ISSN-2815-5823
Minh Hằng
Thứ tư, 16h30 27/03/2024

Nhiều nhà đầu tư thành công với chiến lược “săn cổ phiếu, ăn cổ tức”

(KDPT) - Trong giai đoạn thị trường chứng khoán nhiều biến động, việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ có mức chi trả cổ tức cao và sức chống chịu tốt là một chiến lược phù hợp với các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp.

Cổ phiếu của doanh nghiệp có cổ tức cao

Mỗi mùa đại hội cổ đông đến gần, chính sách cổ tức của doanh nghiệp luôn là chủ đề “nóng” được đem ra bàn luận. Trên thực tế, có nhiều nhà đầu tư đã rất thành công với chiến lược “săn cổ phiếu, ăn cổ tức”.

Với truyền thống trả cổ tức “khủng”, chính sách cổ tức năm 2024 của CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) là thông tin đang được giới đầu tư chờ đợi. Được biết, 2/4 sắp tới là ngày cuối cùng chốt danh sách dự đại hội cổ đông của doanh nghiệp này. Đáng chú ý, trong mùa đại hội cổ đông năm ngoái, lãnh đạo của Nhựa Bình Minh đã tiết lộ có thể trả cổ tức cao cho đến năm 2025.

Trước đó, từ năm 2020-2023, Nhựa Bình Minh liên tục duy trì tỷ lệ cổ tức bằng tiền trên 100%. Thậm chí, năm 2023 vừa qua, doanh nghiệp này có tỷ lệ cổ tức lên tới 118%. Năm 2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.157 tỷ đồng, giảm 11,2% so với năm 2022 trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 1.041 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của công ty này.

Đến nay, Nhựa Bình Minh chưa công bố chỉ tiêu kinh doanh năm 2024. Nhưng trong báo cáo phân tích về cổ phiếu ngành nhựa mới đây, Chứng khoán FPTS nhận định, biên lợi nhuận gộp ngành nhựa nói chung trong năm nay sẽ giảm 4,3 điểm phần trăm so với mức đỉnh năm 2023 do giá hạt nhựa dự báo phục hồi trong năm 2024 khi nhu cầu trên thế giới dần được cải thiện. Dù vậy, biên lợi nhuận ngành này vẫn đạt mức cao khoảng 30,8%, so với mức trung bình của giai đoạn 2018-2022 là 25,3%.

Chính sách cổ tức của doanh nghiệp luôn là chủ đề “nóng” trong mỗi mùa đại hội cổ đông. (Ảnh minh họa)
Chính sách cổ tức của doanh nghiệp luôn là chủ đề “nóng” trong mỗi mùa đại hội cổ đông. (Ảnh minh họa)

Ngày 29/3 sắp tới, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Dự kiến, hội đồng quản trị của DGC sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 10.200 tỷ đồng, tăng 4,7% so với mức thực hiện năm 2023, lãi sau thuế 3.100 tỷ đồng, giảm 4% so với năm trước, tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt là 30% (tương ứng tổng số tiền trả cổ tức là 1.139,3 tỷ đồng).

Vài năm gần đây, cổ phiếu DGC nhận được sự chú ý của nhà đầu tư nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng cùng việc phân phối lợi nhuận rất cao cho cổ đông. Tính riêng năm 2023, cổ đông của doanh nghiệp này đã nhận về khoản cổ tức lên tới 4.000 đồng/cổ phiếu (trong đó có 1.000 đồng cổ tức còn lại của năm 2022 và 3.000 đồng tạm ứng cổ tức năm 2023).

Bên cạnh các doanh nghiệp kể trên, sàn chứng khoán còn ghi nhận một số doanh nghiệp được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho cổ đông và nhà đầu tư. 

Đơn cử như CTCP Mía đường Sơn La trong niên độ tài chính 2023 thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt 15.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 150% vốn điều lệ, cao hơn 50% so với kế hoạch. Với mức giá giao dịch bình quân quanh 150.000 đồng/cổ phiếu, tỷ suất cổ tức trên thị giá của Mía đường Sơn La rơi vào khoảng 10%, cao hơn gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm dài hạn. Dự kiến, trong niên độ từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024, LS sẽ trả cổ tức với tỷ lệ 50%/vốn điều lệ. Nhà đầu tư kỳ vọng, cổ tức thực trả có thể còn cao hơn nhiều, bởi SLS có truyền thống đặt kế hoạch khiêm tốn hơn so với thực tế.

Hay như một doanh nghiệp khác cũng có mức trả cổ tức “khủng” là CTCP Cadivi (mã CAV). Trong năm 2023, doanh nghiệp này đã chi trả tổng cộng 5 đợt cổ tức bằng tiền với tổng tỷ lệ là 140%. CAV hiện đang giao dịch tại mức giá 74.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 21/3), đây được đánh giá là mức giá hấp dẫn khi nhìn ở khía cạnh so sánh tỷ lệ cổ tức so với thị giá.

