Chuyển đổi xanh – Cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế
Sáng ngày 20/5, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (HVNCLC) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp chuyển đổi Xanh để giữ vững lợi thế cạnh tranh gia tăng xuất khẩu trong giai đoạn mới” và triển khai Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Xanh lần thứ 11 – năm 2025”.
Chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn
Hội thảo “Doanh nghiệp chuyển đổi Xanh để giữ vững lợi thế cạnh tranh gia tăng xuất khẩu trong giai đoạn mới” thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, doanh nhân, nhà quản lý và đại diện các tổ chức hỗ trợ phát triển bền vững. Đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ Đề án 25 về “Đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược, quan trọng".

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm – Giám đốc Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) VCCI nhấn mạnh, các thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe hơn với các tiêu chuẩn về môi trường, như chứng nhận sản phẩm hữu cơ, dấu chân carbon thấp... Nếu không nhanh chóng thích ứng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi "cuộc chơi". Chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản... đang ngày càng áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn. Những quy định như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu, yêu cầu về chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có carbon thấp… Nếu không kịp điều chỉnh, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật.
Một trong những giải pháp quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu là xây dựng và truyền thông số hiệu quả câu chuyện "xanh" của mình.
Nhận định về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thành – đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng mạnh mẽ hiện nay với các nhu cầu gia tăng và ngày càng cao về xuất khẩu trực tuyến, tập trung vào thị trường ngách. Thương mại số cũng như phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững trong một xu hướng tiêu dùng bền vững. Biểu hiện cụ thể là người tiêu dùng ngày càng hạn chế sử dụng các mặt hàng tác động tiêu cực tới môi trường cũng như chú ý hơn tới thương hiệu, mục tiêu kép của sản phẩm xanh và sạch hiện nay…

Theo ông Nguyễn Văn Thành, thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam ta năm 2022 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước. Dự báo đến năm 2027 con số này có thể đạt 5,5 tỷ USD. Thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
“Tuy nhiên, chúng ta đang gặp phải một số hạn chế, như thiếu nguồn nhân lực số chất lượng cao, chi phí logistics cao, thiếu tiêu chuẩn hóa sản phẩm và thủ tục hành chính còn phức tạp", ông Nguyễn Văn Thành cho biết.
“Dự án Khởi nghiệp Xanh” – phát hiện những dự án tác động xã hội
Phát biểu tại chương trình triển khai Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh, bà Vũ Kim Anh – Phó Giám đốc Trung tâm BSA, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Xanh” đã bước sang năm thứ 11 – một hành trình không chỉ dài về thời gian, mà còn sâu sắc về giá trị.
Từ một sân chơi khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, giờ đây “Dự án Khởi nghiệp Xanh” đã trở thành một nền tảng kết nối, lan tỏa những mô hình phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.
“Điều khiến chúng tôi luôn tâm huyết duy trì và đổi mới cuộc thi này chính là tinh thần đổi mới sáng tạo, sự kiên trì và bản lĩnh của những người trẻ khởi nghiệp, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa – nơi mà khởi nghiệp không chỉ là làm kinh tế, mà còn là giữ gìn văn hóa, bảo vệ tài nguyên và khơi dậy nội lực địa phương”, bà Vũ Kim Anh nói.

Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Xanh” nhằm tìm kiếm và ươm mầm các mô hình khởi nghiệp trên phạm vi toàn quốc, hướng đến phát triển bền vững trong các lĩnh vực: Nông nghiệp sạch, công nghệ chế biến, du lịch cộng đồng, kinh tế tuần hoàn và các mô hình sinh kế thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh doanh tạo tác động xã hội và bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.
Nét mới của Cuộc thi năm nay là mở rộng đối tượng tham gia đến các nhóm thanh niên, sinh viên, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở mọi vùng miền; mở rộng phạm vi và nội dung cuộc thi, chú trọng hơn đến các mô hình khởi nghiệp xanh có yếu tố công nghệ, du lịch sinh thái, hay áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn.
Cơ cấu giải thưởng hấp dẫn với tổng giá trị lên đến gần 1 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt và các gói hỗ trợ truyền thông, đào tạo, kết nối thị trường, các study tour, khóa tập huấn… Ban tổ chức cam kết không chỉ dừng lại ở việc “chấm và trao giải”, mà sẽ đồng hành cùng các đội thi qua nhiều hoạt động huấn luyện, tư vấn, kết nối thị trường và gọi vốn sau cuộc thi./.
- Cần khung pháp lý minh bạch, ổn định để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh
- Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh: Chìa khóa cho sự phát triển bền vững