ISSN-2815-5823

Còn rất nhiều dư địa để thị trường trái phiếu phát triển

(KDPT) - Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, thị trường trái phiếu đã có những dấu hiệu tích cực hơn, doanh nghiệp đã quay lại phát hành trái phiếu. Thị trường còn rất nhiều dư địa để định hướng phát triển an toàn, lành mạnh hơn thời gian tới.
Thúc đẩy sự phát triển minh bạch bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẵn sàng cho giai đoạn mới

Đánh giá về thị trường trái phiếu của Việt Nam trong mối tương quan với thị trường vốn, tài chính ở các nước trong khu vực, tại Tọa đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" vào chiều 4/12 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ rõ có 3 điểm khác biệt cần lưu ý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ở nước ta còn non trẻ, bắt đầu chính thức 10 năm trở lại đây, nhộn nhịp chủ yếu từ 2016, 2017 đến bây giờ.

Quy mô thị trường TPDN còn nhỏ, tương đương 11% GDP. So với Trung Quốc khoảng 36%, Hàn Quốc khoảng 89%, Singapore 26% và Thái Lan 27%. Rõ ràng chúng ta nhỏ bé hơn bất kỳ nước nào trong khu vực.

Tính đặc thù đặc biệt của chúng ta rất khác so với khu vực về cơ sở nhà đầu tư, về hình thức phát hành giữa riêng lẻ với công chúng. Chính vì thế, ông Lực cho rằng, chúng ta không nên quá lo lắng, bởi vì còn rất nhiều dư địa để định hướng phát triển an toàn, lành mạnh hơn thời gian tới.

Ông Lực lấy ví dụ, hiện nay vai trò của thị trường trái phiếu nếu như so tổng thể với thị trường tài chính của chúng ta, thì quy mô dư nợ trái phiếu so với tài chính chiếm khoảng 13%. Trong khi đó ở Thái Lan là khoảng 27%, Philippines là 22%, Trung Quốc khoảng 25%. Rõ ràng chúng ta còn dư địa có lẽ là tăng gấp đôi quy mô của thị trường này.

Ví dụ Chiến lược tài chính của Bộ Tài chính có yêu cầu phát triển thị trường trái phiếu nói chung, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ và TPDN sẽ phải tương đương 47% GDP đến 2025. Ông Lực rất mong chúng ta sẽ phát triển theo hướng đó, nhưng quan trọng hơn chính là chất lượng TPDN của chúng ta.

"Tôi xin lưu ý thêm là tổ chức phát hành phải nâng cao chất lượng của mình, theo đó quản trị doanh nghiệp phải nâng tầm lên, hướng vào tính công khai, minh bạch và tính chuyên nghiệp của thị trường", Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói.

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI cho biết, từ cuối năm 2022, toàn bộ các thành viên thị trường có chung một mối quan ngại là liệu rằng đến năm 2023 điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đến thời điểm này, tôi cũng như tất cả các anh ở đây, chúng ta đều có thể nói rằng đã có "hạ cánh mềm" cho sự việc này.

Trước tiên, Bộ Tài chính đã quyết liệt đưa ra Nghị định 08 để có cơ sở pháp lý giúp các bên cùng đàm phán và gia hạn. Thứ hai là việc đưa vào vận hành thị trường trái phiếu riêng lẻ thứ cấp trong một thời gian thật sự nhanh chưa từng có tiền lệ cũng giúp hỗ trợ rất lớn cho việc xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư và thị trường.

Ở đây có hai việc đối với vận hành trái phiếu riêng lẻ tập trung.

Thứ nhất là tính minh bạch của thị trường rất quan trọng. Nếu như trước đây, các nhà đầu tư thứ cấp chỉ có thể thông qua hệ thống phân phối, bên môi giới bán hàng để tiếp cận thông tin và thông tin được truyền tải một cách không đầy đủ.

Bây giờ thông qua thị trường trái phiếu tập trung, nhà đầu tư hoàn toàn có quyền và có khả năng tiếp cận được đầy đủ tất cả thông tin mà họ muốn tiếp cận.

Như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro là các hệ thống phân phối đưa ra những mời chào quá mức hay lời hứa đây là những sản phẩm không rủi ro. Bà Ngọc Anh cho rằng việc vận hành thị trường TPDN riêng lẻ này đóng một vai trò rất quan trọng đem lại tính minh bạch cho thị trường, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân.

Thứ hai là tính thanh khoản của thị trường, nếu trước đây các nhà đầu tư không có một thị trường để giao dịch, mua đi bán lại thì hiện nay họ đã có một thị trường giao dịch điện tử để mua đi bán lại với những điều khoản, điều kiện và cam kết rất rõ ràng trong phụ lục 05, cũng làm cho các nhà đầu tư nâng cao hiểu biết và tăng tính trách nhiệm trong bất kỳ giao dịch nào. Điều đó đối với tất cả những bên tư vấn liên quan đến xây dựng thị trường, tạo lập thị trường cũng như vậy.

"Tôi nghĩ rằng, thời điểm sắp kết thúc 2023 cũng là thời điểm tất cả chúng ta đều thấy rằng một năm rất khó khăn đã đi qua và thực sự đây là cơ hội, tiền đề để sang năm 2024 sẽ có những tăng trưởng vượt bậc trong thị trường này", Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, từ sau các vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, thị trường TPDN bị tác động nặng nề, nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ của Nhà nước.

Trong số các chính sách đó, việc Chính phủ khẩn trương và kịp thời ban hành Nghị định 08, trong đó có chính sách hoãn thực hiện số quy định của Nghị định 65 cũng như chính sách cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, doanh nghiệp đã quay lại phát hành được trái phiếu, quý 1 hầu như không có đợt phát hành nào, từ quý 2 trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.

Thứ hai, căn cứ các quy định của Nghị định 08, doanh nghiệp và nhà đầu tư trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp thì đến nay đã có phương án đàm phán, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023.

Ngoài ra, những doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn.

Cùng với đó, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng các bộ, ngành tăng cường kiểm tra giám sát để xử lý các vi phạm trên thị trường nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường; thực hiện công tác tuyên truyền, cảnh báo rủi ro trên thị trường với nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, tổ chức trung gian tài chính.

Tại cuộc họp giữa Bộ Tài chính và các hiệp hội, thành viên thị trường mới đây, thành viên thị trường đánh giá rất cao các chính sách của Nghị định 08 vừa kịp thời, vừa tạo khung khổ để nhà đầu tư và doanh nghiệp cùng đàm phán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian tái cơ cấu lại khoản nợ hiện hành của doanh nghiệp.

Về vai trò của thị trường trái phiếu trong thời gian tới, ông Dương cho rằng, TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng của doanh nghiệp. Thứ hai, việc phát triển thị trường TPDN cũng là để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước để từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng.

Trong thời gian tới, khi doanh nghiệp cần một lượng vốn lớn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kinh tế hồi phục, kênh TPDN càng trở nên quan trọng hơn.

"Do đó, buổi tọa đàm này cũng góp phần để cơ quan quản lý và các cơ quan có liên quan nhận biết, đánh giá tình hình để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới nhằm phát triển thị trường TPDN bền vững, minh bạch, hiệu quả", ông Dương nói./.

HƯƠNG LAN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine