ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ tư, 06h33 27/03/2024

Đẩy mạnh quá trình số hóa tại các bảo tàng

(KDPT) - Lĩnh vực bảo tàng đang nỗ lực chuyển mình nhằm tạo dựng vị thế, trở thành địa chỉ hấp dẫn với du khách nhờ thích ứng nhanh với xu hướng số hóa. Các bảo tàng sử dụng công nghệ số để tăng cường tương tác với du khách. Chính công nghệ này khiến không gian bảo tàng vượt lên chức năng bảo quản hiện vật, di sản để lan tỏa những câu chuyện của lịch sử, văn hóa.

Công nghệ giúp xóa nhòa khoảng cách thời gian, không gian 

Từng trải nghiệm chuyến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bằng ứng dụng 3D tour trực tuyến của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Chỉ cần ngồi tại nhà, dùng một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet là tôi đã có thể tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng mà không cần phải đến tận Hà Nội. Điều thú vị nữa là tôi vừa được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật, cổ vật… vừa được nghe lời giới thiệu rất cụ thể, rõ ràng về các chủ đề trưng bày như đang có mặt ở bảo tàng”.

Để thuận tiện tham quan vì quỹ thời gian có hạn, chị Nguyễn Tú Danh (sống tại TP. Đà Nẵng) đưa con mình đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã lựa chọn thuê máy thuyết minh tự động bao gồm tai nghe, bộ điều khiển và sơ đồ tham quan. Ở từng gian trưng bày, dưới những hình ảnh đều có số tương ứng, chị Danh chỉ cần nhấn số trên máy thì sẽ có thuyết minh về chính hình ảnh hay hiện vật.

Khi đến gian trưng bày tội ác chiến tranh, ở di tích Chuồng Cọp, công nghệ hologram trình chiếu 3D hỗ trợ tạo cảm giác người xem như đang đứng trên chính di tích, bên dưới là những chí sĩ cách mạng đang bị giam cầm, với các hiệu ứng ánh sáng, âm thanh.

Chị Danh chia sẻ: “Tôi nghe được tiếng máy bay ầm ầm trên không lẫn tiếng dội của đạn bom. Tôi nhìn thấy cảnh tượng giam cầm các chiến sĩ... Nhiều hình ảnh khi nhìn vào sẽ không có cảm xúc mạnh khi được nghe câu chuyện thuyết minh, kết hợp cùng âm thanh hiện trường”.

Tại nhiều bảo tàng hiện nay, ngoài 3D tour, bảo tàng còn sử dụng các ứng dụng thông minh như quét mã QR, công nghệ thực tế ảo (VR)… để làm phong phú cách thức trưng bày của bảo tàng cũng như cách tiếp cận của du khách.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, không cần đến hướng dẫn viên, khách tham quan vẫn có thể tìm hiểu những thông tin sâu về hiện vật khi sử dụng phần mềm iMuseum quét mã QR code trên các hiện vật được trưng bày trong bảo tàng. Còn với Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (VAES), người xem có thể tiếp cận với các triển lãm và tác phẩm nghệ thuật mọi lúc, mọi nơi trên toàn thế giới, chỉ cần có thiết bị kết nối Internet…

Làm mới mình từ chính các ứng dụng công nghệ đa dạng cũng chính là điều đang được các bảo tàng của Việt Nam hướng tới. Nhìn nhận từ Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM), nhiều bảo tàng ở Việt Nam đã bắt đầu tích hợp công nghệ vào trải nghiệm của khách tham quan cũng như bảo quản hiện vật.

Một số bảo tàng cung cấp ứng dụng di động để khách tham quan có thể tải về trên điện thoại bao gồm hệ thống thuyết minh tự động hoặc quét mã QR trước mỗi gian trưng bày hay hiện vật.

“Giờ đây đến bảo tàng, bên cạnh việc thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, du khách còn được trải nghiệm hiệu ứng thị giác nhờ công nghệ số”, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nói.

