ISSN-2815-5823

Chuyển đổi số ngành Thuế: Ứng dụng dữ liệu lớn vào quản lý thuế

Cover image
(KDPT) - Tại Việt Nam, ngành thuế là một trong những ngành đi đầu về chuyển đổi số và ứng dụng dữ liệu lớn, bước đầu gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng.
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam bùng nổ Chuyển đổi số trong đầu tư chứng khoán sẽ hút nhiều tỷ USD vào thị trường chứng khoán VN

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, tại Việt Nam, quá trình thực hiện chuyển đổi số, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp trên tất cả lĩnh vực, trong cả khối nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Các nền tảng số ứng dụng đang được phát triển mạnh mẽ, tập trung vào nội dung cốt lõi là dữ liệu. Trong các cơ quan nhà nước, Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số đã xác định dữ liệu là yếu tố trọng tâm. Trong xã hội, các doanh nghiệp đang tăng cường ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; dữ liệu được tạo ra ngày càng nhiều, ở khắp mọi nơi với nội dung phong phú, đa dạng.

Mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, hay doanh nghiệp có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế. Đây là một trong những lợi ích to lớn nếu áp dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành tài chính.

Quản lý tài sản nhà nước trên một nền tảng, nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp và cá nhân trên một hệ thống, hay thực hiện công tác kế toán của các đơn vị sự nghiệp trên một nền tảng, dữ liệu lớn đang ngày cảng trở thành một đòi hỏi thiết yếu với ngành tài chính. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu ngành tài chính là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia đang được tiến hành xây dựng và hoàn thiện, không chỉ để nâng cao hiệu quả quản lý, phát hiện, hạn chế rủi ro, mà còn giúp người dân và doanh nghiệp tiến gần hơn tới một xã hội số.

Ngành Thuế đẩy mạnh chuyển đổi số. (Ảnh: VGP)

Bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, việc chuyển đổi số và ứng dụng dữ liệu số đã góp phần tăng cường huy động nguồn lực ngân sách. Tính đến tháng 6/2023, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế; số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế nhận và xử lý đạt hơn 4,22 tỷ hóa đơn. Về hải quan, đã có 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia với 63.000 doanh nghiệp tham gia.

Ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) vào quản lý thuế

75% là mức độ sẵn sàng của Bộ Tài chính trong ứng dụng dữ liệu lớn. Đây là con số được chia sẻ tại sự kiện Digital Finance 2023 chủ đề "Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững" do Bộ Tài chính tổ chức ngày 21/9. Con số này được đánh giá là mức cao so với nhiều quốc gia ở thời điểm trước khi triển khai ứng dụng dữ liệu lớn.

Sự kiện Digital Finance 2023 chủ đề "Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững" do Bộ Tài chính tổ chức ngày 21/9.

Thực tế kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của ứng dụng dữ liệu lớn với ngành tài chính. Như tại Mỹ, nhờ dữ liệu lớn trên mạng xã hội, cơ quan thuế đã chứng minh được cá nhân có lối sống xa hoa hơn hồ sơ thuế khai báo, nhờ đó tránh thất thoát được 300 tỷ USD hàng năm.

Tại Mexico, áp dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập lượng lớn dữ liệu từ hóa đơn điện tử theo thời gian thực ước tính giúp GDP nước này tăng thêm 3%. Tại Việt Nam, ngành thuế cũng là một trong những ngành đi đầu về chuyển đổi số và ứng dụng dữ liệu lớn, bước đầu gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng.

Với một chiếc di dộng có kết nối Internet, người dùng có thể đặt hàng, dịch vụ ở bất cứ đâu. Sự thuận tiện của người dùng, nhưng lại khiến ngành thuế gặp khó khăn trong công tác quản lý. Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển như hiện nay đặt ra bài toán cần làm gì để quản lý tốt nguồn thu thuế và giải pháp tối ưu là phải thu thập đầy đủ dữ liệu của người dùng.

Dữ liệu ở đây bao gồm: tên, địa chỉ, căn cước công dân, mã số thuế, email, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, giá trị giao dịch, hay các hóa đơn…

Đến nay, cổng thông tin thương mại điện tử trong nước đã tiếp nhận được được các thông tin của 191.000 cá nhân kinh doanh trên 300 sàn thương mại điện tử trong nước.

"Theo định kỳ hàng quý, các sàn phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan thuế. Chất lượng hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát và hướng dẫn cho các sàn thương mại điện tử cung cấp đầy đủ dữ liệu", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết.

Đối với dịch vụ xuyên biên giới, từ tháng 3/2022 đến hết tháng 7 năm nay, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài nộp 9.281 tỷ đồng qua cổng thông tin riêng.

