ISSN-2815-5823
Thứ hai, 01h42 14/01/2019

CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ hôm nay

(KDPT) – Theo quy định 60 ngày kể từ khi các nước thông báo cho New Zealand (nước lưu chuyển hiệp định) về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định này sẽ hiệu lực với quốc gia đó. Như vậy, với thông báo tới New Zealand từ 15/11/2018, thì hôm nay (14/1/2019) CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam.

Ngày 30/12/2018, Hiệp định CPTPP đã bắt đầu chính thức có hiệu lực với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore – 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP .

Đối với Việt Nam, ngày 12/11/2018, tại Kỳ họp thứ VI Quốc hội khoá XIV, với 100% các vị đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Để thực thi Hiệp định CPTPP, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ: Công Thương, NN-PTNT, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư về hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN-PTNT, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng “Luật sửa một số Luật để thực thi Hiệp định CPTPP” để trình Quốc hội cho phép thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019.

Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.

Với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử…

Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9.2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.

Tuy nhiên, VN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng chú ý là việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế.

Để thực thi cam kết trong CPTPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn… để tuân thủ những chuẩn mực mới của hiệp định.

Nhằm giúp các doanh nghiệp củng cố những thông tin cần thiết, đối thoại với các chuyên gia, các nhà làm chính sách để góp phần điều chỉnh chính sách cho phù hợp với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức diễn đàn: “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?” diễn ra vào ngày 20/1/2019 tại 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.

Theo đó, diễn đàn với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu cả nước sẽ tư vấn giúp doanh nghiệp chủ động nắm bắt các cơ hội và kiểm soát thách thức từ CPTPP, nâng cao năng lực thâm nhập và phòng vệ, tăng cường thông tin chính sách giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ chính sách pháp luật …

Diễn đàn cũng là nơi ghi nhận những ý kiến, lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp trong thực tế quá trình hội nhập của doanh nghiệp để tham vấn các chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh trong nước, thâm nhập thị trường quốc tế.

Phương Thúy

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024