ISSN-2815-5823
Thứ hai, 09h53 06/01/2020

Để Hiệp định EVFTA đi vào thực thi: Doanh nghiệp cần nhiều việc phải làm

Để Hiệp định EVFTA đi vào thực thi: Doanh nghiệp cần nhiều việc phải làm

(KDPT) – Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết vào tháng 6/2019 sau 9 năm đàm phán, mở ra cơ hội chưa từng thấy cho cả hai bên. Tuy nhiên, theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2018, hơn 15% doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa từng nghe nói về EVFTA, 80% có nghe về hiệp định này nhưng chưa tìm hiểu gì.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu và tham vấn về hiệp định này, sáng 5/1, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Viện Đào tạo, tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) tổ chức Hội thảo: “Hiệp định EVFTA – Thế và lực để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của các đại diện từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công thương, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và gần 200 đại biểu đại diện từ các doanh nghiệp. Hội thảo còn có sự tham gia đồng hành của Tổng công ty khí Việt Nam (PVGAS).

PGS.TS Đặng Văn Thanh phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS,TS. Đặng Văn Thanh – Chủ tich CLB các nhà Công Thương Việt Nam, Phó Viện trường Viện Đào tạo, tư vấn & Phát triển kinh tế (IDE) – cho biết: cùng với rất nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, EVFTA được kỳ vọng là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn trong việc mở cửa những thị trường “khó tính” cho hàng hoá của Việt Nam thì đi kèm đó là những khó khăn, thách thức không nhỏ. Ông Thanh chỉ rõ, thách thức đến từ yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật nội địa để tiệm cận với các cam kết chúng ta đã ký kết; từ những rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật (an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…), đặc biệt là sức ép cạnh tranh với hàng hoá của các quốc gia tham gia EVFTA ngay tại thị trường Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình, ông Phùng Văn Hùng – Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định : “Ký được hiệp định EVFTA là một chiến thắng, khẳng định vị thế của Việt Nam, vị thế bình đẳng với các đối tác châu Âu. Cơ hội mang lại từ hiệp định này là rất lớn, vì ta sẽ làm ăn với thị trường gồm 28 quốc gia và 500 triệu dân, tổng GNP là 18.000 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận nền tri thức tiên tiến, nền khoa học công nghệ hiện đại, cơ hội để nâng cấp, đổi mới và hoàn thiện mình. Hiệp định này cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận với các thị trường khác thuận lợi hơn”.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi hiệp định có hiệu lực, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. EVFTA được dự báo sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 20% vào năm 2020, gần 43% vào năm 2025 và 44% vào năm 2030.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tuy nhiên, vị đại diện từ Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng thừa nhận rằng, bên cạnh những cơ hội, hiệp định này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Ông nhận định quy mô và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá nhỏ. Bên cạnh đó, năng lực và chất lượng lao động Việt Nam còn yếu.

Tại hội thảo, ông Ngô Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ, việc thực thi EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.

Ông Minh lưu ý, DN Việt Nam cần tận dụng tối đa cơ hội từ giảm thuế mang lại, song muốn vào được thị trường EU, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng chuẩn EU, DN cần nghiên cứu kỹ và cập nhật chính sách mặt hàng, tìm hiểu về rào cản về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan cho đến chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại, kinh tế của từng thành việc EU…, nhằm tránh những rủi ro trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa…

Trong bài tham luận “Điều kiện cần có để doanh nghiệp Việt đóng vai trò là nhân vật chính trong thực thi EVFTA” của mình, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam cho biết: để tận dụng hiệu quả hiệp định EVFTA mang lại, ngoài sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp thì còn cần có sự cải cách và hỗ trợ về chính sách từ Nhà nước.Tuy nhiên ông Nam cũng nhấn mạnh: “Điểm yếu của doanh nghiệp Việt là không hợp tác được với nhau. Muốn hợp tác với nhau, các doanh nghiệp phải luôn luôn tự cường và liêm khiết. Để làm vậy, đầu tiên phải tôn trọng và cam kết thương hiệu, hàng hoá, giữa các doanh nghiệp với nhau và với bạn hàng. Về chính sách nhà nước, tôi kiến nghị nhà nước tập trung vào tài chính ở khu vực đổi mới sáng tạo. Bởi muốn đổi mới sáng tạo mà không có tài chính thì không thể làm được”

Tại phiên thảo luận thứ nhất của hội thảo với các đại diện của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công thương, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đại biểu tham dự đã đặt ra nhiều câu hỏi về những thách thức cũng như cơ hội của doanh nghiệp khi EVFTA có hiệu lực.

Ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long đã nêu băn khoăn mà doanh nghiệp mình đang gặp phải. Ông cho biết, doanh nghiệp của ông hiện đang thực hiện nhiều dự án với các đối tác nước ngoài, nhưng doanh nghiệp cơ khí vẫn cần điều kiện hỗ trợ, đặc biệt về vốn để hội nhập tốt hơn.

