Có nên rút tiền tiết kiệm để đầu tư cổ phiếu ngân hàng chờ nhận cổ tức?Hai động lực đẩy giá cổ phiếu cao su tăng vọtThanh Hóa chuẩn bị có “siêu dự án” nhiệt điện hơn 2,4 tỷ đô

Những động lực cho giai đoạn mới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, vào cao điểm nắng nóng tháng 4-6/2024, dòng chảy trên các sông và hồ chứa nước lớn khu vực Bắc Bộ có khả năng thiếu hụt so với trung bình các năm qua. Hiện tượng El Nino được dự báo sẽ duy trì với xác suất 80-90% trước khi chuyển sang pha trung tính vào giữa năm khiến nhiệt độ lên rất cao. Nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát theo đó tăng đáng kể. 

Tuy nhiên, các hồ thủy điện tại phía Bắc phải ưu tiên tích trữ, giữ nước để phát điện vào mùa nóng và không thể cạnh tranh với nhóm nhiệt điện (bao gồm cả điện than và điện khí). 

Cục Điều tiết điện lực hiện đang huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho toàn miền Bắc. Với điện khí, các tổ máy huy động theo nhu cầu của hệ thống nhằm ràng buộc chống quá tải lưới điện, chất lượng điện áp và an toàn cho hệ thống cấp khí. 

Thủy điện không thể cạnh tranh với nhóm nhiệt điện
Thủy điện không thể cạnh tranh với nhóm nhiệt điện

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự kiến phương án phụ tải năm 2024 tăng trưởng 8,96%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống đạt 306,4 tỷ kWh. Các nhà máy nhiệt điện than giữ vững vai trò chủ đạo, ước tính đóng góp 168,7 tỷ kWh, chiếm 55,1% tổng sản lượng trên toàn hệ thống, tăng hơn 28,8% so với năm ngoái để bù vào sự thiếu hụt sản lượng từ những nhà máy thủy điện miền Bắc.

Hiện tại, giá than đá thế giới là 129 USD/tấn, giảm 34% so với cùng kỳ, được dự báo duy trì ở mức thấp sau khi các nhà máy tại Trung Quốc tăng mạnh sản lượng và hàng tồn kho. Nguyên liệu đầu vào của các nhà máy điện than là than trộn được cung cấp từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, nguyên liệu này sẽ hưởng lợi từ giá than đầu vào thấp, hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận gộp của công ty.

Các nhà máy điện khí vẫn duy trì hoạt động ở mức cao nhằm chạy nền cho năng lượng tái tạo (khu vực miền Nam). Song lại ít có khả năng cạnh tranh hơn điện than, vì giá mua khí đầu vào khá cao. 

Cụ thể, giá dầu Brent liên tục tăng giá kể từ đầu năm nay, hiện đang ở mức 87 USD/thùng - cao hơn dự báo 80 USD/thùng, khiến chi phí của các nhà máy điện khí tăng theo. Trong kế hoạch cung cấp khí năm 2024, Bộ Công thương đã giảm 20% sản lượng khí cho phát điện, nguồn cung càng thêm eo hẹp.

Trong năm nay, Bộ Công thương dự kiến giao sản lượng điện sản xuất ở mức cao cho Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán: HND) và Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), lần lượt là 7,75 tỷ kWh và 7,72 tỷ kWh, cao hơn mức thiết kế của 2 nhà máy này là 7,2 tỷ kWh/năm. Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP (PGV) được giao chỉ tiêu sản lượng phát điện là 26,121 tỷ kWh.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) đặt mục tiêu sản lượng điện trong năm nay đạt 16,703 tỷ kWh, tăng hơn 2,26 tỷ kWh so với ước thực hiện 14,443 tỷ kWh của năm 2023.

Nguồn cung khí đầu vào ngày càng thêm eo hẹp
Nguồn cung khí đầu vào ngày càng thêm eo hẹp

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, sản lượng điện năm 2024 của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) có thể đi ngang so với mức nền thấp năm ngoái, đạt 2,87 tỷ kWh. Trong 2 tháng đầu năm, nhà máy này chỉ được huy động sản lượng thấp là 7,8 triệu kWh khi chào giá vận hành cao hơn giá điện thị trường.

Cổ phiếu chưa thu hút nhà đầu tư

Nhiều tổ chức, công ty chứng khoán đưa ra các dự báo tích cực đối với ngành điện năm 2024 nhờ triển vọng phục hồi của sản xuất và lực đẩy từ Quy hoạch điện VIII. Nhóm nhiệt điện được huy động mạnh để bù vào sự thiếu hụt của nhóm thủy điện. Tuy nhiên, giá cổ phiếu điện than tính đến nay chỉ tăng 3% so với đầu năm, như PPC, HND, chỉ có QTP tăng hơn 6%. 

Cổ phiếu điện khí NT2 tăng khoảng 3%, POW tăng gần 1%, PGV giảm hơn 6. Trong khi đó chỉ số VN-Index đã tăng hơn 11%, nhiều nhóm ngành khác như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí… tăng giá mạnh.

Nhóm cổ phiếu ngành điện tăng rất ít so với thị trường chung
Nhóm cổ phiếu ngành điện tăng rất ít so với thị trường chung

Chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank - Ông Bùi Võ Thế Vinh cho rằng, thị trường chứng khoán giai đoạn này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như nền kinh tế bắt đầu hồi phục từ đầu năm 2024, môi trường lãi suất thấp, các doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng trở lại, kéo theo mức sinh lợi của cổ phiếu tăng. Đặc tính của nhóm ngành điện là chu kỳ không có được mức tăng giá mạnh như một số nhóm ngành khác.

Với nhóm điện khí, không chỉ ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt nguồn khí đầu vào, giá sản xuất cao, sự cạnh tranh với nguồn năng lượng tái tạo khiến cho kết quả kinh doanh năm 2024 chưa thể khởi sắc, mà còn kém khả quan khiến các cổ phiếu ngành này chưa thể hiện được sự hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Nhóm điện than lại đang chịu ảnh hưởng từ yếu tố môi trường. Một vài mã cổ phiếu nhóm này như QTP, HND được đánh giá tích cực nhờ việc các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn trả cổ tức cao (hết nợ vay, khấu hao, sản lượng ổn định, không đầu tư lớn), tỷ suất cổ tức đạt được tốt hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. 

Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán đang có nhiều nhóm ngành đang trong xu hướng tăng trưởng, hiệu suất đầu tư cao. Các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn với các cổ phiếu tốt hơn ở vùng giá hấp dẫn. Do đó, dù cổ phiếu điện than có thông tin hỗ trợ nhưng chưa tạo sức hấp dẫn vào thời điểm này.

Trước đây, cổ phiếu điện được xếp vào nhóm ngành phòng thủ và là nơi trú ẩn an toàn khi thị trường biến động. Ví dụ, thị trường năm 2022 có những đợt giảm mạnh, dòng tiền ưu tiên vào nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ cao như điện để giữ an toàn.

Ông Bùi Võ Thế Vinh khuyến nghị, các nhà đầu tư ngắn hạn không nên tham gia nhóm ngành điện, bởi các cổ phiếu này sẽ hợp với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro ở mức trung bình thấp. Các nhà đầu tư nên tham khảo những mã cổ phiếu của doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự ổn định trong cơ cấu nguồn điện, tài chính vững mạnh, dòng tiền khỏe, có dư địa chi trả cổ tức lớn./.