ISSN-2815-5823
Thứ tư, 03h00 20/06/2018

Chuyện tác nghiệp ở Trường Sa

(KDPT) – Trong đời làm báo, việc đi công tác miền núi dù sao cũng phổ biến hơn so với đi biển, đảo. Với đa số phóng viên, đến với Trường Sa đều là “chuyến đi đầu đời” nên có bao câu chuyện khóc, cười sau mỗi bài báo!

Những nụ cười đôn hậu ở Trường Sa.

Vừa say vừa viết bài

Dĩ nhiên, “say” ở đây không phải say rượu mà là say sóng! Mỗi chuyến đi Trường Sa thường kéo dài đến 10 ngày. 10 ngày ăn ngủ trên con tàu luôn lúc nào cũng trong trạng thái “không đứng im” là một thử thách lớn với tất cả mọi người.

5 năm trước, lần đầu tiên, tôi được lệnh đi một chuyến công tác Trường Sa dài 10 ngày. Khi ấy, mọi người ai cũng chúc mừng, bảo: “Đời phóng viên, ai cũng ao ước được đi một chuyến như thế”. Tôi thấy tự hào lắm và nghiêm túc lên kế hoạch chi tiết về “những đề tài sẽ triển khai”. “Rồi cứ thế là đi”, không mảy may lo lắng điều gì. Trớ trêu thay, dù đã là người đi ô tô, tàu hỏa “có hạng”, chậm chí từng ngồi thuyền thúng chòng chành hay lướt ca nô vù vù trên mặt sóng nhưng với tôi, ăn ngủ trên con tàu lớn trong chuyến đi dài ngày lại là câu chuyện khác!

Suốt ba ngày đầu tiên của chuyến đi, tôi không thể tiêu hóa trọn vẹn một bữa ăn nào (phần không-được-tiêu-hóa tôi cũng không biết theo cơ chế nhà tàu, chúng sẽ đi về đâu!). Đó là chưa kể đến giấc ngủ cũng đu đưa, chập chờn như nhịp võng. Mà tin bài ngày nào cũng phải gửi. Đó là chưa kể không phải ở đâu cũng có sóng di động, sóng 3G. Phải luôn sẵn sàng bài vở để bất kì khi nào có chút tín hiệu là vội vàng gửi email. Thế là dù bất kể người đang trong trạng thái nào, hễ có chút ý tưởng cũng vừa ôm bụng, ôm đầu mà kì cạch gõ. Rồi còn nhật kí hải trình. Còn bóc băng, biên tập…

Có hôm, 2h sáng, đang lơ mơ trong cơn say ong ong, bất chợt thấy điện thoại sáng màn hình, phát hiện có chút sóng GPRS, tôi khẽ đánh thức đồng nghiệp rồi cùng nhau lên boong tàu gửi bài về tòa soạn. Nửa đêm mà tàu có vẻ vẫn đông vui, anh chị em phóng viên kéo nhau lên ngày một đông. Ai cũng trong dáng đi chậm chạp, nhiều người vừa đi vừa vịn thành tàu. Hóa ra cũng không ít người say sóng giống mình! Bất chợt, một chị đang ngồi gõ máy tính vội bật dạy lao ra thành tàu, người như muốn rũ ra. Đích thị là cho-cá-ăn-chè! Chuyến đi ấy của chúng tôi có vô vàn bức ảnh “dìm hàng” nhau mà đến giờ, sau 5 năm, thỉnh thoảng đoàn công tác họp mặt vẫn mang ra “dọa nhau” cười ngất!

Thật may, cơ thể chúng tôi đã kịp thích ứng với sự chuyển động của tàu và sóng biển. Sẽ không biết thế nào nếu cảm giác lâng lâng, bay bay cứ theo chúng tôi cho đến tận ngày phải tự thân tự lực leo trèo những cột sắt vài chục mét chơ vơ giữa bốn bề biển Đông để lên được các nhà giàn DK mà không có dây bảo hộ!

Nếu không có màu nước biển xanh thẫm, đây ắt là một góc phố trên đất liền!

Chuyện “thèm người”

Hàng năm, vẫn có những chuyến đi từ đất liền đến các đảo ở Trường Sa với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhưng các chuyến tàu của cánh phóng viên, báo chí hẳn được trông mong nhất! Tôi nói vậy không chỉ bởi cảm giác cá nhân mà còn có cơ sở rất rõ ràng: Chắc chắn không đối tượng nào hỏi chuyện, tâm tình nhiều với dân và quân trên đảo như cánh nhà báo! Được lời như cởi tấm lòng, với dân và quân nơi đây, phóng viên báo chí có lẽ là những người bạn thân tình!

Ở mỗi đảo, ngay sau phần nghi thức đón đoàn, các chiến sĩ và người dân lập tức bước đến chào hỏi chúng tôi rất tự nhiên. Nhiều cậu chiến sĩ bạo dạn mời chúng tôi đến thăm phòng, mời giao lưu hát hò… Nhiều cậu chàng sau ít thời gian tâm sự, nhiệt tình và trân quý tặng các anh chị một món quà nho nhỏ: Cây hoa ốc, móc khóa, quả bàng vuông khô… Ở những hòn đảo có các cháu bé, ban đầu tụi nhỏ còn bẽn lẽn đứng từ xa nhìn, sau lại gần chúm chím cười nghe hỏi chuyện.

Sau 2, 3 tiếng, đoàn phải dời đi. Hai bên nhìn nhau lưu luyến, đã nói chuyện với nhau ắt sẽ xin số điện thoại, địa chỉ để sau này có thể liên lạc!

Cứ như thế, rồi dần dần chúng tôi phát hiện ra không chỉ dân và quân Trường Sa “thèm người” mà chúng tôi cũng “thèm” không kém. Đến với mỗi hòn đảo là đến với một câu chuyện như huyền thoại về hòn đảo đó. Rồi bao nụ cười, bao nước mắt, bao lời tâm tình… chúng tôi đã nhìn, đã nghe về những con người trên đảo. Cảm xúc cuộn trào tưởng như không viết ra, chụp lại sẽ là thiếu sót rất lớn của chuyến đi. Những lúc lênh đênh di chuyển từ đảo này sang đảo kia, chúng tôi cũng nóng lòng và khao khát lắm những gương mặt người đen nhẻm cùng nụ cười đôn hậu ngời sáng nơi Trường Sa sóng gió…

    • Hàng năm, vẫn có những chuyến đi từ đất liền đến các đảo ở Trường Sa với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhưng các chuyến tàu của cánh phóng viên, báo chí hẳn được trông mong nhất! Tôi nói vậy không chỉ bởi cảm giác cá nhân mà còn có cơ sở rất rõ ràng: Chắc chắn không đối tượng nào hỏi chuyện, tâm tình nhiều với dân và quân trên đảo như cánh nhà báo! Được lời như cởi tấm lòng, với dân và quân nơi đây, phóng viên báo chí có lẽ là những người bạn thân tình!

Ngô Thanh

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024