Chuyên gia chỉ ra 2 nhóm cổ phiếu sẽ “hút tiền” mạnh trong tháng 4
Chuyên gia dự báo diễn biến các nhóm cổ phiếu thời gian tới
Thị trường chứng khoán miệt mài đi lên suốt gần 5 tháng qua với mức tăng 270 điểm để lên mốc 1.290. Việc dòng tiền ồ ạt chảy vào những nhóm cổ phiếu trụ là động lực dẫn dắt VN-Index chinh phục những mốc điểm cao mới. Có thể thấy, thị trường chứng khoán đang được dẫn dắt bởi dòng tiền và sự vận động của dòng tiền là yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá của cổ phiếu.
Phân tích về dòng tiền trên thị trường, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng Phân tích dữ liệu FiinGroup cho rằng, dòng tiền trong tháng 3 đã có sự dịch chuyển rõ rệt. Cụ thể, nhóm bất động sản sau khi dòng tiền “rút về đáy” đã có sự phục hồi đáng kể với tỷ trọng 21,5%, vượt trội hơn so với hai nhóm ngân hàng (17,8%) và chứng khoán (15,5%). Trong khi đó, các ngành như đầu tư công, điện, sản xuất dầu khí dường như vẫn bị dòng tiền lãng quên.
Dự báo về sự dịch chuyển của dòng tiền trong tháng 4 tới, vị chuyên gia đến từ FiinGroup cho biết, nhóm ngành tiếp tục có dòng tiền duy trì sẽ là bất động sản và dầu khí. Trên thực tế, tỷ trọng dòng tiền ở 2 nhóm này đã tăng trở lại trong thời gian gần đây, nhưng vẫn cách khá xa so với đỉnh cũ.
Ngược lại, nhóm ngành có nguy cơ dòng tiền rút ra dự báo là nhóm ngân hàng, chứng khoán và thép. Riêng với nhóm ngân hàng, mặc dù dòng tiền hiện vẫn đang ở mức cao nhưng có dấu hiệu đi xuống rõ rệt trong những tháng gần đây. Với nhóm chứng khoán cũng đã duy trì tỷ trọng thanh khoản cao trong lịch sử, nếu không có yếu tố mới và câu chuyện hỗ trợ sâu rộng hơn cho ngành thì rủi ro dòng tiền rút mạnh là khá lớn. Tương tự, tại nhóm thép cũng có dấu hiệu dòng tiền suy giảm, trong bối cảnh ngành này đang thiếu câu chuyện về FA, việc nhóm này có thể thu hút dòng tiền mạnh trở lại cũng khá chật vật.
Vị chuyên gia cho biết thêm, nhóm ngành theo dõi tín hiệu dòng tiền vào là xây dựng, điện và sản xuất dầu khí. Trong đó, nhóm xây dựng có tỷ trọng thanh khoản đang neo ở vùng đáy dài hạn, trong khi những câu chuyện liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công trong nửa cuối năm kỳ vọng sẽ tích cực hơn nhờ quyết tâm của Chính phủ cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhóm điện cũng có tỷ trọng thanh khoản duy trì ở mức đáy 3 năm. Câu chuyện kỳ vọng cho nhóm ngành này đến từ nhu cầu điện tăng cao trong mùa hè sắp tới và nhóm điện than có thể “gồng gánh” cho thủy điện. Với nhóm sản xuất dầu khí cũng được kỳ vọng có sự phục hồi về cầu, sản xuất, đi lại khi hoạt động sản xuất được kỳ vọng tích cực hơn trong nửa cuối năm.
Cũng đưa ra phân tích về triển vọng các nhóm ngành trong tháng 4, ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Phân tích FIDT cho rằng, nhà đầu tư nên quan tâm tới các nhóm ngành có câu chuyện FA mạnh.
Thứ nhất là, nhóm dầu khí thượng nguồn. Theo vị chuyên gia, mặc dù nhóm này đang bị dòng tiền lãng quên nhưng câu chuyện FID dự án Lô B sẽ được ký kết trong tháng 4 là yếu tố hỗ trợ tích cực giúp nhiều cổ phiếu có thể được hưởng lợi như PVS, PVS, PVB.
Thứ hai là, nhóm chứng khoán. Việc hệ thống KRX dự kiến được đưa vào vận hành từ đầu tháng 5 cùng với triển vọng nâng hạng thị trường vẫn là động lực tăng trưởng chính cho nhóm này. Tuy nhiên, vị chuyên gia FIDT cho rằng nhà đầu tư cần lựa chọn đúng cổ phiếu do sẽ có sự phân hóa trong nhóm này.
Thứ ba, nhóm bất động sản cũng được chuyên gia dự báo tiếp tục hút tiền, vì thông thường một nhóm ngành có thể duy trì sức hấp dẫn với dòng tiền trong khoảng 3 tháng. Ngoài ra, nhóm này còn có thể được hưởng lợi nhờ các luật liên quan đến bất động sản được điều chỉnh thời hạn áp dụng sớm hơn và đã có nhiều dấu hiệu hồi phục ở thị trường bất động sản thực.