Vẫn còn đó những khó khăn

Xu hướng chuyển đổi số đang được xem như chìa khóa giải quyết bài toán phát triển du lịch bền vững hơn, nâng tầm trải nghiệm cho du khách thông qua những ứng dụng công nghệ thông minh. Đây là xu hướng tất yếu, không chỉ giúp nâng cao chất lượng nội dung, dịch vụ mà còn tăng khả năng kết nối, quảng bá đến du khách. Tuy nhiên, điều cản trở, khó khăn hiện nay của sự chuyển đổi là nguồn vốn, nhân lực và cả quy định pháp luật.

Công nghệ có những tính ưu việt nhưng cũng đặt ra thách thức đối với bảo tàng. Bởi sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ dẫn đến sự thay đổi không ngừng của các phần mềm, ứng dụng. Theo đó, các nhà sản xuất sẽ phát hành định kỳ các bản cập nhật, thậm chí thay đổi phần mềm nhằm nâng cấp các tính năng hoặc khắc phục những sự cố. Điều đó có thể sẽ làm xảy ra xung đột giữa phần mềm và phần cứng thiết bị trong quá trình sử dụng, thậm chí bị mất dữ liệu. Mặt khác, phần mềm cập nhật liên tục cũng đòi hỏi cán bộ làm công tác bảo tàng cũng như du khách phải cập nhật.

Đối với trưng bày trực tuyến, sự thay đổi của phần mềm, chất lượng đường truyền cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trải nghiệm của du khách như lỗi không hiển thị hình ảnh, mất âm thanh hoặc không tải được trưng bày.

Theo ThS. Nguyễn Thị Anh (nhân viên Phòng Nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh) cho biết, để xây dựng một trưng bày trực tuyến đòi hỏi hiện vật, tư liệu, hình ảnh phải được số hóa, scan đa chiều đồng thời từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý và trưng bày hiện vật. Bên cạnh đó là đầu tư về máy móc, thiết bị phù hợp. Chính vì vậy, nguồn kinh phí vừa phải đảm bảo để trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật vừa đầu tư về nguồn lực vận hành trở thành một trong những trở ngại của bảo tàng.

Bên cạnh đó, đối tượng tiếp cận trưng bày trực tuyến còn hạn chế. Điều này thể hiện rõ trong việc không phải bất cứ người dân nào cũng có khả năng tiếp cận với công nghệ. Chính tính thay đổi thường xuyên của công nghệ cũng là một rào cản, công nghệ không ngừng đổi mới đặt ra yêu cầu về thiết bị cũng như con người tân tiến như đường truyền mạng ở những vùng sâu, xa, thiết bị điện tử hiện đại. Do đó, sẽ khó khăn đối với những du khách lớn tuổi, ở ngoại ô, miền núi trong việc tiếp cận trưng bày trực tuyến.

“Về nội dung được xây dựng trong trưng bày trực tuyến. Trưng bày trực tuyến không đơn thuần là đưa hình ảnh, tư liệu, hiện vật lên không gian ảo mà nó được thực hiện tương tự như một trưng bày truyền thống với bố cục, câu chuyện rõ ràng, hấp dẫn, hình ảnh, tư liệu, hiện vật được chọn lọc kỹ lưỡng, truyền tải được thông điệp ấn tượng đến với khách tham quan. Trưng bày trực tuyến chỉ đạt hiệu quả khi câu chuyện được xây dựng thú vị, thu hút người xem, thậm chí gợi trí tò mò cho du khách tìm đến bảo tàng”, ThS. Anh chia sẻ.

Có thể nói, quá trình thay đổi, biến bảo tàng truyền thống thành bảo tàng số, tích hợp nhiều trải nghiệm số cho du khách không thể diễn ra trong vài ngày mà đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. Do đó, bên cạnh việc các bảo tàng tự thân phải đầu tư về chuyên môn, nghiệp vụ và bắt kịp xu thế thì sự tham gia định hướng và chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước về di sản, các đơn vị đào tạo trong thời gian tới là yếu tố không thể tách rời để có được kết quả như kỳ vọng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024