Chung tay giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp
Khí thải nhà kính là nguyên nhân chính
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khí thải nhà kính được coi là nguyên nhân chủ yếu làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp phát thải khoảng 30% lượng khí nhà kính, tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực: Trồng lúa nước (phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi, chiếm 50%); chăn nuôi (18,5 triệu tấn, chiếm 19%), quản lý đất và sử dụng phân bón (13,2 triệu tấn, chiếm 13%), các lĩnh vực khác chiếm 18%.
Những năm gần đây, trên phạm vi cả nước đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi góp phần nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao của trồng trọt làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc; trồng lúa, rau hữu cơ giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.
Tại Tọa đàm 'Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp' diễn ra mới đây, Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp đưa ra ví dụ tại tỉnh Bắc Ninh, để giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tích tụ đất đai để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trang trại của từng vùng, từng địa phương.
Ngành nông nghiệp tích cực triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là nguyên liệu của quá trình khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính ra môi trường.
Ông Trịnh khẳng định, để giải quyết tình trạng nóng lên của trái đất, việc giảm khí thải nhà kính nhận được nhiều sự quan tâm và đồng thuận cao của các tổ chức trong nước và thế giới. Điều đó thúc đẩy sự quan tâm tới các giải pháp làm giảm thiểu khí thải nhà kính hướng tới nông nghiệp thông minh.
Đẩy mạnh lộ trình giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050
Theo Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), với bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất thế giới trước các tác động của khí hậu, ảnh hưởng tới 100 triệu dân.
Việt Nam cần ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt các mục tiêu phát triển như Chương trình cấp vùng cho Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào bảo vệ bờ biển và hỗ trợ sinh kế cho nông dân.
Chính phủ Việt Nam tích cực thúc đẩy sự phát triển của nguồn năng lượng xanh, bền vững, cung cấp cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường.
Đối với ngành nông nghiệp, nhu cầu giảm phát thải khí mê-tan từ nông nghiệp ngày càng trở nên cấp bách. Các nỗ lực cần được thực hiện để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050; giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030.
Theo đó, trong chăn nuôi cần khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến như Biogas và Biomass để chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành năng lượng tái tạo, giúp giảm phát thải mêtan đáng kể. Đối với lĩnh vực trồng trọt, giảm phát thải khí N2O từ việc bón phân đạm không hiệu quả cho các loại cây trồng; sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ, giảm sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Song song với đó, nghiên cứu khoa học là yếu tố quyết định để phát triển các công nghệ tiên tiến và đưa ra những giải pháp sáng tạo trong việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng sạch một cách hiệu quả.
Chuyển giao công nghệ là bước tiếp nối quan trọng để đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất.
Việc chuyển giao công nghệ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu, tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh doanh bền vững. Quá trình này còn tạo ra cơ hội hợp tác quốc tế, giúp Việt Nam tiếp thu những kinh nghiệm quý từ các quốc gia phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo./.
- Doanh nghiệp dệt may chịu sức ép lớn trong việc "xanh hóa" sản xuất
- Doanh nhân, doanh nghiệp đứng trước thách thức và cơ hội chuyển đổi xanh