Hai động lực đẩy giá cổ phiếu cao su tăng vọt
Nhu cầu cao su tăng mạnh nhờ thị trường ô tô
Theo thống kê, từ ngày 16/8/2023 đến ngày 20/3/2024, giá cao su thiên nhiên thế giới đạt 171,9 USD/kg, tăng 35,4% từ mức 127 USD/kg.
Nguyên nhân khiến giá cao su thiên nhiên tăng mạnh là nhờ sự phục hồi của thị trường ô tô tại Trung Quốc. Doanh số bán hàng ô tô trong tháng 11/2023 tại đây tăng 27,4% lên mức 2,97 triệu xe; tháng 12/2023 tăng 23,5% lên mức 3,15 triệu xe.
Quan sát thực tế, doanh số bán xe tháng 1/2024 tại Trung Quốc tăng 69% lên mức hơn 1 triệu xe. Theo dự báo của Rystad Energy, năm 2024, doanh số bán ô tô có thể tăng 18,5 triệu xe lên mức 17,5 triệu xe.
Đơn vị nghiên cứu thị trường Michelin cho biết, Trung Quốc tăng 30% nhu cầu lốp dành cho xe mới so với cùng kỳ tháng 12/2023, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn đầu năm nay.
Trong khi tại Thái Lan - thị trường xuất khẩu cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới, đang có những dấu hiệu cho thấy thời tiết khắc nghiệt hơn và có thể diễn ra nhiều ở khu vực trồng cao su, dẫn tới dự báo suy giảm nguồn cung đáng kể. Một số thị trường xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn khác trong khu vực như Malaysia và Indonesia cũng phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, càng làm dự báo nguồn cung trầm trọng hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, những yếu tố bên ngoài như sự gián đoạn của các tuyến vận chuyển, nhất là khu vực Biển Đỏ là một phần nguyên nhân khiến giá cao su thiên nhiên tăng cao.
Giám đốc Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) - bà Đỗ Minh Trang cho biết, đà tăng giá cao su tiếp tục được hỗ trợ khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang dần tăng trưởng trở lại, giúp giảm tồn kho cao su, nhất là sự bùng nổ về nhu cầu từ nhóm sản xuất ô tô và các sản phẩm hỗ trợ. Trung Quốc chiếm hơn 20% cơ cấu nhập khẩu cao su thiên nhiên toàn cầu, do đó họ đã đẩy mạnh nhập khẩu - đây là động lực gia tăng giá cao su.
Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng, kể từ năm 1990 tới nay, xu hướng sử dụng cao su thiên nhiên trên thế giới tăng cao, giảm nhu cầu sử dụng cao su nhân tạo, gần chạm ngưỡng cân bằng. Từ năm 2015-2022, có khoảng 70% tổng lượng cao su thiên nhiên toàn cầu phục vụ ngành ô tô. Trong đó, thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc, chiếm trung bình 40% tổng sản lượng.
Sản lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu trong năm 2023 ước đạt 15,5 triệu tấn, sản lượng khai thác ước đạt 15,14 triệu tấn. Như vậy, chênh lệch cung - cầu trong giai đoạn 2024-2025 ước tính khoảng 600.000-800.000 tấn/năm.
Thị trường Việt Nam sau một thập kỷ tăng trưởng ổn định, lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm sản lượng cao su thiên nhiên vào năm 2023 (-3,5%), xuống 1,29 triệu tấn. Sản lượng cao su giai đoạn 2024-2025 dự kiến sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng từ 3-5%.
Cổ phiếu “vàng trắng” tăng mạnh
Nhờ động lực là giá cao su thế giới tăng cao đã tạo lực hỗ trợ nhóm cổ phiếu ngành này tăng giá. Tính riêng từ ngày 24/1/2024 - 20/3/2024, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP tăng 56,9%; cổ phiếu DRI của Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk tăng 51,4%; cổ phiếu PHR của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa tăng 32,8%; cổ phiếu DPR của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú tăng 27,9%; cổ phiếu TRC của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh tăng 18,1%.
Nổi bật trên thị trường một số mã có mức định giá cao là GVR, với P/E là 50,75 lần so với trung bình ngành 38,32 lần; định giá P/B là 2,64 lần so với trung bình ngành này là 2,13 lần.
Mức định giá cao của cổ phiếu này không chỉ tới từ câu chuyện kỳ vọng hưởng lợi từ giá cao su tăng. Thực tế, GVR còn đang có thêm 2 câu chuyện hỗ trợ là tái cơ cấu và chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp.
Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP đã có kế hoạch chuyển nhượng vốn đối với đơn vị do doanh nghiệp này nắm cổ phần chi phối là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su và 7 công ty không nắm cổ phần chi phối, bao gồm Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Cổ phần EVN Quốc tế (EIC), Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Vũng Tàu (VIR), Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), Công ty Cổ phần Điện Việt Lào, Công ty Cổ phần Tổng công ty Xây dựng và Thủy lợi 4, Công ty Cổ phần BOT Quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư.
Tiếp đó, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thoái vốn tại GVR đến hết năm 2025, doanh nghiệp này lên kế hoạch phát triển tới năm 2025 với 23.444 ha (hiện tại là 10.977 ha) diện tích đất khu công nghiệp.
Lập kế hoạch kinh doanh mới
Động lực từ giá cao su giúp cải thiện biên lợi nhuận, song một số doanh nghiệp còn thận trọng lên kế hoạch kinh doanh mới cho năm 2024.
Đơn cử, Cao su Phước Hòa lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 lần lượt là 1.455 tỷ đồng và 245,2 tỷ đồng, tương đương giảm 10,1% và 46,9% so với mức thực hiện năm 2023. Riêng quý I/2024, Cao su Phước Hòa đặt kế hoạch lãi trước thuế 12,03 tỷ đồng, giảm 95,8% so với quý I/2023.
Năm 2023, doanh thu của Cao su Phước Hòa đạt 1.619,2 tỷ đồng, hoàn thành 89,1% kế hoạch năm; Lợi nhuận sau thuế là 461,6 tỷ đồng, hoàn thành 92,1% kế hoạch.
Trong khi GVR đặt mục tiêu năm 2024 đạt kết quả kinh doanh tương đương với mức thực hiện năm ngoái. Theo đó, hướng đến mục tiêu đạt doanh thu và thu nhập khác là 24.999 tỷ đồng, tăng 1,1%; Lợi nhuận trước thuế là 4.104 tỷ đồng, giảm 0,5%; Lợi nhuận sau thuế là 3.437 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2023.
Bà Trang cho hay: “Phần lớn doanh nghiệp cao su có lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm so với năm 2022. Giá cao su được kỳ vọng phục hồi trong năm nay vì thiếu hụt nguồn cung, từ đó giúp xuất khẩu cao su của Việt Nam lấy lại sự tăng trưởng, cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cao su sau thời kỳ khó khăn. Nhưng đà tăng giá cổ phiếu ngành từ đầu năm tới nay có phần hơi tích cực quá so với diễn biến kinh doanh của doanh nghiệp trong nước”./.
- Hai cổ phiếu cao su tăng trần nhờ đất khu công nghiệp
- Doanh nghiệp cao su năm 2023 gặp khó, triển vọng nào cho năm 2024?