ISSN-2815-5823
Diễm Quỳnh
Thứ ba, 06h59 01/10/2024

Chuyên gia nói gì về việc Shopee rải link tiếp thị tràn lan gây tranh cãi?

(KDPT) - Trong thời gian gần đây, cộng đồng mạng dậy sóng trước tình trạng các đường link rút gọn tràn lan trên Facebook, đặc biệt là từ nền tảng thương mại điện tử Shopee. Chuyên gia truyền thông đưa ra ý kiến gì về chiến lược gây tranh cãi này?

Lỗ hổng đạo đức trong chiến lược tiếp thị 

Theo ông Hà Đức Tuấn - chuyên gia marketing tại TP.HCM cho biết, hiện nay các đường link rút gọn quảng cáo Shopee đang tràn ngập trên Facebook dưới 2 hình thức chính.

Thứ nhất, các chatbot tự động đăng tải các đường link kèm theo bình luận mời gọi người dùng nhấn vào, tạo nên một loạt bình luận spam. Điều này làm cho người dùng phải tốn thời gian lướt qua những bình luận vô ích để tìm kiếm thông tin thực sự.

Thứ hai, các link do người đăng chủ động chèn vào bài viết để dụ người đọc nhấp vào.

"Những bài đăng kiểu này thường lợi dụng các sự kiện thời sự đang hot. Người đăng sẽ viết một đoạn giới thiệu, sau đó chèn link vào phần chữ 'Xem thêm'. Khi người dùng click vào, họ sẽ bị chuyển hướng đến một trang web khác", ông Tuấn giải thích.

Một link rút gọn dẫn về sàn Shopee được gắn trong phần xem thêm của một bài viết.
Một link rút gọn dẫn về sàn Shopee được gắn trong phần xem thêm của một bài viết.

Không chỉ có các cá nhân, nhiều fanpage lớn với lượng tương tác cao cũng chèn link rút gọn vào các bài viết của họ để kiếm tiền từ các chương trình tiếp thị liên kết.

Ông Mai Thanh Phú - một chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ mạng xã hội, cho biết các link rút gọn thường xuất hiện trên các fanpage lớn với lượng tương tác cao. Những fanpage này chèn link nhằm kiếm tiền từ các chương trình tiếp thị liên kết qua website.

"Các fanpage này chèn link với mục tiêu kiếm tiền từ các chương trình tiếp thị liên kết qua website. Mỗi lần người dùng nhấp vào link, người tạo link có thể nhận được hoa hồng, và nếu người dùng tiếp tục mua hàng, họ sẽ nhận thêm phần thưởng", ông Phú nhấn mạnh.

Thời gian hiệu lực của mã tiếp thị liên kết thường dao động từ 7-14 ngày và trong một số trường hợp có thể kéo dài đến 30 ngày. Cơ chế này đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy các nhà sáng tạo nội dung tìm cách thu hút người dùng Facebook nhấp vào các liên kết của họ.

Sự bức xúc của cộng đồng không chỉ dừng lại ở việc spam quảng cáo thông thường mà còn ở hành vi rải link trong các bài viết về những sự kiện nhân đạo hoặc thương tâm. Việc này không chỉ làm phiền người đọc mà còn đặt ra câu hỏi về tính đạo đức trong cách thức quảng cáo.

Phần bình luận cũng bị những link quảng cáo xâm chiếm dù nội dung không hề liên quan.
Phần bình luận cũng bị những link quảng cáo xâm chiếm dù nội dung không hề liên quan.

Khi các liên kết tiếp thị Shopee được chèn vào những bài viết có nội dung nhạy cảm, điều này vô tình biến sự quan tâm của người dùng thành công cụ để thu lợi, gây nên làn sóng phẫn nộ.

Ông Mai Thanh Phú cho rằng, đa số các link này chỉ đơn thuần là spam quảng cáo, không gây nguy hại trực tiếp đến tài khoản cá nhân.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về sự xuất hiện của các liên kết giả mạo chứa mã độc, nhằm mục đích đánh cắp thông tin tài khoản.

"Một số liên kết dẫn đến các trang web giả mạo có giao diện tương tự như Facebook và yêu cầu người dùng đăng nhập để tiếp tục xem video. Nếu không cẩn thận, người dùng có nguy cơ mất tài khoản của mình", ông Phú nhấn mạnh.

Trước đó, cuối tháng 6, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cảnh báo về chiêu trò rải link lừa đảo, seeding quảng cáo "bẩn" trên Facebook. Đại diện Cục chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết như kẻ lừa đảo tạo một trang giả mạo có giao diện tương tự trang web tin cậy, như ngân hàng hoặc dịch vụ trực tuyến. Trang này được thiết kế để thu thập thông tin cá nhân và đăng nhập của người dùng. 

