Chuyển đổi xanh - Hướng đi bền vững của ngành điện tử, máy móc và công nghiệp hỗ trợ
Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 34 - VIETNAM EXPO 2025 (được tổ chức từ ngày 2-5/4/2025 tại Hà Nội) dành riêng một khu vực trưng bày cho các sản phẩm điện tử, máy móc và công nghiệp hỗ trợ. Tại đây, hàng trăm doanh nghiệp mang đến các sản phẩm tiên tiến, đặc sắc để giới thiệu đến khách tham quan, đối tác trong và ngoài nước. Đây là một cam kết của hội chợ đồng hành chuyển đổi xanh cùng doanh nghiệp
Vai trò chủ lực trong nền kinh tế
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đạt 126,5 tỷ USD, đóng góp hơn 1/3 vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (405 tỷ USD). Cụ thể, ngành hàng máy tính, điện tử và linh kiện đạt 72,56 tỷ USD, tăng 26,6%; còn điện thoại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2023. Con số này thể hiện nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi, đồng thời năng lực sản xuất của các nhà cung ứng trong nước cũng được nâng cao.

Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Ngành cơ khí, máy móc và thiết bị trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Trong bối cảnh ngành điện tử, máy móc gặt hái được nhiều thành tựu, ngành công nghiệp hỗ trợ lại có mối liên hệ mật thiết, không chỉ đóng vai trò cung cấp nguyên liệu đầu vào mà còn tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam ở mức thấp, chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp, chiếm 0,2% trong tổng số khoảng 1 triệu doanh nghiệp (Theo Vietnam Briefing).
Do vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn rất nhiều dư địa để khai thác và lợi thế để bứt phá hơn nữa. Bên cạnh đó, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, các chính sách mới của Chính phủ, cùng sự xuất hiện của các diễn đàn, triển lãm quảng bá sản phẩm điện tử, máy móc và công nghiệp hỗ trợ, kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để các doanh nghiệp trong ngành trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế.
Hướng đi bền vững cho sản phẩm điện tử, máy móc và công nghiệp hỗ trợ
Hiện nay, hơn 130 nước đã cam kết mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, trong đó có Việt Nam. chuyển đổi xanh không chỉ là nhu cầu tất yếu mà còn là hướng đi mang tính cam kết, vì một nền kinh tế phát triển bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp trong nước cần tìm kiếm giải pháp để hướng đến sản xuất những sản phẩm thông minh, xuất khẩu có giá trị cao, điều này lại càng quan trọng đối với ngành điện tử, máy móc, công nghiệp.

Điểm sáng là thời gian gần đây, Chính phủ dành nhiều chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp trong ngành tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung khai thác, phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường, điển hình là việc lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các nhà xưởng, khu công nghiệp giúp ứng phó với tình trạng thiếu điện sản xuất vào mùa nắng nóng.
Để mở rộng tầm nhìn hơn nữa, một cầu nối để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy móc và công nghiệp hỗ trợ, điểm sáng của Hội chợ VIETNAM EXPO 2025 là Khu gian hàng Công nghiệp hỗ trợ được phối hợp tổ chức cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và Khu gian hàng Công nghiệp chủ lực do Hội Doanh nghiệp Sản xuất Sản phẩm Công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội (HAMI) quy tụ nhiều đơn vị sản xuất uy tín trong nước.
Các doanh nghiệp tham gia tại đây không chỉ trưng bày sản phẩm mà còn giới thiệu năng lực sản xuất, từ đó tạo cơ hội tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. Khu gian hàng có sự xuất hiện của Nhôm Việt Pháp, Inox Hoàng Vũ, VINACOMIN, Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long, Hóa chất Khang Việt, Băng keo Hanopro, Cơ khí Thành Long… Không chỉ vậy, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ có cơ hội cọ sát trên cùng “sân chơi” với các doanh nghiệp quốc tế đến từ các quốc gia có thế mạnh về sản xuất công nghiệp như VACSCO, SKFM, TOPES (Hàn Quốc), DSHI (Trung Quốc), NAFTAN, GRODNO AZOT (Belarus)…
Song song đó, VIETNAM EXPO 2025 có các hội thảo cập nhật xu hướng chuyển đổi xanh và chương trình kết nối cung cầu trọng điểm như: Hội thảo “Chuyển đổi Xanh trong sản xuất hàng hóa thúc đẩy Xuất khẩu sang liên minh Châu Âu (EU)” phối hợp cùng Liên đoàn VCCI diễn ra vào sáng thứ Năm, ngày 3/4; Hội thảo kết nối “Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam – Tăng trưởng toàn cầu” cùng AMAZON vào chiều thứ Năm, ngày 3/4; Hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xuất khẩu xuyên biên giới” do Công ty LITA Network phối hợp tổ chức vào sáng 4/4; Hội thảo “Công nghiệp xanh và xuất khẩu thông minh - Hướng đi bền vững trong kỷ nguyên vươn mình” do Hiệp hội HAMI, VINEXAD diễn ra vào chiều 4/4.
Đặc biệt, Chương trình Supply Link: Kết nối cung cầu ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được bố trí thành khu vực gặp gỡ 1-1 (Business matching) với sự tham gia của 10 doanh nghiệp FDI (VIP Buyer) sẽ trưng bày các sản phẩm cần tìm nhà cung cấp (Suppiler) trong nước thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Chương trình do Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA Connect), Hiệp hội VASI, HAMI, INTERLOG phối hợp tổ chức dự kiến sẽ bố trí lịch làm việc chi tiết với khoảng 100 nhà cung cấp Việt nam trong 2 ngày 2/4 và 3/4./.
- Ứng dụng Internet vạn vật trong công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội
- Khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 5 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam VIMEXPO 2024
- Hà Nội đồng hành doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để vượt khó