ISSN-2815-5823

Để hợp tác xã thành “đòn bẩy” giúp giảm nghèo bền vững

(KDPT) - Để tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) với đa dạng các lĩnh vực hoạt động.

Chia sẻ tại Tọa đàm “HTX: Đòn bẩy giảm nghèo đa chiều bền vững” tổ chức ngày 2/11, nhiều đại biểu cho rằng, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa bao giờ là bài toán dễ. Bởi với cơ sở hạ tầng khó khăn, nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia dàn trải, trình độ dân trí thấp… khiến hướng đi thoát nghèo tại các địa phương này rất dễ đi vào bế tắc.

Và lời giải cho bài toán giảm nghèo bền vững khu vực này có thể đến từ mô hình phát triển kinh tế tập thể, HTX với đa dạng các lĩnh vực hoạt động, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập, đẩy lùi cái nghèo.

Nhiều HTX, tổ hợp tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang làm tốt vai trò tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nhận thức cho bà con. (Ảnh: Vietnamnet)

Theo thống kê từ Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện đã có gần 30.000 HTX, trên 223.000 tổ hợp tác, trong đó riêng vùng dân tộc thiểu số có khoảng 5.000 HTX và hơn 10.000 tổ hợp tác. Nhiều HTX, tổ hợp tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang làm tốt vai trò tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nhận thức cho bà con.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định: “Kinh tế tập thể, HTX có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững. Bởi kinh tế tập thể là một hình thức kinh tế chia sẻ, phát triển gắn với chuỗi giá trị. Kinh tế tập thể với nòng cốt là các HTX hoạt động có sự công bằng, không phân biệt người giàu, người nghèo. Điều này khác với mô hình công ty cổ phần, ai đóng góp nhiều thì có quyền năng nhiều”.

Nhiều HTX, tổ hợp tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang làm tốt vai trò tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nhận thức cho bà con. (Ảnh minh họa)

Năm 2022 khu vực kinh tế tập thể, HTX đang đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% vào GDP của cả nước, đóng góp gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Vì vậy, mô hình HTX đang trở thành đòn bẩy, bệ đỡ và điểm tựa cho nông dân nói chung, cho người dân các khu vực khó khăn, miền núi nói riêng trong thời gian tới.

Điển hình như HTX Thổ cẩm Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) đã thu hút được 140 thành viên và nhiều hộ liên kết. Mỗi năm, HTX Thổ cẩm Tả Phìn cung ứng hàng chục nghìn sản phẩm ra thị trường trong nước và nước ngoài. Nhờ đó đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các thành viên ở mọi lứa tuổi, ít nhất cũng đạt khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà các thành viên không phải đi bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch như trước đây.

Đó chỉ là một trong những mô hình kinh tế tập thể đang phát triển bền vững và hiệu quả sau hàng chục năm thành lập, từ đó góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân địa phương giảm nghèo bền vững. Vì vậy, HTX đang mong muốn phát triển thêm dịch vụ homestay để tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.

Cũng tại Tọa đàm, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhận định, cần phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong việc bảo vệ quyền, lợi ích cho HTX thành viên. Đi liền với đó là chú trọng phát triển các HTX theo hướng chuỗi giá trị để mang lại giá trị lớn về chất lượng, số lượng nông sản./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024