Một số còn tạo đường link hấp dẫn, dùng tiêu đề hoặc mô tả khiến người dùng quan tâm như "Nhận ngay ưu đãi đặc biệt", "Kiểm tra tài khoản của bạn", "Bạn bị bóc phốt" hoặc các sự kiện đang đượng cộng đồng quan tâm.

Theo các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, người dùng nên cảnh giác với link không rõ nguồn gốc, không nhấn vào đường dẫn lạ. Các link rút gọn cũng cần được kiểm tra trước khi nhấp vào, trong đó lưu ý địa chỉ URL khớp với trang định truy cập, không có ký tự lạ. Người dùng cần tăng cường bảo mật cho tài khoản, thường xuyên cập nhật trình duyệt, ứng dụng.

Cần làm gì khi lỡ ấn vào link lạ, link lừa đảo?

Hai cách nhanh chóng và hiệu quả để khắc phục tình trạng trên chính là: Đổi mật khẩu và Kiểm tra lịch sử đăng nhập.

Bước 1: Truy cập và ứng dụng như Zalo, Facebook, Gmail… để đổi mật khẩu.

Bước 2: Tra cứu lịch sử đăng nhập, danh sách lịch sử đăng nhập sẽ hiện ra và kiểm tra các thiết bị đã đăng nhập. Trong trường hợp nếu thấy thiết bị lạ hãy bấm Đăng xuất để vô hiệu hóa việc đăng nhập trên thiết bị đó./.

Khi mới thâm nhập vào Việt Nam, Shopee đã "trắng" doanh thu từ năm 2016 đến 2018 nhằm tập trung nguồn lực vào việc chiếm thị phần. Đi kèm với việc không có doanh thu, công ty này cũng liên tục báo lỗ.

Theo đó, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019 Shopee đã bắt đầu có doanh thu và tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Đến đầu quý II/2019, Shopee Việt Nam bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên nền tảng. Tuy nhiên, khoản lỗ của công ty này cũng tăng theo với con số lỗ nghìn tỷ. Số lỗ lũy kế đến năm 2021 của "ông lớn" thương mại điện tử này đã ở mức gần 7.500 tỷ đồng.

Bất ngờ đến năm 2022, công ty đã ghi nhận doanh thu tăng vọt lên 11.000 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm trước đó. Đây cũng là năm đầu tiên Shopee có lãi với con số 3.000 tỷ đồng, bù đắp được phần nào số lỗ lũy kế trước đó. Shopee cũng là đơn vị thương mại điện tử duy nhất có lãi trong năm 2022.

Shopee là sàn giao dịch thương mại điện tử có trụ sở đặt tại Singapore, thuộc sở hữu của Sea Ltd (trước đây là Garena), được thành lập vào năm 2009. Shopee được giới thiệu lần đầu tại Singapore vào năm 2015 và hiện đã có mặt tại các quốc gia và vùng lãnh thổ: Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Brazil, Ba Lan.

Trong quá trình hoạt động tại các quốc gia, Shopee gây ra không ít tranh cãi. Vào tháng 6/2019, hashtag #ShopeeScam đã trở thành xu hướng trên Twitter sau khi Shopee tung ra một chương trình khuyến mãi tại Philippines. Theo đó, 568 người chi tiêu nhiều nhất trên cửa hàng trực tuyến của họ sẽ được tặng vé tham dự buổi gặp gỡ và chào hỏi với Blackpink. Nhiều người hâm mộ cho biết đã nhận được thông báo đã trúng vé, nhưng sau đó Shopee đã tự ý thu hồi. Những người khác đăng tải ảnh chụp màn hình cho thấy Shopee thay đổi cơ chế cuộc thi của họ một ngày trước khi sự kiện diễn ra. Shopee đã bị Cục Thương mại và Công nghiệp điều tra về vụ việc này.

Vào tháng 4/2021, Shopee phải đối mặt với cáo buộc rằng họ đang trả lương thấp cho các nhân viên giao hàng ở Indonesia sau khi một số người giao hàng tuyên bố công khai rằng tiền công của họ cho mỗi gói hàng được giao đã giảm từ 0,34 USD xuống còn 0,10 USD. Những người giao hàng Shopee Express cũng không được trả lương cơ bản hàng tháng. Ngoài ra, không có khoản trợ cấp chi phí xăng dầu hoặc phí đậu xe.

Vào cuối tháng 8/2022, một người dùng của nền tảng mạng xã hội Trung Quốc đã đăng tải nội dung cho biết anh ta đã chuyển đến Singapore để làm việc cho Shopee. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị thu hồi sau khi anh ta xuống máy bay ở Singapore cùng với gia đình.

Năm 2022, Shopee đã phải sa thải 600 nhân viên, tương đương 3% tổng số nhân viên của mình.

 Xem tiếp bài 3: Nên xử phạt Shopee hay những gian hàng quảng cáo lừa đảo?



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024