Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Cục chế biến và Phát triển nông sản (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các chuyên gia kinh tế - tài chính, đại diện các nhà phân phối, các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: M.P)
Hình ảnh tại Diễn đàn.

Trước bối cảnh tình hình kinh tế xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động thì vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã lại càng trở thành vấn đề cấp bách. Nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua càng cho thấy liên kết vùng còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải có sớm câu trả lời thỏa đáng về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm,…

Với khu kinh tế tập thể, hợp tác xã hiện nay, vai trò liên kết vùng lại càng trở nên quan trọng khi mà khu vực này đang sở hữu thu hút khoảng 7 triệu thành viên. Cùng với đó, các hợp tác xã hiện nay đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 hợp tác xã.

Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%). Nếu như năm 2010 mới chỉ có 03 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2021, nhóm hàng nông sản đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Một số mặt hàng nông sản chủ lực như gạo (đứng thứ 2 thế giới với khoảng 18,2% thị phần), hồ tiêu (đứng thứ nhất thế giới với khoảng 14,3 thị phần), hạt điều (đứng thứ 2 thế giới với khoảng 9,5 thị phần, cà phê (40% thị phần)… Hiện tại, nông sản Việt Nam đã có mặt ở thị trường hơn 100 quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nga, ASEAN, Hoa Kỳ,…

Tuy nhiên, việc các hợp tác xã chưa đẩy mạnh liên kết vùng sẽ dễ xảy ra tình trạng sản xuất trùng lặp, không có sự sắp xếp theo mô hình đầu-cuối của chuỗi giá trị, từ đó dễ dẫn đến dư cung, không phát huy được giá trị của chuỗi trong sản xuất kinh doanh hàng hóa.

Trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX thì vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế (còn gần 70% hợp tác xã nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế).

Không những vậy, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.

Việc thiếu “nhạc trưởng” đứng ra điều phối khiến nhiều địa phương nằm trong mắt xích liên kết, sau khi hô hào liên kết hợp tác với nhau nhưng sau đó đã quay ra tổ chức các hoạt động riêng như thể “một mình một mâm”. Cần đến lúc việc liên kết từng vùng, miền cũng như liên kết doanh nghiệp và hợp tác xã phải ngồi lại một lần nữa, dưới sự cầm trịch của một “nhạc trưởng” đủ sức điều phối các mối quan hệ. Thành phần ấy được cho là “có trên có dưới” thì mới đưa ra được chương trình hợp tác cụ thể, không còn xảy ra chuyện xé rào, mạnh ai nấy làm. Trách nhiệm của “nhạc trưởng” trong liên kết vùng là cần làm sao gia tăng được sợi dây liên kết để tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp và HTX. Nhất là phải két nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền tới gần với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trong diễn đàn các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp để đẩy mạnh hợp tác gắn với liên kết vùng và nâng cao hiệu quả của việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và HTX. Cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng. Giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại.

Cần thắt chặt liên kết “bốn nhà” (trong đó có mô hình liên kết HTX) chính là nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất (bao gồm cơ cấu cây trồng, vật nuôi) theo hướng chuyên môn hóa theo vùng lãnh thổ và mở rộng liên kết vùng. Gắn hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX với xây dựng nông thôn mới. Nông thôn mới đòi hỏi phải có nông dân kiểu mới. Còn doanh nghiệp phải tìm, mở được thị trường tiêu thụ; tổ chức liên kết với nông dân về vùng quy hoạch nguyên liệu,..

Cùng với đó, tìm hiểu, tham gia, triển khai và làm chủ các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với năng lực và yêu cầu của đất nước, địa phương và ngành. Thông qua việc liên kết, hợp tác giữa các HTX trong vùng sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm nông sản, tạo ra những sản phẩm đặc thù nhưng có chất lượng cao cho toàn vùng, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển hàng hóa.