ISSN-2815-5823

Đấu giá đất vùng nông thôn ‘cao ngất’, nhiều nhà đầu tư phải bỏ cọc, hủy giao dịch

(KDPT) – Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Đáng chú ý, giá khởi điểm ở một số vùng nông thôn cao ngất ngưởng, đạt mức 110 triệu đồng/m2.

Đấu giá đất từ phố tới nông thôn nóng ‘bỏng tay’

Vừa qua, phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến dư luận xôn xao, mức giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá này càng trở nên sôi động khi có tới 800 – 900 hồ sơ nộp tham dự.

Sức nóng của phiên đấu giá càng được đẩy cao hơn khi nhìn vào kết quả. Giá trúng cao hơn giá khởi điểm từ 2 – 2,5 lần, khiến nhiều nhà đầu tư nộp từ 5 – 10 bộ hồ sơ nhưng vẫn ra về trắng tay.

Cá biệt, lô B12 diện tích 44,5 m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2 nhưng mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá cao nhất của phiên đấu giá.

Lô đất tại Khu X4, Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) có giá đấu trúng là 364 triệu đồng/m2 đang quây tôn.

Phiên đấu giá ‘bỏng tay’ ở Thủ đô chưa kịp hạ nhiệt, thì mới đây, thông tin UBND tỉnh Nam Định phê duyệt giá khởi điểm một số lô đất cao ngất ngưởng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở tại 7 xã thuộc huyện Mỹ Lộc cũng khiến giới đầu tư giật mình.

Cụ thể, xã Mỹ Thắng là địa phương có nhiều lô đất được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt giá khởi điểm cao 30-50 triệu đồng/m2, tương đương với giá mỗi lô đất 2,3 đến 6,4 tỷ đồng, tùy vào diện tích. Cá biệt, tại xã này cũng có 6 lô đất tại vị trí đường xã (từ giáp địa giới xã Mỹ Hưng đến Cầu Thịnh) có diện tích từ 87,7 đến 107,3 m2 có giá khởi điểm 110 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 9 đến 11 tỷ đồng/ lô.

Theo anh Nguyễn Đình Phúc – một môi giới bất động sản ở trên địa bàn huyện Mỹ Lộc chia sẻ, giá đất ở nhiều xã, trong đó có Mỹ Thắng 2 năm trở lại đây liên tục tăng cao. Nguyên nhân giá đất tăng là do chủ trương phát triển làng nghề, khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng của địa phương ngày càng đẩy mạnh. Điều này khiến nhu cầu đất đai tại địa phương này tăng cao.

“Xã Mỹ Thắng là địa phương có làng nghề dệt may truyền thống nổi tiếng ở Nam Định với hàng nghìn lao động đang làm việc Nhà mặt đường tại xã Mỹ Thắng có ô tô đi được, thuận lợi kinh doanh, hiện cũng giao động từ 35-50 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí”, anh Phúc nói.

Chia sẻ thêm về 6 lô đất vừa được phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá 110 triệu đồng/m2, anh Phúc bình thản nói: “Đất trên trục đường này có vị trí đắc địa, thuận lợi cho việc làm kho xưởng, kinh doanh nhất xã Mỹ Thắng hiện tại. Giá 110 triệu đồng/m2 khu vực trên cũng ngang ngửa giá thị trường, có khi cao hơn do vị trí tốt hơn”.

Liên quan tới công tác đề xuất phê duyệt đấu giá, cán hộ phòng Tài nguyên và Môi trường một huyện ở tỉnh Nam Định chia sẻ, giá khởi điểm để đấu giá đất được khảo sát sát nhất với giá thị trường. Điều này trước tiên sẽ ngăn chặn được tình trạng nhà đầu cơ “lướt cọc” sau đấu giá. Tiếp đó, người mua thực sẽ cơ hội tiếp cận lô đất, mang hiệu quả cho Nhà nước.

Đấu giá ‘trên trời’ rồi bỏ cọc

Sau phiên đấu giá đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Hà Nội), theo ghi nhận của PV Dân Việt, các lô đất được đấu giá trên đã nhanh chóng được rao bán trên các trang bất động sản điện tử. Những dòng chữ “cần bán đất” và số điện thoại cũng nhặt nhịt phủ trên các tấm tôn vây quanh ô đất vừa được đấu giá.

Theo lời các môi giới, các lô đất được rao bán sau phiên đấu giá được “thổi” giá cao hơn từ 20-40 triệu đồng/m2 so với giá trúng.

Các lô đất khu X4 Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) được rao bán ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc.

Thực tế cho thấy, do tình trạng “sốt đất” đầu năm đã bị ngăn chặn và ảnh hưởng của dịch CoVid-19 kéo dài khiến thị trường bất động sản một số địa phương không được như kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư “ôm đất” đấu giá bị hụt hơi, đành phải bỏ cọc, hủy giao dịch dẫn tới việc chính quyền phải hủy kết quả đấu giá cũng xảy tại nhiều địa phương như tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Nội…

Gần đây nhất, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh (Hà Nội) vừa có thông báo việc lựa chọn đơn vị thực hiện đấu giá tài sản thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với 8 lô đất liền kề đã hủy kết quả trúng đấu giá tại điểm X2, xứ đồng Bói, đồng Bền, thôn Văn Lôi (xã Tam Đồng).

Trước đó, tại Bắc Giang, theo kết quả rà soát của huyện Lạng Giang và TP Bắc Giang trong các phiên đấu giá đất từ đầu năm đến hết tháng 9/2021 đã có đến 29 lô đất trúng đấu giá nhưng khách hàng bỏ cọc.

Theo đánh giá của chuyên gia, mục đích của việc đấu giá là tìm ra nhà đầu tư nghiêm túc nhất trong những nhà đầu tư nghiêm túc. Tuy nhiên, tại một số buổi đấu giá, giá thường bị đẩy lên cao trong các trường hợp việc đấu giá bị giới đầu cơ thao túng. Khi đó, đất được mua chỉ để được bán lại.

Nhà đầu cơ liều lĩnh nhất sẵn sàng trả giá cao để mua và thiết lập tình trạng độc quyền hoặc ít nhất là địa vị khống chế của nhà cung ứng để có thể thoải mái hét giá cao ngất đối với hàng hóa của mình. Hệ quả là đã có nhiều nơi, đất đấu giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm nhưng sau đó lại bị bỏ hoang. Nhiều trường hợp trúng đấu giá khác lại ‘bỏ cọc’…

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo, ở thời điểm hiện tại trước khi đầu tư đất nền cần hết sức lưu ý vì trong mấy tháng đầu năm có xảy ra tình trạng ‘sốt đất’. “Bởi khi ‘sốt đất’ giá đất không thực, là ‘giá ảo’, ‘giá bong bóng’ nên nếu đầu tư lúc này chỉ có thua thiệt và thực tế là chưa đầu tư đã thấy lỗ, nhất là khi tham gia các phiên đấu giá đất với tâm lý ‘ganh đua’ nên bị ‘say đòn’ trả giá cao hơn nhiều mức mục tiêu để rồi bị bước hụt”, ông Đính cảnh báo.

MINH ĐỨC



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/12/2024