Nhận định về thị trường chứng khoán, ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang vận hành theo các chính sách vĩ mô. Chính sách tiền tệ và tài khóa hiện nay đang kích thích mạnh và là điều kiện hỗ trợ chứng khoán phát triển. Ngoài ra, đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới đang hồi phục.
"Thiên thời đang rất thuận lợi cho thị trường chứng khoán tăng trưởng", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Dự báo, với nền lãi suất thấp và doanh nghiệp phục hồi mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng vượt đỉnh 1.500 điểm trong năm nay và là tiền đề cho đầu năm sau vượt đỉnh. Ông Trung nhận định, xu hướng chính của thị trường trong năm nay vẫn sẽ là đi lên, song quá trình đi lên từ đáy không thể tránh được các nhịp điều chỉnh. Theo đó, sẽ có khoảng 5-6 nhịp điều chỉnh lớn trong năm 2024.
Đánh giá về xu hướng bán ròng của khối ngoại gần đây, vị chuyên gia cho rằng quyết định của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tùy từng giai đoạn phụ thuộc vào chiến lược đầu tư và so sánh hiệu quả đầu tư giữa các quốc gia. Tuy nhiên, ông Trung dự đoán hoạt động bán ròng của khối này sắp kết thúc và dòng vốn sẽ sớm quay trở lại.
Trong đó, nhóm ngân hàng hiện đang được định giá ở mức thấp và vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Cụ thể, lãi suất huy động giảm, tỷ suất lợi nhuận lãi thuần - NIM của các ngân hàng tăng lên, qua đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ tích cực hơn khi nền kinh tế phục hồi sẽ hỗ trợ hoạt động tín dụng và cải thiện chất lượng các khoản vay.
Bên cạnh NIM tăng trưởng, việc mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục duy trì từ nay đến cuối năm cũng giúp tín dụng dễ đưa vào nền kinh tê shown. Bên cạnh đó, tín dụng tăng sẽ giúp thu nhập ngân hàng tăng. Nợ xấu giảm xuống bởi các hoạt động kinh doanh doanh nghiệp và thu nhập người dân tốt hơn. Đây là 3 yếu tố tác động tích cực, nhờ đó, hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ theo chiều hướng tích cực.
Chuyên gia cho biết thêm, trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, các nhà băng như Techcombank, MBBank, BIDV có nền tảng tốt nhưng đang bị định giá thấp do sản phẩm của họ phân bổ nhiều vào lĩnh vực bất động sản. Trong khi lĩnh vực bất động sản đang hồi phục, các khoản cho vay được đánh giá xấu có thể chuyển thành tốt. Do đó, các cổ phiếu ngân hàng được định giá thấp sẽ có cơ hội phục hồi mạnh mẽ hơn. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được định giá tốt sẵn sẽ phục hồi về giá chậm hơn.
Thời điểm cho một “cái đầu lạnh” và sự nhẫn lại
Trước câu hỏi “Việt Nam cần phải làm gì để chỉ số VN-Index tăng trưởng trong năm 2024”, ông Petri Deryng - Giám đốc PYN Elite Fund trả lời một câu đơn giản là: “Không cần làm gì. Bởi tất cả các yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng mạnh mẽ đã hiện diện”.
Vị Giám đốc PYN Elite Fund cho biết, các yếu tố cốt lõi với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam là tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, triển vọng kinh tế tích cực, nợ công thấp, định giá cổ phiếu thấp và xu hướng phù hợp của thị trường tài chính. Xét trên các chỉ tiêu này, mọi yếu tố đều đã đầy đủ. Vị chuyên gia dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp niêm yết tại thị trường Việt Nam có thể đạt 25% trong năm 2024.
Ông Petri Deryng cho biết, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang mang lại lợi nhuận từ cổ phiếu cao nhất tại thị trường Châu Á - đây là yếu tố quan trọng nhất đối với chất lượng của một doanh nghiệp niêm yết. Trong khi vốn hóa thị trường lại giảm cùng với định giá ở mức thấp. Điều này càng thêm minh chứng cho quan điểm rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn một khi thị trường tài chính lần nữa quay trở lại xu hướng hỗ trợ.
Vị chuyên gia đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư thời điểm này là hãy kiên nhẫn chờ đợi. Chờ đợi thị trường tăng trưởng tốt với động lực từ lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp. Chờ đợi nhu cầu thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn trong giai đoạn 2024-2025. Đặc biệt, chờ đợi thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm bước tiến và được nâng hạng thành thị trường mới nổi.
“Hiện tại là thời điểm cho một “cái đầu lạnh" sự nhẫn nại. Hãy kỳ vọng thị trường sẽ mang lại kết quả tốt trong hơn 9 tháng tới", ông Petri Deryng cho hay./.
- Có nên rút tiền tiết kiệm để đầu tư cổ phiếu ngân hàng chờ nhận cổ tức?
- Nhiều nhà đầu tư thành công với chiến lược “săn cổ phiếu, ăn cổ tức”
- Cổ phiếu bất động sản chuẩn bị bứt phá?