ISSN-2815-5823

Cần khung pháp lý minh bạch, ổn định để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh

(KDPT) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa xanh, chuyển đổi năng lượng xanh không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt giữ được thị trường, bảo vệ thương hiệu và ổn định sản xuất.

Nhằm “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”, ngày 15/5, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu ứng dụng năng lượng thông minh (iSEAR) tổ chức diễn đàn thảo luận về vấn đề này.

Diễn đàn thu hút sự tham dự từ các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư khu công nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, cùng chuyên gia, nhà khoa học.

Chuyển đổi năng lượng xanh là tất yếu

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ sẽ phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật về môi trường ngày càng siết chặt. Cụ thể, từ ngày 1/1/2026, cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) của EU chính thức có hiệu lực. Điều này buộc các sản phẩm phát thải cao như thép, xi-măng, nhôm… nếu không giảm khí thải, sẽ phải mua chứng chỉ CBAM tương ứng khi xuất khẩu - làm tăng chi phí và giảm cạnh tranh.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại diễn đàn.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại diễn đàn.

Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” đã tập trung thảo luận về những thuận lợi và khó khăn khi đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại nhà máy, nhà xưởng khu chế xuất, quy định hiện hành về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) chưa được thực hiện hóa ở nhiều khu công nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh: “Việt Nam tái khẳng định cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, điều này không chỉ là tuyên bố chính trị mà đã được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách pháp lý đột phá”.

Năm 2025, Việt Nam đặt ra mục tiêu đầy tham vọng với tốc độ tăng trường GDP đạt 8% và giai đoạn 2026 – 2030 phấn đấu ở mức hai con số, đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần (tương ứng mỗi năm cần bổ sung từ 8.000 – 10.000 MW). Đây là thách thức lớn, đòi hỏi cần có giải pháp nhanh chóng phát triển nguồn điện, nhất là các nguồn năng lượng phân tán, có yếu tố bổ sung nhanh như nguồn điện mặt trời mái nhà.

Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đã có những thay đổi đáng chú ý về công suất, cấu trúc nguồn điện và định hướng khai thác năng lượng tái tạo, nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên hiện tại, doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn chưa mặn mà khi đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà, do sức hấp dẫn đầu tư về mô hình này chưa cao, khiến sự chuyển dịch năng lượng xanh còn ì ạch, chưa đạt như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, với các trường hợp mua bán điện trực tiếp theo cơ chế DPPA các cơ quan, tổ chức, vẫn gặp các vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính khác tại Sở Công Thương của tỉnh khi nộp hồ sơ xin đăng ký, phát triển dự án. Cụ thể như  giấy phép về chủ trương đầu tư và các hướng dẫn chưa rõ ràng nên doanh nghiệp chưa thể triển khai được.

Việc thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện các thỏa thuận Xanh của EU đang tạo ra những thay đổi lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích mô hình này, nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đồng thời, doanh nghiệp đề xuất các Bộ ban ngành sớm hoàn thiện các quy định, thông tư, hướng dẫn rõ ràng về cơ chế DPPA, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong trong sản xuất.

Còn nhiều vướng mắc...

Việt Nam hiện có khoảng 419 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó, 381 khu đang hoạt động; khoảng 900 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó 700 cụm đã đi vào hoạt động, có khoảng trên 40.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp.

Với lợi thế diện tích mái nhà xưởng rộng lớn và nhu cầu tiêu thụ điện cao tập trung, tiềm năng khai thác điện mặt trời áp mái tại các khu, cụm công nghiệp là rất lớn. Phát triển điện mái nhà mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó với doanh nghiệp, sẽ giảm chi phí điện năng trong dài hạn, đồng thời đem lại giá trị về môi trường và thương hiệu cho doanh nghiệp.

Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”.
Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, sử dụng điện mặt trời mái nhà sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao nguồn lực, tiết giảm chi phí và đáp ứng được yêu cầu tại các thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đến.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Nghị - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, chính sách ưu đãi hiện chỉ tập trung vào miễn giảm tiền thuê đất, trong khi các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không trực tiếp thuê đất từ nhà nước mà thông qua chủ đầu tư hạ tầng. Điều này khiến các dự án điện mặt trời mái nhà thiếu hấp dẫn, không có ưu đãi cụ thể về tín dụng hay khấu trừ chi phí đầu tư.

Trước những vướng mắc trong đầu tư lắp đặt, đại diện các doanh nghiệp đề xuất các cơ quan nhà nước thực thi hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm trong việc hướng dẫn triển khai Nghị định số 57/2025/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế mua điện trực tiếp (DPPA); đồng thời đề xuất các Bộ, ngành nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Cụ thể bỏ quy định cần có hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển với các dự án có công suất từ 100 kW trở lên bởi nếu lắp đặt thêm hệ thống giám sát, điều khiển sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho khách hàng sử dụng điện cũng như tạo gánh nặng đầu tư cho hạ tầng lưới điện của EVN để kết nối hệ thống. Hiện tại cũng chưa có nghiên cứu với con số đánh giá cụ thể về hiệu quả của hệ thống này thế nào, phù hợp ra sao và tạo thêm lợi ích kinh tế gì.

Theo ban tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”, diễn đàn đã tập hợp được nhiều góp ý quan trọng, góp phần xây dựng chính sách, thúc đẩy hình thành một khung pháp lý ổn định, nhất quán và minh bạch, giúp doanh nghiệp không chỉ chủ động trong chiến lược năng lượng mà còn tạo điều kiện khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, người dân đầu tư lắp đặt ĐMTMN để phục vụ kinh doanh, sản xuất và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/06/2025