiên Hậu Cung (Chùa Bà Thiên Hậu) là di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh, tọa lạc ở khóm V, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần. Di tích này được xây dựng cách nay hơn 180 năm, là một công trình nghệ thuật của đồng bào Hoa ở Tiểu Cần nói riêng và Trà Vinh nói chung. Là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc Hoa.

Một góc Thiên Hậu Cung nhìn từ cổng vào.

Thiên Hậu Cung được xây cất rất đơn sơ vào năm 1897 theo hình thức kiến trúc điện mẫu mang đậm nét Trung Hoa. Năm 1900, Ban hội Thiên Hậu Cung tiến hành tu bổ quy mô, kiên cố và có kiểu dáng kiến trúc như bây giờ. Qua hơn 100 năm xây dựng và nhiều lần trùng tu, nhưng chùa Bà Thiên Hậu vẫn giữ nguyên bản những hoa văn kiến trúc là những nét tiêu biểu của nhất lý âm dương và cũng là đặc trưng của lối kiến trúc theo phong cách phương đông vừa cổ kính vừa uy nghiêm trang trọng.

Thiên Hậu Cung gồm ba công trình kiến trúc chính là tiền điện, trung điện và chính điện. Cửa chùa bằng gỗ vẽ hình tượng môn thần Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung nhằm bảo vệ bình yên cho chùa. Phía trên cửa chính của chùa có tấm biển làm bằng đá chạm chìm ba chữ Hán đại tự Thiên Hậu Cung theo hàng ngang. Hai bên tấm biển có hai hàng chữ dọc: Quang Tự Canh Tý trọng thu cát nhật (dịch là ngày lành tháng 8 năm Canh Tý 1900, niên hiệu Quang Tự) và Quảng Triệu Mân tổ xướng kiến Phúc Sơn khu Quảng Triệu hội phụng (dịch là Tổ tiên bang hội Quảng Triệu, Phước Kiến khởi xướng xây dựng, hội Quảng Triệu, khu Phúc Sơn cúng). Mái chùa thiết kế tầng bậc, lợp ngói âm dương tiểu đại tráng men mặt trên. Ngói lợp và ngói bịt đầu mái đều tráng men màu xanh ngọc.

Trên mái chùa trang trí tượng nhật thần, nguyệt thần, biểu trưng cho sự sáng sủa, hanh thông. Trên con lương gắn tượng song long tranh châu, đồ án biểu thị cho vận hội tốt lành, cho phát triển mạnh mẽ và mang lại sự may mắn, thịnh vượng. Thân cột thì chạm khắc các câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi công đức bà Thiên Hậu. Ở các đầu xà, trụ đội bằng gỗ nối từ cột hàng hai ra cột hàng ba chạm khắc, sơn phết hoa lá, muông thú và ghép các mảng phù điêu chạm khắc rồng rất đặc sắc. Mặt chính của chùa có một cửa ra vào điện thờ. Trên vách trang trí các phù điêu, tranh vẽ, các mảng chạm khắc đề tài thất hiền, thế thiên hành đạo, gia quan, tiến lộc, tích truyện Lương Sơn Bạc… Bên trong trung điện có hai cửa hông đối diện nhau thông ra đông lang và tây lang, hợp cùng hai cửa trước của đông lang, tây lang tạo thành ngũ môn kín. Khung sườn chịu lực trước đây làm bằng gỗ, vách tường.

Kiến trúc Thiên Hậu Cung được thiết kế theo kiểu “nội công ngoại quốc”, mặt quay về hướng Tây ra Quốc lộ 54. Mặt bằng tổng thể Thiên Hậu Cung gồm ba tòa nhà nằm ngang song song là tiền điện, trung điện và chính điện. Dọc hai bên là hai dãy nhà đông lang, tây lang hướng vào ba tòa nhà này tạo thành một công trình khép kín như hình chữ “khẩu”.

Dãy nhà Tây lang được cải tạo lại vào năm 1938 để làm nơi dạy Pháp ngữ, còn dãy nhà Đông lang cũng được cải tạo thành nơi dạy Hoa ngữ sau năm 1975.

Nội thất chùa có bình phong quốc thái dân an, thuyền từ hàng, linh vị Thái Hậu Nguyên Quân, cuốn thư thánh đức từ hàng, hoành phi ân đức đồng lưu, hậu đức phối thiên, thụ phúc vô cương, đức bị hải ngung, hộ quốc tí dân, trạch cập đồng nhân, ân ba quảng vận, thánh ân hoành thí, hậu đức phối thiên, hải quốc từ vân, ba lãng trừng thanh, hàm hoành quang đại, cộng đái bồ điền, trạch lai thiên nam cùng liễn đối bằng gỗ chạm khắc rất kỳ công, độc đáo. Trên vách trang trí phù điêu đồ án bát tiên kỵ thú, trên cột vẽ ngư hóa long. Nội thất được bố trí nhiều bàn thờ, khánh thờ như: Môn Quan, Thổ Địa, Xích Thố, Thần Tài, Quan Thánh, Thiên Hậu cùng và các bàn hoa quả, ngũ sự được chạm trổ sơn son thếp vàng đề tài song long tranh châu, song phụng, tích truyện, cảnh vật, muông thú…cùng cùng dàn lệnh bài (biển), đỉnh, trống, chuông, lư hương, bài vị, lộng, quạt. Hiện tại, Thiên Hậu Cung lưu giữ 51 hiện vật, trong đó có 39 cổ vật có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, khoa học nghệ thuật.

Hằng năm, Thiên Hậu Cung có nhiều lễ tiết nhưng trong đó lễ Làm chay – Vía Bà Thiên Hậu từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 được tổ chức quy mô, long trọng nhất, thu hút đông đảo bà con trong vùng về đây giao lưu cộng cảm, trao truyền đạo lý trở thành phong tục tốt đẹp. Đối tượng thờ tự ở Thiên Hậu Cung là tín ngưỡng thờ cúng Bà Thiên Hậu giữ vai trò trung tâm trong đời sống tâm linh của đồng bào người Hoa. Ngoài ra, Chùa Bà Thiên Hậu còn thờ Quan Thánh Đế Quân; Tài Bạch Tinh Quân; Môn Quan Thần, Thổ Địa Thần… Chùa khắc họa những tranh vẽ, điêu khắc lấy từ những câu chuyện điển hình tích Trung Hoa như: Bát tiên quá hải, Hội bàn đào, Tây du ký, Võ Tòng đả hổ, Lưỡng long tranh châu, Cá chép hóa rồng, Tượng quan văn, quan võ…

Ngày 22/10/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tiểu Cần tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích Thiên Hậu Cung (Chùa bà Thiên Hậu), là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 2806/QĐ-UBND ngày 24/7/2020 của UBND tỉnh

LÂM KHANH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024