ISSN-2815-5823
Minh Hằng
Thứ hai, 10h57 26/02/2024

Chuyên gia nhấn mạnh 5 yếu tố quan trọng trong việc xây dựng ngân hàng số

Hiện nay, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là công nghệ mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác. Theo đó, các ngân hàng cần hiểu đủ và đúng để quá trình chuyển đổi số thành công.

Những năm trở lại đây, ngành công nghệ thông tin phát triển một cách rất mạnh mẽ. Bất kỳ một lĩnh vực hay ngành, nghề nào nều tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đã và đang phục hồi hậu đại dịch Covid-19, việc áp dụng công nghệ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Có thể thấy, ngày nay hầu hết các khách hàng, đặc biệt là những khách hàng trẻ tuổi đều đang sử dụng công nghệ số cho những giao dịch và thanh toán.

Do đó, nhiệm vụ của các ngân hàng là phải đáp ứng được nhu cầu của người dùng từ đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ họ mong đợi. Để làm được điều này, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số cũng giúp các ngân hàng bắt kịp xu hướng công nghệ cũng như những thay đổi của thị trường nhanh hơn.

Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là công nghệ, mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác như chiến lược, mô hình kinh doanh, khả năng lãnh đạo số. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là công nghệ mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác như chiến lược, mô hình kinh doanh, khả năng lãnh đạo số… Các ngân hàng cần hiểu đủ và đúng để chuyển đổi số thành công. Theo đó, ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam đã chỉ ra 5 khía cạnh quan trọng trong việc xây dựng ngân hàng số, cụ thể:

Lấy khách hàng làm trung tâm

Trong bối cảnh hành vi của khách hàng không ngừng thay đổi và thị trường cạnh tranh gắt gao, thì ngân hàng cần tập trung vào việc giải quyết các nhu cầu cụ thể của khách hàng bằng cách có mặt đúng nơi, đúng lúc và đưa ra giải pháp đơn giản, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần thay đổi mô hình hoạt động từ trọng tâm sản phẩm, phân khúc sang mô hình dẫn dắt hành trình khách hàng. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải thiết kế lại mô hình hoạt động, cơ bản là các quy trình, con người và công nghệ phải phối hợp chặt chẽ với nhau để mang lại trải nghiệm thống nhất cho khách hàng ở mỗi hành trình.

Khai thác sức mạnh của dữ liệu

Mặc dù có sẵn lượng dữ liệu khổng lồ nhưng hầu hết ngân hàng vẫn chưa tận dụng được tiềm năng này. Cơ hội mà dữ liệu mang lại cho ngân hàng là rất lớn. Thông qua đó, ngân hàng có thể đánh giá được nhu cầu của khách hàng từ đó thiết kế các sản phẩm, dịch vụ sao cho phù hợp.

Theo chuyên gia, để khai thác sức mạnh của dữ liệu, cơ sở hạ tầng của ngân hàng phải có khả năng mở rộng, hoạt động hiệu quả, đồng thời cho phép tổng hợp dữ liệu theo thời gian thực và cấp quyền truy cập bất cứ lúc nào.

Hiện nay, một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng chưa sử dụng hết nguồn tài nguyên này là do cơ sở hạ tầng cũ phức tạp và lỗi thời khiến việc xử lý dữ liệu chậm, việc truy cập vào thông tin chi tiết trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, những lo ngại về tính xác thực của dữ liệu, quyền riêng tư, an ninh mạng và khả năng lạm dụng dữ liệu có thể khiến các ngân hàng thận trọng với nguồn tài nguyên này.

Công nghệ cơ bản hỗ trợ ngân hàng xử lý dữ liệu một cách liền mạnh nhất có thể bao gồm việc loại bỏ kiến trúc dữ liệu nguyên khối. Kiến trúc dữ liệu hiện đại được xây dựng thông qua các giải pháp dựa trên đám mây, giúp loại bỏ các rào cản thông qua kiến trúc vi dịch vụ, cho phép ngân hàng thực hiện các thay đổi nhanh hơn, mở rộng quy mô hiệu quả cũng như loại bỏ các mối lo ngại về bảo mật, thay vì ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống các thay đổi sẽ chỉ ảnh hưởng đến các vi dịch vụ.

Các ngân hàng cần hiểu đủ và đúng để chuyển đổi số thành công. (Ảnh minh họa)

Giải pháp công nghệ

Hiện nay, công nghệ số áp dụng rộng rãi cho ngân hàng bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối và Internet vạn vật. Trong tương lai, ngân hàng lõi thế hệ mới dựa trên đám mây sẽ là trung tâm của ngân hàng. Nhóm công nghệ hiện đại này sẽ mang lại những đề xuất khác biệt và giúp ngân hàng cải thiện hiệu quả chi phí.

