ISSN-2815-5823

Cơ cấu hàng hóa bất động sản tại Việt Nam chưa phù hợp với nhu cầu thị trường

(KDPT) – Trong một báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng nhận định hiện cơ cấu hàng hoá bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.

Cơ cấu hàng hóa bất động sản không phù hợp đang dẫn đến tốc độ giải quyết hàng tồn kho của toàn thị trường giảm.

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng nhận định hiện cơ cấu hàng hoá bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.

“Theo phân tích thị trường hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm từ 20-30% thị trường tuỳ từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung ở các đô thị lớn, các đô thị còn lại thì tỷ lệ này còn nhỏ hơn. Phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội giá thấp dưới 25% chiếm tới 70-80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang mất cân đối”, báo cáo nêu rõ.

Bộ Xây dựng cho rằng cơ cấu hàng bất bất động sản tại Việt Nam chưa phù hợp – Nguồn: Internet

Bộ Xây dựng cũng đánh giá, giá cả hàng hoá bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông (theo cách tính chung hiện nay, giá nhà ở là vừa phải nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng).

Thêm vào đó, một số đối tượng đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

Cơ quan quản lý này cũng thừa nhận, thị trường bất động sản đang phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin – cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực. Đồng thời, việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi dự án theo quy định của pháp luật đất đai hoặc tạm dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu thực của thị trường.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách theo hướng tăng cường vai trò quản lý trong việc quy hoạch, cấp phép đầu tư, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, khắc phục tình trạng gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân…

Lượng tồn kho bất động sản tại Việt Nam hiện còn khoảng 20.000 tỷ đồng, so với thời kỳ lao dốc nhất của thị trường vào năm 2013 thì con số này đã giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 20%. Tuy nhiên, tốc độ giải quyết hàng tồn kho đã chậm lại đáng kể, giảm vài lần trong giai đoạn 2017 – 2018 so với giai đoạn 2013 – 2016.

R.N
(Hợp tác phát triển nội dung cùng Rubix International)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024