“Việc phát triển ngành cơ khí chế tạo là chủ trương lớn, ngành cơ khí dù chủ chốt, tác động đến nền sản xuất nhưng Việt Nam còn yếu, phụ thuộc nhập khẩu, nên rất cần những doanh nghiệp như Cơ khí chính xác Thăng Long hội nhập chuyên nghiệp thông qua các dự án với các đối tác châu Âu”, ông Tô Hoài Nam nói.

Với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiêp châu Âu (EuroCharm) tại Việt Nam, ông Nguyễn Hải Minh khẳng định, cũng như mọi doanh nghiệp, các doanh nghiệp đến từ châu Âu cũng luôn đặt vấn đề lợi ích làm trọng. Tuy nhiên, khi làm việc với các đối tác châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý rằng, trong rất nhiều trường hợp, giá cả hàng hoá, dịch vụ chưa hẳn là yếu tố quyết định trên bàn đàm phán mà quan trọng hơn là các điều kiện rất cao mà chúng ta phải tuân như: những hàng rào kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm, những giấy phép bắt buộc phải khi đưa hàng vào thị trường châu Âu và nhất là những vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc hàng hoá…

Ông Minh cũng nêu ra lưu ý đối với các doanh nghiệp : “Đặc biệt, để tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp châu Âu không nhất thiết các doanh nghiệp Việt Nam phải trực tiếp sang châu Âu tìm hiểu thị trường, tìm đối tác mà có thể thông qua các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp châu Âu đã có mặt tại Việt Nam để kết nối”.

Tham gia phát biểu tại hội thảo, TS Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã cung cấp những thông tin rất thú vị về những rào cản kỹ thuật mà EVFTA tạo ra đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Trả lời câu hỏi của đại diện doanh nghiệp: Chúng ta đã nhận diện rõ cơ hội, thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, vậy giải pháp để tận dụng cơ hội hoá giải thách thức là gì? TS. Phan Đức Hiếu cho rằng, trước hết cơ quan Nhà nước phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho doanh nghiệp.

“Nếu đưa ra các tài liệu chỉ dẫn đến một số trang thông tin của của châu Âu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và bảo doanh nghiệp đọc, nghiên cứu thì rõ ràng là rất mơ hồ” – ông Hiếu nói và đề nghị, các cơ quan Nhà nước cần chủ động hơn, thiết thực và hiệu qủa hơn trong việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp càng cụ thể càng tốt, từ các quy định chung, đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, các yếu tố riêng biệt của thị trường ngoài nước, đến các giải pháp thay đổi ứng phó với những quy định mới…

Song song đó là cải cách thể chế, ông Hiếu nói và phân tích, hiện thể chế vẫn đang là rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp dù Chính phủ đã rất nỗ lực cải cách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Các Đại biểu tham gia đối thoại tại phiên 2 trong khuôn khổ Hội thảo.

Tại phiên thảo luận thứ hai dưới sự điều hành của TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng cố vấn CLB các nhà công thương Việt Nam, các đại biểu đã tập trung về những đề xuất về cơ chế chính sách, những công cụ hỗ trợ của nhà nước giúp cho doanh nghiệp phát triển khi hội nhập với EVFTA.

Chia sẻ về vấn đề này tại phiên thảo luận, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, ngoài cơ chế, chính sách, thông tin,… các doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến “nguồn lực” hỗ trợ của Nhà nước. Ông Thành nhắc lại hàng loạt cơ chế mới hỗ trợ doanh nghiệp từ cấp Chính phủ đến các Bộ, ngành, và cả ở cấp địa phương. “Vấn đề là bản thân doanh nghiệp đã thực sự dành sự quan tâm tìm hiểu, thực sự chủ động thay đổi mình để đáp ứng các yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập hay chưa” – TS. Thành kết luận.

Theo đại diện ban tổ chức, Hội thảo này có thể coi là một diễn đàn mở đầy thú vị và có ý nghĩa thiết thực đối với cộng động doanh nghiệp Việt trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đang trong giai đoạn chờ Quốc hội 2 bên phê chuẩn để đi vào thực thi. Rất nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự hài lòng về những thông tin có được từ hội thảo và mong muốn tiếp tục có những cuộc hội thảo đầy ý nghĩa như thế này để doanh nghiệp hiểu và chủ động hơn trong quá trình hội nhập thực thi EVFTA, đồng thời ban tổ chức cũng ghi nhận sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PVGAS) – một doanh nghiệp cung cấp khí thô và LPG số 1 tại Việt Nam – trong công tác tổ chức chương trình này.

Đinh Khương

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024