Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước
Thông tin từ Bộ TT&TT cho biết, ngày 10/4/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 64 về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; môi trường pháp lý cần tiếp tục được hoàn thiện để tháo gỡ các điểm nghẽn cho phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số trong giai đoạn mới.
Theo dự thảo, thực tế việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.
Cụ thể, nhiều hệ thống, ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước được triển khai, nhưng rời rạc, thiếu kết nối; sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả, còn trùng lặp. Người dân, doanh nghiệp vẫn phải cung cấp lặp lại thông tin cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính. Cơ quan Nhà nước vẫn yêu cầu người dân cung cấp những giấy tờ do chính các cơ quan Nhà nước cấp trước đó…
Vì vậy, Bộ TT&TT đề xuất xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 64 và có tên gọi là Nghị định về chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Dự thảo nêu rõ các nguyên tắc triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, yêu cầu công khai, minh bạch thông tin trên môi trường số, bảo vệ dữ liệu cá nhân do cơ quan Nhà nước nắm giữ trên môi trường số, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm
Về điều kiện bảo đảm phát triển chính phủ số, dự thảo quy định về yêu cầu triển khai các nội dung mang tính nền tảng, tạo điều kiện thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính phủ số, bao gồm các nội dung chính sau: Xây dựng hạ tầng số, bao gồm xây dựng hạ tầng mạng, xây dựng nền tảng điện toán đám mây chính phủ, xây dựng hạ tầng internet vạn vật…
Kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong chính phủ số, gồm nguyên tắc kết nối, chia sẻ dữ liệu; mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm kỹ thuật trong kết nối, chia sẻ dữ liệu; kết nối hạ tầng số của cơ quan Nhà nước; mở dữ liệu.
Xác thực người giao dịch trong chính phủ số: Hình thức xác thực người giao dịch trong chính phủ số; cung cấp dịch vụ xác thực người giao dịch trong chính phủ số; sử dụng dịch vụ xác thực người giao dịch trong chính phủ số.
Phát triển và sử dụng nguồn nhân lực: Chính sách phát triển nguồn nhân lực CNTT của cơ quan Nhà nước; ưu đãi nhân lực CNTT trong cơ quan Nhà nước; biên chế cán bộ chuyên trách về CNTT.
Đầu tư cho chính phủ số: Ưu tiên bố trí ngân sách cho chính phủ số; nội dung đầu tư cho chính phủ số; tiêu chí ưu tiên đầu tư dự án phát triển chính phủ số; khuyến khích các nguồn đầu tư cho chính phủ số; quyền sở hữu trí tuệ đối với giải pháp, phần mềm, cơ sở dữ liệu.
Dự thảo cũng quy định về trách nhiệm, yêu cầu triển khai các hoạt động của cơ quan Nhà nước trên môi trường số, bao gồm quy trình công việc (chuẩn hóa, cải tiến, thiết kế lại quy trình công việc của cơ quan Nhà nước, yêu cầu đồng bộ, kết nối, liên thông quy trình công việc giữa các cơ quan Nhà nước…); trao đổi văn bản điện tử, như tăng cường sử dụng văn bản điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử, hoạt động gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản điện tử, sử dụng chữ ký số, lưu trữ văn bản điện tử…
Độc giả có thể xem toàn văn Dự thảo Nghị định tại đây.
THU ANH