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS, trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay, những doanh nghiệp chi trả cổ tức ở mức trên 100% chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này có đặc điểm là thị giá khá cao và không phải lúc nào cũng mua được với số lượng lớn, bởi thanh khoản thường khá thấp do cổ đông có xu hướng nắm giữ để “ăn” cổ tức. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư có chiến lược dài hạn, thì những cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức cao luôn là một lựa chọn hợp lý.

Một số doanh nghiệp được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho cổ đông, nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)
Một số doanh nghiệp được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho cổ đông, nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)

“Săn” cổ phiếu cổ tức cao, nhà đầu tư cần chú ý gì?

Khi tham gia vào thị trường chứng khoán, cổ tức là một yếu tố để nhà đầu tư xem xét khi quyết định “xuống tiền”. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn vẫn là triển vọng tăng giá của cổ phiếu. Bởi, sau chia cổ tức, giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh, nếu giá cổ phiếu đó không tăng sau khi chia cổ tức thì đồng nghĩa với việc nhà đầu tư không được lợi, thậm chí còn có thể bị lỗ nếu giá cổ phiếu đi xuống.

Nhưng trên thực tế, yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định đến triển vọng tăng trưởng của giá cổ phiếu vẫn là triển vọng tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp - điều mà các doanh nghiệp có cổ tức cao, đều đặn thực hiện. Thực tế đã cho thấy rằng, giá cổ phiếu của những doanh nghiệp thuộc nhóm này như FPT, BMP, DGC,... đều nhanh chóng trở về mức trước ngày chia cổ tức. 

Chẳng hạn như cổ phiếu FPT đang ở vùng gần 115.000 đồng/cổ phiếu, đây là vùng đỉnh lịch sử nhờ triển vọng kinh doanh tiếp tục tăng trưởng 2 con số. Trong tài liệu đại hội cổ đông năm 2024, doanh nghiệp này dự kiến sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2024 với chỉ tiêu doanh thu khối kinh doanh đạt 61.850 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế khối kinh doanh đạt 10.875 tỷ đồng, tăng 18,2%, trả cổ tức dự kiến 20% bằng tiền mặt, tương đương năm 2023.

Cổ đông của FPT suốt hàng chục năm nay đều nhận khoản cổ tức từ 20-50% (bao gồm cổ phiếu và tiền mặt). Cộng với việc thị giá tăng tốt, cổ phiếu FPT đã mang lại khoản lợi nhuận rất tốt cho các cổ đông và nhà đầu tư. Thậm chí những nhà đầu tư từng “đu đỉnh” ở vùng giá gần 500.000 đồng/cổ phiếu hồi năm 2006 và nắm giữ đến nay, tài khoản cũng đã nhân lên gấp nhiều lần.

Cổ tức là một yếu tố để nhà đầu tư xem xét khi quyết định “xuống tiền”. (Ảnh minh họa)
Cổ tức là một yếu tố để nhà đầu tư xem xét khi quyết định “xuống tiền”. (Ảnh minh họa)

Ông Lê Đức Khánh cho rằng, những doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức từ 10% trở lên cùng với triển vọng tăng giá của cổ phiếu sẽ là mức sinh lời thỏa đáng.

Vị chuyên gia này gợi ý, các nhóm doanh nghiệp đang đáp ứng được những tiêu chuẩn như vừa có triển vọng kinh doanh tốt, vừa duy trì được cổ tức tốt qua từng năm  gồm nhóm công nghệ viễn thông, dược phẩm, tiêu biểu có thể kể đến như FPT, CMG, CTR, ELC, DHG, IMP, DBD… Hay ở nhóm dầu khí tiêu biểu là PVS, PVD, GAS. Tại nhóm điện nước là BWE, TDM, BTP, VSH. Tiêu biểu ở nhóm bảo hiểm có PVI, BVH, BMI…

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng là nhóm đảm bảo được 2 yếu tố về tiềm năng năng trưởng và tỷ lệ cổ phiếu ổn định. 

Năm 2023, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã VIB) dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ, trong đó mức cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, cổ tức bằng cổ phiếu là 17%. Năm 2024, mức cổ tức của VIB dự kiến tối thiểu đạt 20%. 

Hay Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (mã TCB) cũng dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận, tương đương 4-5% vốn chủ sở hữu của nhà băng này tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.

Một nhà băng khác là Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) cũng lên kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó có 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) nhận định, trong giai đoạn thị trường chứng khoán đang xuất hiện nhiều biến động về chỉ số nói chung và ở từng mã cổ phiếu nói riêng, thì việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ có mức chi trả cổ tức cao cũng như có sức chống chịu tốt với thị trường được đánh giá là chiến lược phù hợp với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp.

Vị chuyên gia cho biết thêm, tiêu chí để lựa chọn các cổ phiếu này bao gồm dòng tiền kinh doanh ổn định, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp ít rủi ro và biến động cùng với lịch sử chia cổ tức đều đặc và đang ở vùng giá hợp lý. Bên cạnh một số cổ phiếu nhóm ngân hàng, ông Khoa cho rằng các doanh nghiệp thuộc nhóm thủy điện, nhiệt điện, dược phẩm, nước giải khát hay mía đường cũng đáp ứng đủ các yếu tố về mặt triển vọng kinh doanh lẫn cổ tức hợp lý./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024