Những ngân hàng truyền thống hiện đang phải đối mặt với thách thức trong việc di chuyển các giải pháp công nghệ nguyên khối, thường lỗi thời và lạc hậu. Vì thế, một giải pháp tối ưu và bền vững giúp ngân hàng thay đổi là áp dụng cách tiếp cận Ngân hàng kết hợp (Composable Banking) dựa trên đám mây và kiến trúc có thể kết hợp ngay từ đầu. Điều này giúp ngân hàng tránh được rủi ro và sự phức tạp khi di chuyển cơ sở hạ tầng hiện có.

Ngân hàng kết hợp sẽ chuyển hoạt động kinh doanh lõi ra dần khỏi các hệ thống nguyên khối (nguyên tắc làm rỗng) sang các giải pháp kết hợp, giúp ngân hàng đánh giá các vấn đề với từng hoạt động kinh doanh và sản phẩm cụ thể, tìm ra các hệ thống và công nghệ tương tác liền mạch với phần còn lại của kiến trúc, phù hợp với nhiều nền tảng từ các nhà cung cấp khác nhau.

Khả năng lãnh đạo số

Một yếu tố tiếp theo tạo nên sự thành công của ngân hàng số là khả năng lãnh đạo. Việc hiểu và nắm bắt nền kinh tế kỹ thuật số cần bắt đầu từ cấp cao nhất của tổ chức và tạo sự lan tỏa. Trong đó, một kỹ năng quan trọng của các nhà lãnh đạo số hiện đại là sẵn sàng thích ứng và không ngừng thách thức hiện trạng. Các sáng kiến kỹ thuật số luôn thay đổi, vì vậy các nhà lãnh đạo hiện đại cần có khả năng ứng phó nhanh chóng với hoàn cảnh và môi trường mới.

Đồng thời, nhà lãnh đạo số cũng cần có tư duy chiến lược rõ ràng là áp dụng công nghệ số vào mô hình kinh doanh như thế nào để tạo ra các năng lực kinh doanh mới và khác biệt.

Trong tương lai, 3 khu vực chính của chiến lược kinh doanh số phụ thuộc vào công nghệ đó là: Mô hình kinh doanh, các quy trình vận hành và hành trình trải nghiệm khách hàng.

Một yếu tạo nên sự thành công của ngân hàng số là khả năng lãnh đạo. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia, để xây dựng chiến lược số, thay vì đặt câu hỏi “Chiến lược số của chúng ta là gì?”, nhà lãnh đạo số nên bắt đầu với những câu hỏi sau:

- Công nghệ số thay đổi lĩnh vực kinh doanh của bạn như thế nào?

- Công nghệ số có giúp thay đổi đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn hay không?

- Làm thế nào để công nghệ số có thể gia tăng giá trị, hay thay đổi giá trị định vị tới lĩnh vực kinh doanh của bạn?

- Làm thế nào để công nghệ số nâng cao năng lực, tạo ra sự khác biệt với đối thủ?

Phát triển theo cách bền vững

Có thể thấy, vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành mối đe dọa đến hệ sinh thái và nền kinh tế trên toàn thế giới. Ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong quá trình ứng phó giữa nội bộ khách hàng với xã hội và sự quan tâm của khách hàng.

Các ngân hàng muốn thành công cần bắt đầu áp dụng các biện pháp thực hành xanh trong toàn bộ tổ chức. Về cơ bản, ngân hàng hoạt động theo cách bền vững, chẳng hạn như cung cấp năng lượng tái tạo cho các tòa nhà, giảm thiểu sử dụng giấy trong hoạt động. Tuy nhiên, tác động lớn nhất là thông qua các hoạt động tài chính như ưu tiên các danh mục cho vay giảm carbon thông qua các dự án trồng rừng hay năng lượng tái tạo…

Ngoài ra, tính bền vững cũng có thể được đưa vào các sản phẩm thông qua việc tích điểm khách hàng thân thiết nhằm khuyến khích lối sống ít carbon, điều chỉnh khoản vay cho các sản phẩm bền vững (ví dụ như ô tô hybrid, nông nghiệp carbon thấp,...) hay bắt đầu phát hành trái phiếu xanh. Hay như ngân hàng cũng có thể cung cấp dịch vụ tính toán lượng phát thải carbon về các khoản tiêu dùng và hỗ trợ lựa chọn các giải pháp thay thế.

Nhìn chung, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng hiện không còn là nhu cầu mà là yêu cầu bắt buộc. Cần hiểu đúng và đủ để các khía cạnh của quá trình chuyển đổi số sẽ giúp ngân hàng cạnh tranh và phát triển.

Năm 2024 chắc chắn sẽ mang đến nhiều cơ hội cho những ngân hàng sẵn sàng đón đầu thay đổi. Trong bối cảnh Châu Á - Thái Bình Dương đang bước vào giai đoạn lạm phát giảm và lãi suất thấp, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo Việt Nam có tiềm năng đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng 6% trong năm nay, gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Với chiến lược và đối tác phù hợp, các ngân hàng Việt Nam sẽ có trong tay nhiều cơ hội lớn trong năm 2024. Đồng nghĩa với việc chiến lược chuyển đổi số trước năm 2030 có thể đạt được trước thời hạn./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024