Các dữ liệu từ gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ cá nhân kinh doanh cũng được ngành thuế số hóa. Các dữ liệu này sẽ được ngành thuế kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành.

Ngoài ra, các dữ liệu cũng giúp chống thất thu thuế. Bởi trí tuệ nhân tạo có thể phân tích các số liệu và chỉ ra những trường hợp rủi ro.

"Chúng tôi phải phân tích tên hàng hóa, dịch vụ bằng công nghệ phân tích ngôn ngữ tự nhiên để có thể lọc ra những hóa đơn có cùng một loại hàng hóa, dịch vụ, từ đó là cái căn cứ để chúng tôi có thể tìm ra được những cái giá bất thường trong những loại hàng hóa dịch vụ đó", bà Nguyễn Thu Trà, Trưởng Ban quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho hay.

Thời gian tới, ngành thuế sẽ dùng căn cước công dân làm mã số thuế, bỏ mã số thuế cá nhân. Đây là cơ sở để kết nối dữ liệu các bộ ngành thành công.

Nâng cao quản trị dữ liệu lớn ngành tài chính

Tiềm năng và lợi ích triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia ngành tài chính đã thấy rõ, nhưng rõ ràng thách thức là không nhỏ, đặc biệt khi công nghệ dữ liệu lớn đang ngày càng thay đổi chóng mặt. Vì vậy, việc quản trị dữ liệu lớn hiệu quả và ngăn chặn các rủi ro bảo mật sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu.

Quản lý tài sản nhà nước trên một nền tảng, nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp và cá nhân trên một hệ thống, hay thực hiện công tác kế toán của các đơn vị sự nghiệp trên một nền tảng, dữ liệu lớn đang ngày cảng trở thành một đòi hỏi thiết yếu với ngành tài chính. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu ngành tài chính là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia đang được tiến hành xây dựng và hoàn thiện, không chỉ để nâng cao hiệu quả quản lý, phát hiện, hạn chế rủi ro, mà còn giúp người dân và doanh nghiệp tiến gần hơn tới một xã hội số.

Dữ liệu số, trước tiên phải cập nhật sát thực tế, bởi ước tính, cứ 1 giờ đồng hồ lại có 20 doanh nghiệp đăng ký mới, 150 số điện thoại doanh nghiệp thay đổi hoặc mất kết nối và 548 cá nhân thay đổi địa chỉ.

Bên cạnh hội thảo, các doanh nghiệp trưng bày nhiều sản phẩm công nghệ.

"Bộ Tài chính sẽ phải đưa ra các quy trình, quy định bắt buộc về chính sách cập nhật, làm sạch dữ liệu thời gian tới. Đó là hướng giải pháp để Bộ Tài chính xây dựng nền tảng dữ liệu tập trung", ông Nguyễn Khắc Xuân Bách, Giám đốc Dữ liệu & Phân tích, SVTech cho biết.

"Hệ thống tích hợp bên thứ ba như bán hàng, bảo hiểm, với quy mô lớn như vậy mà tồn tại lỗ hổng thông tin thì rất dễ bị đối tượng xấu khai thác", ông Đinh Văn Kiệt, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm Thế hệ mới, Công ty An ninh mạng Viettel nhận định.

Dữ liệu lớn không chỉ cần đúng về công nghệ, mà còn phải đúng cả về quy trình, đúng quy định pháp luật.

"Như Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra luật bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ dữ liệu. Khai thác dữ liệu thì dễ nhưng làm sao để tuân thủ? Phải xây dựng quy định quy chế hướng dẫn về khai thác và chia sẻ dữ liệu. Kể cả dữ liệu trong và ngoài Việt Nam, chúng ta phải xây dựng cơ chế chính sách để chuẩn hóa", ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc các giải pháp Khang Phần mềm, IBM Việt Nam nêu quan điểm.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng một cổng thông tin điện toán đám mây với khả năng tích hợp đầy đủ để các bộ, ngành, Chính phủ và người dân, doanh nghiệp đều có thể truy cập. Theo đó, các phương pháp ủy quyền, xác thực người dùng sẽ được áp dụng để định danh và quản lý rủi ro.

Bên cạnh mục tiêu 100% thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến vào năm 2025, một mục tiêu được Bộ Tài chính đặt ra còn là tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Bộ phải đạt tối thiểu 90%.

Như vậy, rõ ràng bên cạnh yếu tố công nghệ, bảo mật, hay hành lang pháp lý thông suốt, xét cho cùng, đo đếm được sự hài lòng của các đối tượng sử dụng dịch vụ vẫn sẽ đóng vai trò quyết định trong sự thành công của quá trình chuyển đổi số ngành tài chính thời gian tới./.

BẢO TRUNG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 02/05/2024