ISSN-2815-5823

Chưa dứt “lùm xùm” tại Việt Nam, Nestlé tiếp tục bị phanh phui bê bối tại Pháp

(KDPT) - Với liên tiếp những tai tiếng tại cả Pháp và Việt Nam, Nestlé đang đối mặt với khủng hoảng uy tín nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Thượng viện Pháp vừa công bố kết quả điều tra về bê bối liên quan đến quy trình xử lý nước khoáng Perrier – thương hiệu nổi tiếng thuộc tập đoàn Nestlé.

Nestlé "mập mờ" danh xưng nước khoáng thiên nhiên giữa tâm bão điều tra

Một báo cáo do Ủy ban điều tra của Thượng viện Pháp thực hiện cho biết, Nestlé đã cố tình che giấu các sai phạm trong quy trình xử lý nước khoáng. Báo cáo này là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 6 tháng, với hơn 70 phiên điều trần.

Theo báo cáo, vào cuối năm 2020, ban lãnh đạo mới của Nestlé Waters thừa nhận đã phát hiện việc sử dụng các phương pháp xử lý bị cấm tại các cơ sở sản xuất nước khoáng Perrier, Hépar và Contrex.

Nestlé bị nghi ngờ lợi dụng sự mập mờ giữa nước khoáng thiên nhiên và nước lọc để thu về hàng trăm triệu euro. (Ảnh: AP)
Nestlé bị nghi ngờ lợi dụng sự mập mờ giữa nước khoáng thiên nhiên và nước lọc để thu về hàng trăm triệu euro. (Ảnh: AP)

Đến giữa năm 2021, Nestlé Waters đã trình lên Chính phủ Pháp kế hoạch thay thế các phương pháp xử lý bị cấm như tia cực tím và bộ lọc than hoạt tính bằng công nghệ lọc vi mô. Kế hoạch này sau đó được chính quyền phê duyệt. Phương pháp lọc vi mô có thể loại bỏ các chất như sắt hoặc mangan, song nhà sản xuất phải chứng minh rằng đặc tính tự nhiên của nước không bị thay đổi.

Theo quy định của Liên minh châu Âu, nước khoáng thiên nhiên không được phép khử trùng hoặc xử lý bằng bất kỳ phương pháp nào làm thay đổi đặc tính vốn có của nước.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết mặc dù Nestlé Waters đã vi phạm các quy định này, Chính phủ Pháp vẫn chưa có bất kỳ hành động pháp lý nào để xử lý vụ việc.

Năm 2024, Nestlé Waters thừa nhận đã sử dụng các bộ lọc bị cấm và xử lý nước khoáng bằng tia cực tím – những phương pháp không được phép theo quy định. Để tránh bị truy tố, công ty đã nộp khoản tiền phạt 2 triệu euro (tương đương 2,2 triệu USD).

Một cơ quan giám sát thực phẩm độc lập sau đó đã đệ đơn khiếu nại, cáo buộc Nestlé Waters lừa dối người tiêu dùng.

Perrier – một trong những thương hiệu nước khoáng nổi tiếng nhất thế giới có nguồn gốc từ một con suối ở miền Nam nước Pháp, và đã được Nestlé mua lại vào đầu những năm 1990.

Bên cạnh bê bối nước khoáng, Nestlé cũng đối mặt với áp lực dư luận tại Pháp khi công ty con tại nước này bị cáo buộc liên quan đến vụ nhiễm khuẩn pizza mang thương hiệu Buitoni, nghi là nguyên nhân khiến 2 trẻ em tử vong vào năm 2022.

Ngày 13/2, một thẩm phán Pháp đã mở cuộc điều tra về hành vi gian lận đối với hai tập đoàn lớn trong ngành nước khoáng: Nestlé và Sources Alma. Cả hai bị cáo buộc đã sử dụng các phương pháp xử lý bất hợp pháp trong quá trình sản xuất nước khoáng. Cuộc điều tra được tiến hành sau khi tổ chức giám sát người tiêu dùng Foodwatch đệ đơn khiếu nại chính thức, nhắm vào Nestlé Waters (với các thương hiệu như Perrier, Contrex và Vittel) và Sources Alma – nhà sản xuất nước khoáng lớn nhất tại Pháp.

Trong đơn khiếu nại, Foodwatch cáo buộc hai tập đoàn này đã lừa dối người tiêu dùng về chất lượng nước. Giám đốc điều hành của tổ chức, bà Karine Jacquemart, bày tỏ hy vọng cuộc điều tra sẽ làm rõ toàn bộ trách nhiệm của Nestlé Waters, Sources Alma cũng như vai trò của các cơ quan chức năng liên quan.

Ngoài ra, một nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác – CLCV – cũng đã nộp đơn khiếu nại và hiện đang được các thẩm phán xem xét.

Nestlé vướng lùm xùm quảng cáo "kiểm nghiệm lâm sàng" tại Việt Nam

Ngày 19/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã tiếp nhận phản ánh từ truyền thông về việc sản phẩm Nestlé Milo có nội dung quảng cáo liên quan đến báo cáo thử nghiệm lâm sàng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Dựa trên quy định tại Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP – quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm – Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đề nghị kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật.

Cục cũng yêu cầu Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẩn trương rà soát, kiểm tra nội dung truyền thông và quảng cáo liên quan đến sản phẩm này, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định 15/2018 và Chỉ thị 17/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm.

Dòng quảng cáo
Dòng quảng cáo "Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng" xuất hiện trên bao bì sản phẩm sữa Milo.

Trên bao bì của sản phẩm sữa MILO uống liền do Nestlé Việt Nam sản xuất xuất hiện dòng quảng cáo: "Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng."

Trước những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã phát đi thông cáo báo chí, khẳng định việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học do Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện trong giai đoạn 2022–2023 là "chính xác, khách quan và tuân thủ đúng các quy định hiện hành".

Tuy nhiên, theo phía Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đơn vị này đã phối hợp với Nestlé Việt Nam thực hiện một đề tài nghiên cứu mang tên: "Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé MILO đến tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học ở tỉnh Ninh Bình". Theo kết quả nghiên cứu, sau 3 tháng triển khai, không ghi nhận được hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và trí lực của học sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sản phẩm đã góp phần cải thiện toàn diện các yếu tố thể lực của học sinh tiểu học, bao gồm sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và sự khéo léo.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc Nestlé in tên Viện Dinh dưỡng Quốc gia trên bao bì sản phẩm sữa Milo lúa mạch là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, hành vi này được cho là trái với quy định về nội dung quảng cáo tại khoản 2, Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm), cũng như điểm d, khoản 2, Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-BYT về xác nhận nội dung quảng cáo các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Gần đây, cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo về một số hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, bao gồm: thổi phồng công dụng, quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh, và đưa ra nội dung sai lệch so với hồ sơ công bố.

Đáng chú ý, tình trạng một số cá nhân mặc áo blouse trắng xuất hiện trong các quảng cáo thực phẩm chức năng cũng đang gây lo ngại trong dư luận. Hình ảnh này dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm đã được bác sĩ chứng nhận hoặc có tác dụng điều trị bệnh. Nhiều sản phẩm còn được quảng bá với cụm từ như "bác sĩ khuyên dùng", góp phần làm sai lệch nhận thức của người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/06/2025